Sau một năm Fed duy trì lãi suất cao, nền kinh tế Mỹ đã thay đổi như thế nào?

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã duy trì lãi suất chính sách ở mức cao nhất trong hơn hai thập kỷ trong một năm qua. Kết quả từ chiến dịch của Fed có đôi chút bất ngờ.

Chủ tịch Fed Jerome Powell. (Ảnh: Financial Times).

Chủ tịch Fed Jerome Powell. (Ảnh: Financial Times).

Đã một năm kể từ khi Fed nâng lãi suất lên mức cao nhất trong hơn hai thập kỷ. Hiện tại, các quan chức đã thành công hạ nhiệt nền kinh tế, nhưng chi phí đi vay cao cũng gây ra một số tác động ngoài dự kiến.

Các hộ gia đình thu nhập cao đang được hưởng lợi từ đà tăng của thị trường chứng khoán và giá nhà. Các doanh nghiệp vay mượn với tốc độ nhanh chóng và người tiêu dùng tiếp tục mua sắm.

Nhưng xét theo một số khía cạnh khác, lãi suất cũng làm tổn thương nền kinh tế. Người lao động mất nhiều thời gian hơn để kiếm việc làm và tỷ lệ thất nghiệp cũng cao hơn trước. Doanh nghiệp nhỏ gặp khó khăn do các khoản vay đắt đỏ hơn. Nhiều hộ gia đình thu nhập thấp trễ hạn thanh toán nợ vay mua ô tô và thẻ tín dụng.

Tờ Bloomberg cho biết phần đông nhà đầu tư dự đoán Fed sẽ giữ nguyên lãi suất tại cuộc họp diễn ra trong hai ngày 30 - 31/7 và sau đó bắt đầu hạ lãi suất vào tháng 9.

Từ nay cho đến lúc đó, việc đánh giá xem chính sách tiền tệ đang tác động như thế nào đến nền kinh tế sẽ giúp chỉ ra phương hướng để các quan chức khống chế lạm phát mà không phá hủy thị trường lao động.

Thị trường nhà đất

Thị trường nhà đất là lĩnh vực chịu ảnh hưởng rõ rệt nhất từ các đợt tăng lãi suất. Chính sách tiền tệ của Fed khiến chi phí đi vay tăng vọt và cả giá nhà cũng vậy. Một thước đo về khả năng chi trả cho nhà ở tại Mỹ đã rơi xuống gần mức thấp nhất trong xấp xỉ ba thập kỷ.

Trong bối cảnh lãi suất vay thế chấp dao động quanh mức 7%, khoản tiền mà một người phải trả hàng tháng để mua căn nhà có giá trung vị đã leo lên 2.291 USD vào tháng 5, cao hơn hẳn con số 1.205 USD ghi nhận ba năm trước đó, theo Hiệp hội Chuyên viên Địa ốc Quốc gia Mỹ.

Đúng như dự đoán của các nhà kinh tế, doanh số bán nhà đã sụt giảm theo sau đà tăng của chi phí vay nợ. Các chủ nhà chốt được hợp đồng đi vay với lãi suất thấp trong đại dịch không muốn bán căn nhà họ đang ở để mua nơi khác vì ngại lãi vay cao. Điều đó khiến nguồn cung nhà ở càng bị hạn chế và kéo giá nhà lên cao hơn.

Chứng khoán Mỹ

Lãi suất cao thường có tác động tiêu cực đối với thị trường chứng khoán vì nó làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế và đầu tư của doanh nghiệp. Song, các nhà đầu tư đã phớt lờ những mối lo đó, cho phép giá chứng khoán - và giá trị các tài khoản đầu tư hưu trí của người Mỹ - lập kỷ lục.

Chỉ số S&P 500 đã đi lên khoảng 25% kể từ khi Fed bắt đầu nâng lãi suất từ tháng 3/2022, giúp của cải của các hộ gia đình tăng khoảng 3.000 tỷ USD.

Tuy nhiên ông Mark Zandi, nhà kinh tế trưởng của Moody’s Analytics, cảnh báo nếu Fed không sớm hạ lãi suất thì thị trường rất dễ bị tổn thương. Ông chỉ ra: “Giá cổ phiếu hiện nay đang phản ánh rằng các nhà đầu tư kỳ vọng Fed sớm giảm lãi suất”.

