Sau mối lo thụt lùi so với Nhật, Mỹ lại lo bị Trung Quốc vượt qua

Cách đây 3 thập kỷ, nhiều người Mỹ lo ngại Nhật Bản chuẩn bị áp đảo Mỹ về sức mạnh quốc gia; nay thì Mỹ lại có nỗi lo tương tự trước Trung Quốc ngày một lớn mạnh. Mỹ cần làm gì để giữ vững ưu thế của mình?

30 năm trước, cả Mỹ lẫn giới quan sát quốc tế đều ám ảnh về khả năng Nhật Bản “nhảy cóc” vượt qua Mỹ. Ngày nay, nỗi sợ đó đang lặp lại với sự tương đồng kỳ lạ, dù rằng Trung Quốc khác biệt nhiều với Nhật Bản.

Hình ảnh một lá quốc kỳ Trung Quốc tại một đô thị lớn. Ảnh: AFP.

Hình ảnh một lá quốc kỳ Trung Quốc tại một đô thị lớn. Ảnh: AFP.

Mỹ từng lo ngại Nhật Bản trỗi dậy như thế nào?

Cuốn sách “Trading Places” năm 1988 của tác giả Clyde Prestowitz Jr kết luận rằng do Mỹ không phản ứng thành công trước thách thức từ Nhật Bản, sức mạnh của Mỹ và chất lượng cuộc sống người dân Mỹ sẽ giảm nhanh chóng.

Cuốn “Pat Choate’s Agents of Influence” năm 1990 lại cảnh báo về ảnh hưởng của các công ty Nhật Bản và các nhà vận động hành lang tại Washington ủng hộ Nhật Bản, dẫn tới nguy cơ mất cơ hội kinh doanh và thu nhập cho phía Mỹ.

Tác giả William Holstein của cuốn “The Japanese Power Game: What It Means for America” (1990) thì lập luận rằng tàn cuộc, Nhật Bản muốn thống trị châu Mỹ và Vành đai Thái Bình Dương bằng ngành ô tô, điện tử, chuỗi cung ứng, và thậm chí cả hệ thống ngân hàng của mình. Ông này viết rằng chính phủ và ngành công nghiệp Mỹ đang thất bại trong phối hợp hành động và rằng Mỹ phải đoàn kết để chống lại mối đe dọa mang tên Nhật Bản.

Doanh nhân William Dietrich viết trong cuốn sách “In the Shadow of the Rising Sun: The Political Roots of American Economic Decline” năm 1991 rằng lợi thế của Nhật Bản bắt nguồn từ chính quyền trung ương mạnh và đội ngũ công chức có kỹ năng của nước này. Theo Dietrich, Mỹ cần thay đổi quyết liệt các thể chế của mình. Ông còn phán rằng Mỹ có nguy cơ tụt sau Nhật Bản còn hơn cả Anh tụt sau Mỹ thời trước.

Tuy nhiên sau này kinh tế Nhật Bản không còn hùng mạnh như trước nữa. Và Nhật Bản đã có những sai lầm về chính sách tiền tệ và tài khóa. Đã vậy họ lại gặp phải các trở ngại do nền văn hóa đồng nhất về dân tộc và chính sách của nước này đối với nhập cư. Với tỷ lệ sinh thấp, dân số Nhật Bản được dự báo sẽ giảm một nửa vào năm 2100, từ 120 triệu dân hiện nay xuống còn 60 triệu dân vào thời điểm đó.

Các vấn đề mang tính hệ thống của Mỹ

Mỹ hiện nay có một số điểm tương đồng với giai đoạn thập niên 1990. Hồi đó Mỹ đang suy thoái và đang tái cơ cấu mạnh một số ngành (kể cả quốc phòng), còn tỷ lệ thất nghiệp dao động quanh mức 8%.

Robert Reich – sau này là Bộ trưởng Lao động Mỹ thời Tổng thống Bill Clinton, từng viết trên tờ New York Times vào năm 1992: “Năng suất thấp và nợ sâu đã làm xói mòn nền tảng của nền kinh tế Mỹ trong nhiều năm”.

