Sau mỗi sản phẩm là một câu chuyện văn hóa
3 con người, sản xuất 3 loại sản phẩm, rủ nhau mở một cửa hàng chung tại phường Lộc Tiến để những sản phẩm đặc trưng của Bảo Lộc, cùng những câu chuyện văn hóa ẩn đằng sau mỗi sản phẩm có cơ hội đến gần hơn với người tiêu dùng.
“Thường thì khi nói đến kinh doanh, người ta sẽ nghĩ ngay đến lợi nhuận. Nhưng chúng tôi không đặt quá nặng chuyện thương mại. Cái chúng tôi mong muốn là khi người tiêu dùng đến với cửa hàng này, ngoài việc được mua những sản phẩm đúng chất lượng, đúng giá của nhà sản xuất, còn sẽ có những trải nghiệm văn hóa về các sản phẩm đang được bày bán tại đây”, bà Vũ Thị Nguyệt Ánh, Cơ sở Tranh bướm Ánh Kim, 1 trong 3 người có sản phẩm trưng bày tại Cửa hàng đặc sản Bảo Lộc, mở đầu câu chuyện.
Bà Ánh là nghệ nhân làm tranh từ cánh bướm đầu tiên của tỉnh Lâm Đồng. Năm 2015, bà từng đoạt giải Nhì quà tặng du lịch tỉnh Lâm Đồng năm 2015. Tranh cánh bướm của bà Ánh đủ các kích cỡ, từ nhỏ đến lớn, từ những bức tranh tiêu bản để làm mô hình dạy học đến những bức tranh làm bởi hàng trăm cánh bướm màu rực rỡ. Thậm chí, bà còn làm cả những bức tranh kết hợp giữa tranh thêu và tranh bướm. Ở những bức tranh tiêu bản, bà Ánh cẩn trọng ghi tên khoa học của các loài bướm, cùng đặc điểm sinh học và sinh thái của bướm để những ai muốn tìm hiểu về bướm có một số thông tin cơ bản nhất, từ vòng đời của bướm dài ngắn ra sao, màu sắc như thế nào, địa bàn phân bố của bướm ở đâu... Theo bà Ánh, thế giới loài bướm thật đa dạng. Nếu có thời gian để tìm hiểu về chúng sẽ nhận ra rất nhiều điều thú vị và bổ ích.
Cùng mở cửa hàng đặc sản Bảo Lộc với bà Ánh, còn có ông Nguyễn Mạnh Hùng, Công ty Trà Trí Việt. Ông Hùng là một trong những người tiên phong trong trồng trà ô long. Ông có 7 năm sống ở Đài Loan. Hiện, bên cạnh công việc chăm sóc trà tại nông trường ở Thôn 4 (xã Lộc Tân, huyện Bảo Lâm), ông Hùng còn mở các lớp dạy về văn hóa trà. Trong khâu chăm sóc trà, ông chủ yếu sử dụng các loại phân hữu cơ để hạn chế sâu bệnh mà không cần dùng đến thuốc bảo vệ thực vật và những loại phân bón hóa học khác. Sản phẩm trà ô long của Công ty Trà Trí Việt gồm có Bạch diệp long, Kim tuyên, Bốn mùa, Kim Quan âm... “Mỗi loại trà chỉ phù hợp với một số người. Vì thế, mới có nhiều giống trà, nhiều loại trà để phù hợp với tất cả mọi người”, ông Hùng cho biết.
Ông Hùng còn thông tin thêm, bao bì các sản phẩm Trà Trí Việt đều in những hình ảnh đặc trưng của Bảo Lộc. Tất cả không ngoài mục đích để người dân và du khách biết nhiều hơn về mảnh đất Bảo Lộc, cũng như các loại trà được trồng, chế biến, sản xuất tại mảnh đất này. “Trà Trí Việt có sẵn chương trình cho người tiêu dùng và du khách tham quan trực tiếp quy trình trồng, chăm sóc trà và quy trình công nghệ chế biến trà ô long, nếu họ có nhu cầu”, ông Hùng chia sẻ.
Công ty Đan Ngọc cũng có cách làm tương tự. Bà Nguyễn Thị Hồng Điệp, Giám đốc Công ty Đan Ngọc, thông tin rằng: Công ty Đan Ngọc hiện có các sản phẩm đông trùng hạ thảo, rượu đông trùng hạ thảo, đông trùng hạ thảo ngâm mật ong nguyên chất... Bà Điệp là người đầu tiên ở Bảo Lộc sản xuất đông trùng hạ thảo theo quy trình công nghệ Nhật Bản. Đó là một quy trình khép kín từ khâu đầu tiên cho đến khâu cuối cùng. “Tại công ty chúng tôi, khách được trực tiếp tham quan nhà xưởng, cùng các bước hoàn thành một sản phẩm”, bà Điệp tâm sự.
Từ những cách làm này, các chủ cơ sở sản xuất đã biến các sản phẩm đặc trưng của Bảo Lộc trở thành một sản phẩm kinh tế - văn hóa, chứ không chỉ đơn thuần là một sản phẩm kinh tế thuần túy.