Sau khói mù là bão tố

Chưa giải pháp toàn cầu nào về chống biến đổi khí hậu, cho đến lúc này, có triển vọng đạt hiệu quả cần thiết. Bởi lẽ, tất cả những giải pháp từng được đưa ra đều thiếu sự tham gia của một trong hai cường quốc kinh tế - hai quốc gia phát thải hàng đầu thế giới là Mỹ và Trung Quốc. Và, trong cuộc chiến đấu không cân sức chống lại một địch thủ có sức hủy diệt ghê gớm như thiên nhiên, loài người bắt buộc phải lựa chọn: hy sinh lợi ích kinh tế hoặc mặc kệ sự tồn vong của chính mình?

Lời cảnh báo lạnh lùng

Nước Pháp vừa bị giằng khỏi tay 4,5 tỷ euro (và con số này có thể tiếp tục tăng lên), mà không thể chống cự, cũng không thể làm gì hơn ngoài việc chấp nhận “dốc túi”. Số tiền khổng lồ đó, như Hiệp hội Nông dân Pháp (FNSEA) công bố, bao gồm khoảng 2 tỷ euro thiệt hại mà các vườn nho đánh mất do sụt giảm sản lượng, cùng khoảng 1,5 tỷ doanh thu từ trái cây của các nhà vườn. Tất cả đều do một đợt băng giá kinh khủng bất thường ập tới, khi mùa xuân đã đến từ lâu lắm, tác động tiêu cực tới hàng trăm nghìn héc-ta nông sản trên toàn nước Pháp.

Chính phủ Pháp bước đầu chỉ có thể hứa trợ giúp những người nông dân của mình ngân sách 1 tỷ euro. Các biện pháp hỗ trợ tiếp nối cũng sẽ được sớm đưa ra, bao gồm cả giảm thuế. Dù sao, cách phản ứng ấy cũng đã được FNSEA đánh giá là “nhanh chóng” và “nhận thức được rõ mức độ nghiêm trọng của tình hình”. Trong cùng những tình huống tương tự, phải thừa nhận rằng không nhiều quốc gia có được nguồn lực cũng như sự nghiêm túc nhằm giảm thiểu các tác động xấu cho ngành nông nghiệp như cách Pháp đã thực hiện.

 Những chân trời mù khói.

Những chân trời mù khói.

Song, tính đến ngày 14-4, Pháp - mặc dù vẫn là ngọn cờ đầu và Paris vẫn là nơi ghi dấu Thỏa thuận chung toàn cầu về chống biến đổi khí hậu năm 2015 - lại không phải là quốc gia tiên phong đích thực, về sự quyết liệt trong hành động nhằm ngăn cản và đẩy lùi đại họa.

Vị trí ấy đang thuộc về New Zealand - đất nước đầu tiên ban hành luật yêu cầu các ngân hàng, công ty bảo hiểm và các nhà quản lý đầu tư báo cáo tác động của biến đổi khí hậu đối với hoạt động kinh doanh của họ. Tất cả ngân hàng, công ty bảo hiểm cũng như các công ty phát hành vốn và nợ được niêm yết trên sàn chứng khoán New Zealand với tổng tài sản hơn 1 tỷ NZD (khoảng 703 triệu USD) đều sẽ phải áp dụng luật này.

Giải thích cho động thái ấy, Bộ trưởng Phụ trách biến đổi khí hậu (một chức danh nói lên rất nhiều về sự nghiêm túc của chính quyền) James Shaw khẳng định: “Chúng ta không thể đạt mục tiêu giảm phát thải ròng carbon xuống mức 0 vào năm 2050 nếu như các công ty tài chính không biết được tác động của họ đối với khí hậu. Luật này sẽ đưa rủi ro và khả năng thích ứng với khí hậu vào trọng tâm của quá trình ra quyết định tài chính và kinh doanh”. Nói một cách ngắn gọn, New Zealand chính thức gắn các diễn biến về môi trường và biến đổi khí hậu vào “chuyện làm ăn” của mọi doanh nghiệp lớn.

Bên cạnh họ, đến ngày 17-4, Chính phủ Australia và chính quyền bang New South Australia cũng đã ký một thỏa thuận, theo đó sẽ có khoảng 1,1 tỷ AUD (tương đương 850 triệu USD) tài trợ các biện pháp giúp giảm chi phí năng lượng và hạn chế lượng khí thải carbon. Tháng trước, nước Anh cũng hé lộ kế hoạch đầu tư hơn 1 tỷ USD, cho lĩnh vực chống biến đổi khí hậu.

Trong khi đó, đến tận lúc này, hầu như tất cả các nhà hoạt động bảo vệ môi trường, các tổ chức nghiên cứu khoa học, kể cả một số tập đoàn lớn cũng như một số quốc gia vẫn đang kêu gọi và chờ đợi nước Mỹ đặt mục tiêu cắt giảm 50% lượng khí thải, đến năm 2030.

Tâm điểm Washington

Đó sẽ là kế hoạch hạ lượng khí thải tham vọng nhất được thực hiện, nếu trở thành hiện thực và không có gì đáng ngạc nhiên khi tất cả những ai quan tâm đến “mái nhà chung của nhân loại” đều trông chờ điều này đến vậy.

Đưa nước Mỹ trở lại với các cam kết của Thỏa thuận Paris 2015 là một trong những điểm nhấn quan trọng nhất mà đương kim Tổng thống Mỹ Joe Biden đặt vào cả cương lĩnh tranh cử lẫn chương trình hành động. Đã đến lúc, ông thực hiện lời hứa đó của mình.

