Sau một đêm, thế giới vượt ngưỡng 102.000 ca mắc, 3.494 người tử vong vì COVID-19, dịch lan mạnh ra 95 quốc gia và vùng lãnh thổ
Tính đến 8h00 ngày 7/3, thế giới có 102.049 ca mắc, 3.494 người tử vong, dịch COVID-19 lan mạnh ra 95 quốc gia và vùng lãnh thổ ngoài lục địa Trung Quốc. Các quốc gia Hàn Quốc, Pháp, Ý, Đức, số ca mắc và tử vong tăng nhanh.
Số ca nhiễm ở Hàn Quốc, Ý, Pháp tăng cao
Tính đến sáng nay, số ca mắc tại lục địa Trung Quốc là 80.650 (tăng 98), số ca từ vong là 3.070 (tăng 28). Dịch COVID-19 có dấu hiệu giảm ca mắc mới ở nước này song số ca tử vong vẫn đang gia tăng.
Tại Hàn Quốc, tính đến 8h00 sáng nay, số ca mắc mới tăng thêm 309, nâng tổng số người mắc bệnh lên 6.593, có 43 người tử vong.
Pháp ghi nhận 653 ca nhiễm chủng mới của virus corona (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, tăng 230 ca so với một ngày trước đó.
Theo Reuters, người đứng đầu Cơ quan Y tế công cộng Pháp Jerome Salomon cho hay, số ca tử vong do dịch bệnh COVID-19 tại Pháp hiện là 9 người, trong khi đó 39 người đang được điều trị đặc biệt.
Các kỷ lục về số ca tử vong và ca nhiễm virus Sars-CoV2 trong ngày tại Ý liên tiếp bị phá vỡ. Nước này tiếp tục ghi nhận thêm 49 nạn nhân thiệt mạng, nâng tổng số lên 197 người tử vong vì virus, đồng thời có 4.636 ca nhiễm, tăng thêm gần 800 ca so với cách đó 1 ngày. Lombardia vẫn là vùng tâm dịch lớn nhất tại Ý với 2.612 ca nhiễm được ghi nhận.
Dịch bệnh đã len lỏi vào mọi ngõ ngách trên lãnh thổ Ý khi trong ngày 6/3, Tòa thánh Vatican cũng thông báo phát hiện trường hợp nhiễm bệnh đầu tiên. Các số liệu phân tích do cơ quan y tế Ý công bố cho thấy, cũng giống như tại nhiều vùng dịch khác, dịch bệnh hiện nay chủ yếu gây hại nhất cho những người cao tuổi. Tuổi trung bình của gần 200 nạn nhân đã thiệt mạng tại Italia là 81 tuổi và 72% trong số đó là nam giới. Đây đều là những người có tiền sử bệnh nền nguy hiểm.
Trước việc dịch bệnh tại Ý không rõ khi nào mới có dấu hiệu thuyên giảm, tiếp tục có thêm các nước khác cắt bỏ mọi chuyến bay đến Ý như CH Séc hay Slovakia.
Tại Đức, số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 trong cũng tăng cao nhất từ trước đến nay, thêm 310 ca nhiễm mới, nâng tổng số bệnh nhân tại nước này lên 670, với hơn một nửa số ca vẫn tập trung ở bang Bắc Rhine-Westphalia.
Ông Lothar Wieler, Chủ tịch Viện Robert Koch, cơ quan liên bang phụ trách việc nghiên cứu và kiểm soát dịch bệnh tại Đức, thừa nhận, Đức sẽ phải đối mặt với tình huống dịch lan rộng mạnh như Ý. "Các con số đang tăng rất nhanh. Đà tăng này là liên tục và tất nhiên là sẽ tiếp diễn như thế trong những ngày tới và những tuần tới. Chúng tôi không biết khi nào dịch sẽ đạt đỉnh. Chúng tôi giờ chỉ muốn trì hoãn điều đó càng lâu càng tốt", ông Koch nói.
