Sâu lắng 'Nghiêng trong bóng chiều'

'Nghiêng trong bóng chiều' là tập phê bình văn học mới nhất của Ngô Thảo, do Nhà xuất bản Quân đội nhân dân ấn hành quý II năm 2020. Sách tập hợp 27 bài viết trong những năm gần đây, ghi dấu của tác giả khi bước vào tuổi 80.

Là người được đào tạo cơ bản để trở thành cán bộ nghiên cứu văn học nhưng cũng như nhiều thanh niên cùng thế hệ, Ngô Thảo đã gác bút nghiên lên đường ra trận. Thực tế chiến đấu ở chiến trường B4-Trị Thiên góp phần làm phong phú thêm vốn sống để khi về công tác tại Tạp chí Văn nghệ Quân đội, phụ trách phần bình luận văn nghệ (từ năm 1971 đến 1986), Ngô Thảo và các bạn viết cùng lứa đã tâm huyết sưu tầm, tuyển chọn và giới thiệu tư liệu về các nhà văn quân đội trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc.

Bìa cuốn sách "Nghiêng trong bóng chiều".

Bìa cuốn sách "Nghiêng trong bóng chiều".

Ở phần đầu của tập sách, tác giả khẳng định những giá trị trường tồn của dòng văn học cách mạng và kháng chiến cũng như những đóng góp không mệt mỏi của đội ngũ các nhà văn Việt Nam. Đó là những người đã tay bút, tay súng lên đường đi suốt cuộc chiến tranh mấy mươi năm. Nhiều người đã sống cùng nhân dân, ngã xuống cùng nhân dân. Tên tuổi của họ, tác phẩm văn học của họ sống mãi trong sự nghiệp cách mạng của Đảng, của nhân dân.

Phần còn lại của "Nghiêng trong bóng chiều" là chân dung các nhà văn thuộc nhiều thế hệ được tác giả khắc họa rõ nét thông qua sự nghiên cứu cẩn thận trong đối chiếu tư liệu và tâm huyết với nghề. Đối với bất kỳ nhà văn nào, Ngô Thảo đều dành sự trân trọng, thể hiện lòng biết ơn đối với những đóng góp, cống hiến thông qua tác phẩm của họ. Không ít bài viết, trang viết trong tập sách gây xúc động mạnh mẽ và tạo sự lan tỏa đối với nhiều bạn đọc. Đó là những trang viết về: Nhà văn, Thiếu tướng Văn Phát (1926-2012); nhà văn, Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Thi (1928-1968); nhà văn, Anh hùng LLVT nhân dân Chu Cẩm Phong (1941-1971); nhà văn, liệt sĩ Dương Thị Xuân Quý (1941-1969)...

Có thể xem cuốn sách "Nghiêng trong bóng chiều" là tấm lòng thủy chung của tác giả đối với chủ đề văn học về người lính, của tình bằng hữu văn chương và cả sự nghiệp văn hóa-văn nghệ dưới sự lãnh đạo của Đảng.

LÊ AN KHÁNH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/hau-phuong-chien-si/que-huong/sau-lang-nghieng-trong-bong-chieu-648607