Lửa bùng cháy trong khu rừng quốc gia Klamath ở California, Mỹ

Lửa bùng cháy trong khu rừng quốc gia Klamath ở California, Mỹ

Mọi chuyện có vẻ đang diễn ra đúng lịch trình. Ngày 17-4, sau cuộc thảo luận tại Thượng Hải giữa Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ về vấn đề biến đổi khí hậu John Kerry và Đặc phái viên Trung Quốc về biến đổi khí hậu Giải Chấn Hoa, Mỹ và Trung Quốc đưa ra một tuyên bố chung, nêu rõ: “Mỹ và Trung Quốc cam kết hợp tác với nhau và với các quốc gia khác nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng biến đổi khí hậu - vấn đề đòi hỏi cần phải được giải quyết với sự nghiêm túc và cấp bách. Điều này đồng nghĩa với việc hai bên phải lần lượt tăng cường hành động và hợp tác trong các tiến trình đa phương, trong đó có Công ước khung của Liên Hợp quốc về biến đổi khí hậu và Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu".

Song song với điều đó, ông chủ Nhà Trắng cũng chuẩn bị chủ trì một hội nghị trực tuyến với các nhà lãnh đạo thế giới, nhằm tạo những động lực mới cho tiến trình. Lời mời tham dự đã được gửi đến nguyên thủ của 17 nước chiếm tới 80% lượng phát thải toàn cầu (trong đó cộng cả Mỹ và Trung Quốc đã là gần 50%), như đáp lại kỳ vọng của Tổng Thư ký Liên Hợp quốc Antonio Guterres: Tất cả các nước có lượng khí thải nhiều cần đặt ra những mục tiêu lớn về cắt giảm khí thải ngay trong thập niên này.

Những đồng nho chết cóng ở nước Pháp

Những đồng nho chết cóng ở nước Pháp

Washington đang thay thế Paris, trong vị trí người dẫn đầu cuộc “đại vận động” liên quan đến vận mệnh của hành tinh này - đó là điều hoàn toàn khác biệt, thậm chí hoàn toàn trái ngược với 4 năm vừa kết thúc dưới nhiệm kỳ cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump. Suốt 4 năm đó, ông Trump đã tìm mọi cách để cuối cùng đạt được mục đích - đưa nước Mỹ rời khỏi Thỏa thuận Paris, thỏa thuận mà ông xem là đầy những điều khoản bất công đối với các công dân của mình.

Có điều, không thể nói là cựu Tổng thống Mỹ hoàn toàn vô lý. Sự ủng hộ mà ông nhận được từ hơn 70 triệu cử tri Mỹ báo hiệu rằng người kế nhiệm ông đang dấn thân vào một hành trình nhiều cạm bẫy đến đâu.

Bởi vì, rất đơn giản, dù độc hại và gây những tác động xấu đến môi trường, những luồng khí thải nhà máy lại chính là chỉ dấu xác nhận sức sống của các nền công nghiệp và các nền kinh tế. Giữa môi trường và lợi nhuận kinh tế cho nước Mỹ, ông Donald Trump chọn lợi nhuận. Bây giờ, chọn ngược lại, có thể nói đương kim Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng đồng thời chất thêm những gánh nặng tài chính lên vai các công dân Mỹ. Sản lượng sẽ bị hạn chế. Phần đóng góp chung cho cộng đồng quốc tế sẽ phải tăng lên. Và rõ ràng, điều đó sẽ chẳng khiến ai thích thú cả, nhất là khi mọi khoản thu cho ngân sách đều liên quan trực tiếp đến mức thuế của các công dân Mỹ.

Không giống với Washington, Bắc Kinh phải đối diện với những kiểu rào cản kỹ thuật. Họ đã tuyên bố một mục tiêu đầy tham vọng từ năm trước: Trung hòa khí carbon vào năm 2060. Tuy vậy, chỉ ý chí chính trị hay tiềm lực tài chính thôi thì chưa đủ. Giới khoa học đánh giá Trung Quốc sẽ rất khó đạt được mục tiêu này, bởi nền kinh tế ấy còn phụ thuộc quá nhiều vào các nguồn nhiên liệu hóa thạch, như than đá hay dầu mỏ. Bên cạnh đó và cũng vì thế, cho đến nay, Trung Quốc mới chỉ thực thi được những kế hoạch ngắn hạn. Vả chăng, khi viễn cảnh vượt qua Mỹ để trở thành nền kinh tế số 1 thế giới đã ở khá gần - theo đánh giá của không ít nhà phân tích, việc hy sinh tăng trưởng kinh tế cho các mục tiêu môi trường cũng sẽ là một lựa chọn không hề dễ dàng.

Chính vì thế, cho dù tại Hội nghị thượng đỉnh toàn cầu về chống biến đổi khí hậu (COP26) sẽ diễn ra vào cuối năm nay có những bài diễn văn thống thiết đến thế nào thì sau đó, điều quan trọng nhất vẫn là: Đã có những hành động gì được thể chế hóa bằng pháp luật hay các sắc lệnh trong thực tế, tại những đất nước phát thải nhiều nhất thế giới, như cách New Zealand vừa “làm mẫu”? Còn nếu vẫn chỉ là những lời kêu gọi, e rằng, sẽ không ít quốc gia phải chứng kiến người dân của mình lâm vào cảnh khốn đốn, còn hơn những người nông dân Pháp trong thứ băng giá mùa xuân 2021 kia...

Đông Phong

Nguồn ANTG: http://antgct.cand.com.vn/chuyen-de/sau-khoi-mu-la-bao-to-638827/