Sau mỗi bài viết là một số phận…

Những ngày này, không chỉ riêng những người làm báo mà cả xã hội đang hướng về kỷ niệm 98 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21-6). Trong cuộc sống có muôn ngàn nghề nghiệp, nghề báo là một trong số những nghề hiếm hoi được cả xã hội quan tâm, dành những tình cảm trân trọng nhất. Sự trân trọng ấy xuất phát từ chức năng của báo chí, đó là phản ánh sự thật khách quan, nói lên sự thật để phục vụ công chúng.

Tuy nhiên, những người làm báo cũng là con người, mỗi người có nhận thức và tình cảm khác nhau. Cùng một sự kiện xảy ra nhưng mỗi người có góc nhìn riêng. Trong khi đại đa số những người làm báo hiểu rõ vì đâu có sự trân trọng của xã hội dành cho nghề báo để nỗ lực, cố gắng hơn nữa thì vẫn còn có những người muốn mượn danh nghề báo để tính toán cá nhân.

Tôi có những người bạn làm chủ doanh nghiệp. Trong một lần trà dư tửu hậu, bạn cười cười nói tôi không được tự ái, chứ doanh nghiệp sợ nhất là nhà báo. Doanh nghiệp trong cuộc cạnh tranh khốc liệt của thị trường vốn đã áp lực đủ thứ, áp lực vốn vay, đơn hàng, nỗi lo đảm bảo đời sống cho người lao động… không cẩn thận, chỉ một bài báo là doanh nghiệp lao đao. Chờ đến khi phân định rõ thực hư thì có khi chả gượng dậy nổi. Thói đời người ta chỉ nghe nói đi chứ có ai nghe nói lại bao giờ. Bạn nói câu này muốn nhắc lại câu chuyện cách đây một thời gian, một doanh nghiệp nước khoáng nổi tiếng của Khánh Hòa bỗng dưng bị báo L. đăng một kết quả của một viện nghiên cứu trời ơi đất hỡi rằng, trong thành phần của nước khoáng có chất gây ung thư vòm họng(!) Chỉ sau một đêm mà công lao gây dựng thị trường của doanh nghiệp hàng chục năm đổ sông đổ bể. Chờ khi báo đính chính thì doanh nghiệp cũng sắp phá sản, bắt đầu lại từ đầu.

Với đặc trưng của nghề báo, thực tế là trong quá trình tác nghiệp vẫn có người tự cho mình đặc quyền tất cả phải phục vụ, họ có quyền hạch sách, đòi hỏi. Đi lấy thông tin mà như đi hỏi cung. Thậm chí, có một số người đã lợi dụng danh nghĩa nhà báo để trục lợi cá nhân, làm ảnh hưởng đến những người làm báo chân chính. Có những người khi tác nghiệp cảm thấy không hài lòng thường có câu đe: “Về viết một bài cho biết thân”. Tình trạng đăng bài rồi thương lượng để gỡ bài phổ biến đến nỗi Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ Thông tin và Truyền thông phải có phần mềm theo dõi tin bài bị gỡ, yêu cầu các báo giải trình hàng tuần. Thử gõ từ khóa “nhà báo bị bắt vì tống tiền”, chỉ trong 0,36 giây sẽ cho 124 triệu kết quả. Một con số khiến những người trong nghề đau lòng. Vẫn biết nghề nào cũng có người nọ người kia, nhưng riêng với nghề báo, sao nghe những thông tin này thấy một sự xúc phạm không hề nhỏ. Chưa kể nhiều người thấy quyền lực của thông tin, quyền lực của nhà báo lớn quá nên mượn danh nhà báo để tống tiền doanh nghiệp.

Người xưa có câu rất hay: “Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân” có nghĩa là bản thân mình không muốn một điều gì thì đừng làm điều đó cho người khác. Có thấm nhuần tư tưởng ấy thì khi đặt bút viết sẽ nghĩ mình chính là đối tượng đang được viết để tự mình cảm nhận tác động của bài báo. Có được tâm thế ấy, khi viết bài sẽ tự định hướng được cho mình, sẽ có những cân nhắc cần thiết mà chưa cần sự chỉ đạo của Ban Biên tập.

Là người cầm bút, hơn ai hết sẽ hiểu tác động từ bài viết của mình, nhất là thời buổi mạng xã hội trong nháy mắt sẽ chia sẻ, lan truyền thông tin không giới hạn. Một bài khen thái quá khiến người được khen cũng khó xử với cộng đồng. Một bài viết với thông tin chưa được kiểm chứng rất có thể đẩy một con người, một doanh nghiệp vào một hoàn cảnh lao đao…

Đằng sau mỗi bài viết là một số phận!

THỦY NGÂN

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/xa-hoi/202306/sau-moi-bai-viet-la-mot-so-phan-ba11a3d/