Thị trường lao động

Thị trường lao động vẫn trụ vững bất chấp nhiều dự báo tiêu cực. Nhưng cuối cùng, thị trường cũng bắt đầu cho thấy dấu hiệu hạ nhiệt.

Hoạt động tuyển dụng đã chậm lại so với tốc độ điên cuồng hai năm trước, doanh nghiệp có ít vị trí trống hơn. Số người nghỉ việc giảm và những người tìm việc gặp nhiều khó khăn hơn trước.

Ông Aaron Terrazas, nhà kinh tế trưởng của Glassdoor, cho biết số người thất nghiệp dài hạn (không có việc làm trong 27 tuần hoặc hơn) đạt 1,5 triệu người vào tháng 6, mức cao nhất kể từ năm 2017 trừ đợt tăng bất thường trong đại dịch.

Ông cho biết hoạt động tuyển dụng chủ yếu diễn ra trong một số lĩnh vực, như y tế, trợ giúp xã hội và chính phủ. Đây có thể là dấu hiệu cho thấy những ngành dễ bị tổn thương bởi sự sa sút của nền kinh tế đang bắt đầu suy yếu.

Các con số trên gợi lên nỗi lo rằng thị trường lao động có thể yếu đi đột ngột, khiến nền kinh tế gặp nguy hiểm. Dữ liệu mới về thị trường lao động sẽ được công bố vào ngày 2/8.

Người tiêu dùng

Người tiêu dùng tiếp tục chi tiền và mua sắm những mặt hàng lớn như ô tô bất chấp lãi vay cao, giúp Mỹ đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế vững chắc. Sự bền bỉ của chi tiêu tiêu dùng là một trong những lý do chính khiến các nhà kinh tế hy vọng Fed có thể kiểm soát lạm phát mà không gây ra suy thoái.

Tuy nhiên, không ít hộ gia đình đang phải vật lộn với chi phí đi vay cao, đặc biệt là các hộ thu nhập thấp phải dựa vào thẻ tín dụng để trang trải chi phí hàng ngày.

Dữ liệu của Fed cho thấy lãi suất thẻ tín dụng đã tăng lên đến 22,76% vào tháng 5, gần bằng mức kỷ lục trong năm 1994. Trong quý I, khoảng 2,6% dư nợ thẻ tín dụng bị quá hạn thanh toán 60 ngày, đạt mức cao kể từ năm 2012.

Nhà kinh tế Zandi cho biết các hộ gia đình thu nhập thấp chỉ chiếm khoảng 15% tổng chi tiêu tiêu dùng, nhưng nền kinh tế không thể phát triển mạnh mẽ nếu nhóm thu nhập thấp gặp khó khăn.

Doanh nghiệp

Bất chấp lãi suất cao, các doanh nghiệp lớn vẫn mạnh tay vay nợ như trước. Họ đang tận dụng nhu cầu mạnh mẽ của những nhà đầu tư dài hạn muốn “chốt” lợi nhuận tốt trước khi Fed cắt giảm lãi suất, ví dụ như quỹ hưu trí và hãng bảo hiểm.

Ông Hans Mikkelsen, Giám đốc chiến lược tín dụng tại TD Securites, cho biết các trái phiếu dài hạn mà doanh nghiệp lớn phát hành có lãi suất cố định và có kỳ hạn khoảng 10 năm, đồng nghĩa với việc họ không bị ảnh hưởng quá nhiều bởi động thái của Fed.

Tuy nhiên, tình cảnh của các doanh nghiệp nhỏ thì khác biệt rất nhiều. Fitch Ratings dự báo tỷ lệ vỡ nợ của các khoản vay sử dụng đòn bẩy (thường có lãi suất biến động) sẽ tăng lên 5 - 5,5% trong năm nay, mức cao nhất kể từ năm 2009.

Ông Mikkelsen bình luận: “Nhiều người đi vay đang phải trải qua giai đoạn cực kỳ khó khăn và rất nhiều doanh nghiệp sụp đổ vì chính sách tiền tệ của Fed”.

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/sau-mot-nam-fed-duy-tri-lai-suat-cao-nen-kinh-te-my-da-thay-doi-nhu-the-nao.html