Sau một năm bùng nổ, xung đột tại Trung Đông khốc liệt hơn

Ngày 7/10 đánh dấu một năm xung đột giữa Israel và phong trào Hamas ở Dải Gaza bùng nổ - sự kiện kéo theo nguy cơ căng thẳng lan rộng ra toàn bộ khu vực Trung Ðông. Trong một năm qua, các cuộc tấn công trả đũa lẫn nhau tại Gaza đã khiến khu vực trở nên bất ổn, với con số người chết và quy mô tàn phá đã 'gây sốc' cho cả thế giới.

Nhiều khu vực ở Gaza bị phá hủy trong các cuộc không kích. (Ảnh REUTERS)

Nhiều khu vực ở Gaza bị phá hủy trong các cuộc không kích. (Ảnh REUTERS)

Theo các cơ quan y tế Palestine, gần 42.000 người chết, trong khi phần lớn trong số 2,3 triệu người dân Gaza đã phải di dời vì bạo lực leo thang. Tại Gaza, 101 con tin vẫn đang bị giam giữ trong bối cảnh lực lượng Israel tiếp tục chiến dịch nhằm làm suy yếu Hamas.

Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cảnh báo, trẻ em ở Gaza sẽ phải đối mặt với những di chứng do xung đột và ngay cả khi có thể đưa thêm nhu yếu phẩm vào Gaza, thì tổn thương mà những đứa trẻ ở đây phải chịu đựng sẽ gây ra di chứng suốt đời và có thể ảnh hưởng tới thế hệ sau.

Nhân thời điểm đánh dấu một năm xung đột Israel-Hamas bùng nổ, bên ngoài Israel, nhiều cuộc tuần hành được tổ chức nhằm phản đối các cuộc không kích của Israel vào Gaza, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến khu vực ven biển đông dân này.

Thủ tướng Anh Keir Starmer kêu gọi tất cả các bên liên quan đạt được lệnh ngừng bắn ở Gaza, tránh gây thêm thương vong và khiến dân thường phải ly tán. Thủ tướng Ðức Olaf Scholz khẳng định, Berlin đang liên lạc chặt chẽ với các đối tác quốc tế để ngăn chặn xung đột leo thang hơn nữa. Ai Cập hối thúc thực thi lời kêu gọi của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron về việc ngừng xuất khẩu vũ khí sang Israel; ủng hộ các quyền của người Palestine, bao gồm cả việc thành lập một Nhà nước Palestine độc lập, có chủ quyền dựa trên đường biên giới được xác lập năm 1967, với Ðông Jerusalem là thủ đô, phù hợp với giải pháp hai nhà nước và các nghị quyết quốc tế liên quan.

Dân thường mắc kẹt trong giao tranh

Ðáng lo ngại, xung đột đã lan rộng sang Liban, nơi xảy ra các cuộc đụng độ giữa Israel và lực lượng Hezbollah. Trong hai tuần qua, các cuộc không kích của Israel vào Liban đã khiến hơn 1.000 người thiệt mạng, dẫn đến làn sóng di cư lớn, với hơn 1 triệu người Liban phải rời bỏ nhà cửa.

Người đứng đầu Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) Filippo Grandi cảnh báo về tình trạng dân thường ở Liban bị mắc kẹt trong các cuộc giao tranh khi Israel tăng cường chiến dịch không kích nhằm vào các mục tiêu của lực lượng Hezbollah. Ông Grandi nhấn mạnh, thách thức cấp bách hiện nay không chỉ là việc người dân buộc phải di dời, mà họ không thể sơ tán. Khoảng 6.000 người tị nạn Syria ở miền nam Liban đang trong tình trạng “tiến thoái lưỡng nan” khi không có nơi nào an toàn để đến và hiện cũng đã quá muộn để di tản.

Khoảng 1.000 trường học ở Liban đã được dùng làm nơi trú ẩn và hiện đang trong tình trạng quá tải. Nhiều người dân chạy trốn xung đột không tìm được nơi an toàn để trú ẩn. UNHCR cho biết đã kêu gọi khoản hỗ trợ 111 triệu USD để giúp một triệu người phải di dời ở Liban cho đến hết năm 2024.

Mặc dù người dân tại Liban đang phải gánh chịu hậu quả nặng nề do xung đột, song căng thẳng vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt khi Israel và lực lượng Hezbollah tiếp tục các cuộc tấn công lẫn nhau. Sáng 7/10, Israel thông báo, lực lượng Hezbollah đã phóng tên lửa vào Haifa, thành phố lớn thứ 3 của nước này, làm nhiều người bị thương và một số tòa nhà bị hư hại. Hezbollah cho biết đã nhắm mục tiêu vào một căn cứ quân sự ở phía nam Haifa. Trong khi đó, quân đội Israel tuyên bố đánh chặn nhiều thiết bị bay không người lái gắn thuốc nổ được phóng từ Liban vào lãnh thổ Israel.

Trước đó, ngay sau khi kêu gọi người dân sơ tán khỏi thành trì của Hezbollah, Israel tiếp tục không kích vào phía nam thủ đô Beirut của Liban. Ngoài ra, lực lượng bộ binh Israel đã bắn phá các cơ sở hạ tầng và kho vũ khí của Hezbollah, trong khi máy bay chiến đấu của Israel tấn công khoảng 150 cơ sở của Hezbollah, bao gồm các trạm phóng tên lửa chống tăng, trung tâm chỉ huy, cơ sở hạ tầng ngầm và các địa điểm lưu trữ vũ khí khác.

Làn sóng di dời công dân

Anh khuyến cáo công dân không nên đến Israel và các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng ở Palestine do tình hình căng thẳng gia tăng và các cuộc đụng độ bạo lực trong khu vực. Thông báo kêu gọi công dân nước này tránh mọi chuyến đi đến khu vực gần biên giới với Dải Gaza, di chuyển bên trong Israel và các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng ở Palestine.

Bộ Ngoại giao Brazil cho biết đã đón hơn 200 công dân di tản khỏi Liban. Ðây là những người Brazil đầu tiên rời Liban sau khi Chính phủ Brazil điều một máy bay tới hồi hương công dân về nước.

Ðại sứ quán Ai Cập tại Liban đã sơ tán 286 công dân nước này khỏi Liban trên một chuyến bay đặc biệt do hãng hàng không quốc gia Egypt Air thực hiện.

Australia cho biết 904 công dân nước này đã rời Liban trên các chuyến bay hỗ trợ do Chính phủ Australia điều phối.

Theo Nhân Dân điện tử

Nguồn Tuyên Quang: http://baotuyenquang.com.vn/sau-mot-nam-bung-no-xung-dot-tai-trung-dong-khoc-liet-hon-199799.html