Robert Reich nêu căn nguyên của tình trạng này: “Một thị trường vốn (tư bản) giống như một sòng bạc và đòi sinh lợi ngay lập tức; một hệ thống giáo dục khiến gần như 80% giới trẻ không thể đọc hiểu nổi một tạp chí tin tức và nhiều người khác không được chuẩn bị cho việc lao động; các nhà quản lý tự thưởng cho mình rất nhiều khoản tiền lớn trong khi lại sa thải hàng loạt công nhân; hệ thống cơ sở hạ tầng như cầu đường xuống cấp; và nói chung, một xã hội theo hướng nặng về tiêu thụ và thiếu đầu tư”.

Các nhà quan sát người Nhật Bản vào năm 1990 cũng nhận thấy rằng vấn đề của Mỹ không phải là chiến thuật kinh doanh mạnh mẽ của Nhật Bản mà là do tỷ lệ tội phạm cao tại Mỹ. Khi ấy, Mỹ có số dân trong tù lớn nhất thế giới. Lao động Mỹ kém kỷ luật hơn và không thể đáp ứng được các thách thức sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc.

30 năm sau, các vấn đề trên vẫn tồn tại ở Mỹ và đại dịch Covid-19 đã làm cho các vấn đề đó trầm trọng hơn.

Việc Nhật Bản suy thoái sau thập niên 1990 và việc Mỹ phục hồi được bất chấp nhiều cuộc khủng hoảng (như vụ tấn công khủng bố 11/9/2021 hay cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008) cho thấy các giải pháp cho Mỹ không nằm ở việc học theo mô hình xã hội của Nhật Bản.

Tuy nhiên điều đó không có nghĩa rằng Mỹ có thể bình chân như vại gác sang một bên mối quan ngại về việc Trung Quốc sẽ nhanh chóng vượt qua họ.

Mỹ cần học tập kinh nghiệm cải cách của Trung Quốc

Giới phân tích cho rằng Mỹ có thể đảo ngược tình trạng suy yếu các thể chế của mình, đồng thời có thể học theo những gì Trung Quốc đã làm trong vài thập kỷ qua – đầu tư cho Nghiên cứu và Phát triển (R&D).

Thành công hiện nay của Trung Quốc bắt nguồn từ các yếu tố: Một nhà nước trung ương mạnh mẽ, một đội ngũ hành chính thuần thục kỹ năng, và việc tránh tình trạng kế hoạch hóa quá mức nền kinh tế và sự can thiệp quá nhiều của nhà nước, dù họ vẫn duy trì sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng Cộng sản về mặt chính trị.

Nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình – cha đẻ của “chủ nghĩa xã hội mang đặc sắc Trung Quốc” đã nói súc tích vào năm 1992: “Chúng ta hãy để một bộ phận dân chúng làm giàu trước đã”.

Trung Quốc đã thành công trong việc đạt được mục tiêu này thông qua nỗ lực phân quyền trong đời sống tài chính và kinh tế, và cho phép đề cao năng lực trong kinh doanh, khoa học, và quản trị, giúp các mảng này nhận được những nguồn vốn cần thiết huy động từ các nguồn khác nhau và độc lập.

Thành công vừa qua của Trung Quốc là dựa trên phương châm thực dụng “sống trước, triết lý sau”.

Cách thức Trung Quốc vượt khó chỉ ra rằng các giải pháp cần đến các thay đổi mang tính căn bản hơn là chỉ dựa vào các công cụ tài khóa và tiền tệ truyền thống.

Trong các thập kỷ qua, xu hướng của Mỹ là kết hợp chưa hợp lý giữa kỹ năng và nguồn lực dựa trên nhưng sự biện bạch hăm hở nhưng thiển cận.

Mỹ do vậy cần một sự thay đổi trong văn hóa, bắt đầu trước hết từ ngôn từ, như lời sau của nhà tư tưởng Khổng Tử: “Danh có chính thì ngôn mới thuận, mà ngôn có thuận thì việc mới thông”./.

Trung Hiếu/VOV.VN lược dịch Nguồn: Reuven Brenner/Asia Times

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/sau-moi-lo-thut-lui-so-voi-nhat-my-lai-lo-bi-trung-quoc-vuot-qua-870487.vov