Điều đáng lo ngại tại châu Âu trong vài ngày qua không chỉ là sự lây lan trên diện rộng mà còn ở việc có những ổ dịch bùng phát rất mạnh. Tại Tây Ban Nha, số ca nhiễm đã lên tới 401 ca, gấp 4 lần so với chỉ cách đây 2 ngày. Tương tự, tại Thụy Sỹ, nơi hiện có 214 ca nhiễm, số bệnh nhân gần như tăng gấp 4 lần chỉ trong hơn một ngày.
Nước Anh cũng đã có ngày tăng ca nhiễm cao nhất từ đầu dịch, với thêm 47 ca nhiễm mới và hiện đã có 164 ca dương tính với virus Sars-CoV2, trong đó đã có 2 nạn nhân thiệt mạng. Tại Hà Lan, số người nhiễm cũng đã lên tới 128 người, cao hơn 46 người so với cách đó 1 ngày.
Mỹ đã xác nhận 15 trường hợp tử vong và 320 ca nhiễm SARS-CoV-2
14 trong số các trường hợp tử vong do COVID-19 được xác nhận tại bang Washington và trường hợp còn lại được ghi nhận ở bang California. Số ca lây nhiễm SARS-CoV 2 đã tăng lên 320 trên 21 bang ở Mỹ. Các ca lây nhiễm trong cộng đồng ở Mỹ đang gia tăng khi số bệnh nhân nhiễm bệnh không rõ nguồn gốc liên tiếp được ghi nhận.
Viện y tế quốc gia Mỹ sẽ bắt đầu thử lâm sàng vaccine chống COVID-19 tại Washington từ tuần tới. Giai đoạn đầu của quá trình thử sẽ được áp dụng đối với 40 người lớn bị nhiễm bệnh. Quy trình thử sẽ tập trung vào sự an toàn đối với người bệnh, do đó kết quả sẽ chưa thể biết vaccine có hoạt động hiệu quả hay không.
Tổng thống Donald Trump ngày 6/3 đã ký duyệt dự luật ngân sách khẩn cấp 8,3 tỷ đô la cho cuộc chiến chống COVID-19. Dự luật này trước đó đã được Hạ viện và Thượng viện thông qua với đa số phiếu ủng hộ.
Costa Rica, Colombia xác nhận ca nhiễm SARS-CoV-2 đầu tiên
Costa Rica là quốc gia thứ 8 tại Mỹ Latinh có người dương tính với SARS-CoV-2, sau Brazil, Mexico, Ecuador, Cộng hòa Dominicana, Chile, Argentina và Peru.
Bộ trưởng Y tế Costa Rica Daniel Salas cho biết 2 trường hợp trên trước đó đi du lịch tại Italy và Tunisia và quay trở về Costa Rica vào ngày 29/2 vừa qua.
Hiện tại, cơ quan chức năng đã liên hệ với hãng hàng không để có thông tin về 157 hành khách và phi hành đoàn trên cùng chuyến bay với 2 bệnh nhân trên nhằm đưa ra các biện pháp theo dõi và cách ly cần thiết.
Costa Rica là quốc gia thứ 8 tại Mỹ Latinh có người dương tính với SARS-CoV-2, sau Brazil, Mexico, Ecuador, Cộng hòa Dominicana, Chile, Argentina và Peru.
Cũng trong ngày 6/3, Bộ Y tế Brazil thông báo nước này đã ghi nhận thêm 5 trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2, nâng tổng số ca lẫy nhiễm bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại nước này lên 13 người.
Thống kê chính thức của cơ quan y tế Brazil cho biết số trường hợp nhiễm bệnh tập trung chủ yếu tại Sao Paulo, nơi phát hiện trường hợp dương tính đầu tiên, với 10 người, và số còn lại tại các bang Espirito Santo (1 người), Rio de Janeiro (1 người) và Bahia (1 người).
