Sau khóa sim: Người dân vẫn khổ vì cuộc gọi rác, lừa đảo

Dù cơ quan chức năng đang làm nghiêm và quản lí chặt đối với sim chính chủ để giảm thiểu sim rác nhưng người dân vẫn nhận các cuộc gọi rác và cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo.

Số liệu thống kê của Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và truyền thông (Bộ TTTT), cho biết từ 31-3 đã có 1,67 triệu SIM bị khóa một chiều do không trùng khớp thông tin với Cơ sở quản lí quốc gia về dân cư.

Tính lũy kế trong ba ngày sau thời điểm khóa một chiều, tức từ 1 đến 3-4, có 160 ngàn thuê bao thực hiện chuẩn hóa lại thông tin, chiếm 9,6% tổng số thuê bao bị khóa một chiều.

Những con số này cho thấy nỗ lực của cơ quan chức năng và nhà mạng trong việc quản lý thông tin thuê bao.

Tuy nhiên theo phản ánh của bạn đọc PLO, sau ngày 1-4 nhiều người dân vẫn nhận được các cuộc gọi lừa đảo tự xưng Bộ TTTT để khóa sim người dùng, hoặc các cuộc mời chào việc nhẹ lương cao.

Vẫn xuất hiện các cuộc gọi lừa đảo, mời chào việc nhẹ lương cao

Bạn đọc Le Phuong cho biết: "Ngày 2-4 tôi vẫn nhận được cuộc gọi rác từ những cuộc gọi cho vay tín dụng".

Chị Hà Nguyễn (Gò Vấp, TP.HCM) cũng nhận được cuộc gọi tự xưng là giám đốc Marketing để mời chào việc nhẹ lương cao cho vị trí "nhân viên mua hàng Shopee" từ đầu 0598xxx731.

"Trước và sau thời điểm nhà mạng làm mạnh tay cắt thuê bao một chiều đối với sim chưa chuẩn hóa thông tin, tôi vẫn thường xuyên nhận các cuộc gọi tự xưng là nhân viên cao cấp của công ty nổi tiếng để tuyển dụng"- chị Hà nói.

Tương tự, chiều ngày 3-4, anh Minh Hoàng (Tân Bình, TP.HCM) cho biết anh đã nhận cuộc gọi lừa đảo tự xưng là Bộ TTTT để dọa cắt thuê bao.

Số điện thoại tự xưng là Bộ TTTT gọi tới để lừa đảo người dân. Ảnh: THU HÀ

Số điện thoại tự xưng là Bộ TTTT gọi tới để lừa đảo người dân. Ảnh: THU HÀ

Nhiều phương thức lách luật để không bị khóa SIM

Trao đổi với PLO, đại diện một nhà mạng cho biết, nguyên nhân tới thời điểm hiện tại vẫn xuất hiện cuộc gọi rác, tin nhắn rác, có thể là do các sim này đều được đăng ký chính chủ, có thông tin trùng khớp với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, nên không bị khóa một chiều.

"Đây là lý do mà người sử dụng các số thuê bao trên có thể thực hiện các cuộc gọi, tin nhắn gây phiền hà tới người dân, nhà mạng không thể nghe hay quản lý nội dung cuộc gọi từ các số thuê bao. Với các trường hợp trên, rất mong người dân có thể báo cáo tới đầu số 156, nơi tiếp nhận phản ánh cuộc gọi, tin nhắn rác và có dấu hiệu lừa đảo"- vị này chia sẻ.

Ông Ngô Minh Hiếu, chuyên viên an ninh mạng và điều tra số tại Trung tâm giám sát An toàn thông tin Việt Nam, Cục An toàn thông tin, cho biết thêm, thực tế hiện nay một số SIM dù thông tin không chính thống mà vẫn hoạt động bình thường là do các đối tượng lừa đảo có thể sử dụng công nghệ để làm giả giấy tờ.

"Ngoài ra rất nhiều dịch vụ voice IP hoặc cho thuê số điện thoại SIM ảo để gọi điện thoại, số ảo có cho cả Việt Nam và nước ngoài. Đây phương thức mà các đối tác lừa đảo vẫn dùng để gửi tin nhắn cuộc gọi rác, lừa đảo và quảng cáo. Vấn đề này không chỉ Việt Nam mà hầu hết các nước đều đang gặp phải"- ông Hiếu chia sẻ.

Cách báo cáo cuộc gọi rác, tin nhắn rác

Phản ánh tin nhắn rác qua hai hình thức gọi điện hoặc nhắn tin miễn phí đến đầu số 156.

Với tin nhắn rác, cú pháp soạn tin nhắn:

S (Số điện thoại phát tán tin nhắn rác- nội dung cuộc gọi rác) gửi 156 hoặc 5656

Với cuộc gọi có dấu hiệu là cuộc gọi rác, soạn tin nhắn:

V (số điện thoại phát tán cuộc gọi rác- nội dung cuộc gọi rác) gửi 156 hoặc 5656

Với cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo, cú pháp gửi tin nhắn:

LD (Số điện thoại phát tán tin nhắn rác- nội dung cuộc lừa đảo) gửi 156 hoặc 5656

THU HÀ

Nguồn PLO: https://plo.vn/sau-khoa-sim-nguoi-dan-van-kho-vi-cuoc-goi-rac-lua-dao-post727173.html