Ngoài ra, hiện có 768 trường hợp nghi nhiễm với các triệu chứng liên quan đang được cách ly theo dõi.
Giới chức y tế xác định ít nhất hai trường hợp nhiễm COVID-19 mới ở Sao Paulo có tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân đầu tiên, người bị nhiễm bệnh sau khi trở về từ Italy, qua đó cho thấy việc lây nhiễm trong cộng đồng đã bắt đầu bùng phát tại quốc gia Nam Mỹ này.
Trong khi đó, Argentina cũng đã ghi nhận thêm 6 trường hợp nhiễm COVID-19 từ nước ngoài trở về nước chỉ hai ngày sau khi ca đầu tiên được công bố, trong đó có 4 bệnh nhận ở thủ đô Buenos Aires trong độ tuổi từ 44 đến 72 tuổi, một phụ nữ 63 tuổi ở tỉnh Buenos Aires và 1 nam giới 57 tuổi ở tỉnh Cordoba. Như vậy, đến nay Argentina đã xác định 8 ca dương tính với virus SARS-CoV-2 .
Bộ Y tế Colombia xác nhận ca nhiễm COVID-19 đầu tiên tại nước này.
Theo thông báo, bệnh nhân 19 tuổi này mới trở về Bogota từ thành phố Milan. Hiện Viện Sức khỏe Quốc gia của Colombia cho biết quá trình chuẩn bị phòng dịch đã chuyển sang quá trình triển khai các biện pháp giải quyết dịch bệnh.
WHO đề nghị đặt mục tiêu phòng chống dịch bệnh COVID-19 lên hàng đầu
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 6/3 đã đề nghị tất cả các quốc gia trên thế giới đặt mục tiêu phòng chống dịch bệnh COVID-19 lên hàng đầu.
Bên cạnh đó, WHO cũng đề nghị các quốc gia hạn chế những tranh cãi, tập trung vào quá trình phòng dịch.
Phát biểu trong cuộc họp báo thường kỳ, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus đã đề cập tới số liệu mới nhất về các ca nhiễm COVID-19 trên thế giới.
Ông nói: "Chúng ta đang gần đạt tới 100.000 ca xác nhận nhiễm (COVID-19). Dịch bệnh đang lan rộng về mặt địa lý và vô cùng đáng quan ngại. Chúng tôi tiếp tục khuyến cáo tất cả các nước đặt việc ngăn chặn dịch làm ưu tiên lớn nhất."
Bên cạnh đó, Tổng Giám đốc WHO cũng cho rằng Nhật Bản và Hàn Quốc nên tập trung vào công tác phòng chống dịch bệnh, thay vì có những động thái trả đũa lẫn nhau như trong thời gian qua.
Cũng tại cuộc họp báo, khi được hỏi về khả năng virus corona chủng mới ( SARS-CoV-2 ) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 có thể không lây lan dễ dàng trong điều kiện thời tiết ấm những tháng mùa Hè tại châu Âu, Giám đốc điều hành Chương trình Y tế khẩn cấp của WHO - ông Mike Ryan nhận định: "Chúng tôi vẫn chưa biết rõ hoạt động hay hành vi của loại virus này ở những điều kiện thời tiết khác nhau. Chúng tôi đành phải giả định rằng virus sẽ tiếp tục có khả năng lây lan."
Ông Ryan cho rằng sẽ là sai lầm khi hy vọng rằng virus sẽ biến mất vào mùa Hè như virus gây bệnh cúm khi tới nay, chưa hề có bằng chứng cho rằng điều này sẽ xảy ra.
Khi được hỏi về sự bùng phát dịch bệnh COVID-19 tại Iran, ông Mike Ryan cho biết cũng giống như Trung Quốc và Hàn Quốc, Iran nhanh chóng phát hiện nhiều trường hợp nhiễm virus là do bắt đầu tích cực rà soát dịch bệnh.
Mai Anh (th)