Sau một năm thực hiện Nghị định 100

PTĐT - Sau một năm triển khai thực hiện Nghị định số 100/2019/NĐ-CP (Nghị định số 100) ngày 30/12/2019 của Chính phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính

Cán bộ, chiến sỹ đội CSGT đường bộ số 2, phòng CSGT Công an tỉnh thực hiện nhiệm vụ kiểm tra nồng độ cồn.

PTĐT - Sau một năm triển khai thực hiện Nghị định số 100/2019/NĐ-CP (Nghị định số 100) ngày 30/12/2019 của Chính phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, với mức phạt tăng nặng gấp nhiều lần so với trước kia, đây được xem là “liều thuốc” để ngăn chặncác vi phạm dẫn đến tai nạn giao thông (TNGT). Việc thực hiện nghiêm túc Nghị định số 100 đã tác động tích cực đến ý thức của người điều khiển phương tiện, góp phần tăng cường văn hóa giao thông lành mạnh trong quần chúng nhân dân: Đã uống rượu, bia thì không lái xe.

Để thực hiện có hiệu quả Nghị định số 100, các phòng chức năng của Công an tỉnh và công an các huyện, thị xã, thành phố đã huy động lực lượng, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phối hợp tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm; xây dựng các kế hoạch chuyên đề như tổng kiểm soát phương tiện giao thông cơ giới đường bộ; kế hoạch tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm của người điều khiển xe trên đường mà trong người có chất ma túy, vi phạm nồng độ cồn; kế hoạch xử lý vi phạm làn đường, tốc độ...

Theo thống kê của phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) Công an tỉnh, năm 2020, lực lượng CSGT đã phát hiện, lập biên bản 71.833 trường hợp vi phạm, phạt tiền trên 60,9 tỷ đồng (so với cùng kỳ năm 2019 giảm 19.034 trường hợp, phạt tiền giảm 1,4 tỷ đồng); tạm giữ 10.600 phương tiện, tước giấy phép lấy xe 5.044 trường hợp.

Lực lượng CSGT cũng tập trung xử lý vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông, vì đây là một trong những lỗi khá phổ biến thời gian qua, qua đó, đã phát hiện, xử lý 7.552 trường hợp người điều khiển phương tiện vi phạm nồng độ cồn, phạt tiền trên 29 tỷ đồng, tạm giữ 7.973 phương tiện. Cùng với đó, số vụ TNGT đã giảm đi đáng kể so với cùng kỳ năm 2019.

Lực lượng CSGT Công an huyện Thanh Ba thực hiện nhiệm vụ kiểm tra giấy tờ người điều khiển phương tiện xe máy.

Tại huyện Thanh Ba, năm 2020, lực lượng CSGT đã xử phạt, lập biên bản 455 trường hợp vi phạm nồng độ cồn; phạt tiền trên 1,2 tỷ đồng; tạm giữ 402 mô tô, 7 ô tô, 46 xe máy điện và xe đạp điện. Trong vòng hơn 1 tháng đầu năm 2021, trên địa bàn có khoảng 54 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, số tiền xử phạt là 214.750 triệu đồng.

Cùng với việc tăng cường xử lý vi phạm, công an huyện đã đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến quy định của pháp luật về trật tự an toàn giao thông (ATGT), đặc biệt tuyên truyền Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia; các quy định của Nghị định số 100; nguyên nhân, hậu quả của TNGT… Qua đó, nâng cao ý thức của nhiều người khi tham gia giao thông.

Đại úy Nguyễn Mạnh Quý, đội trưởng đội CSGT Công an huyện Thanh Ba cho biết: “Ngay khi được chỉ đạo triển khai Nghị định 100, chúng tôi đã tham gia các lớp tập huấn của tỉnh, đồng thời dành ra 3 ngày để các cán bộ trong đội nghiên cứu, thảo luận, trao đổi. Vì thời gian thực hiện Nghị định rất gấp, nên từ 7-10 ngày đầu tiên, chúng tôi không xử lý vi phạm mà chỉ nhắc nhở và tuyên truyền cho người dân nắm bắt được nội dung của Nghị định số 100 về xử phạt vi phạm hành chính liên quan đến ATGT. Ý thức, trách nhiệm của người dân được nâng lên rõ rệt. Tuy nhiên, vẫn gặp một số khó khăn như: Nhiều đối tượng vi phạm bất chấp, phản ứng lại khi các cán bộ, chiến sỹ CSGT yêu cầu dừng xe; mức phạt trong Nghị định cao hơn nhiều lần so với mức thu nhập của người dân ở những vùng khó khăn, nên khi bị xử phạt, người dân sẵn sàng không nộp phạt, bỏ phương tiện ở lại, đồng nghĩa với việc xe vi phạm tồn ở bãi rất nhiều, không có chỗ để. Vì vậy, chúng tôi đang tìm những giải pháp để khắc phục khó khăn còn tồn tại”.

Bên cạnh nhiệm vụ kiểm tra, xử lý, lực lượng CSGT còn tuyên truyền đến người dân những lỗi vi phạm và hình thức xử phạt mới.

Nghị định số 100 đi vào cuộc sống, đã góp phần thay đổi thói quen lựa chọn phương tiện giao thông an toàn của người dân sau khi đã uống rượu, bia.

Anh Phạm Anh Tuấn ở xã Đỗ Sơn, huyện Thanh Ba thường điều khiển xe ô tô về nhà khi đã sử dụng bia, rượu. Thế nhưng, từ khi Nghị định số 100 có hiệu lực, anh đều gọi taxi hay nhờ bạn chở về sau khi uống bia, rượu.

Anh cho biết: “Qua các phương tiện thông tin đại chúng, tôi hiểu và nắm bắt được những nội dung chủ yếu của Nghị định số số 100. Dù dùng chỉ một lượng nhỏ rượu, bia khi lái xe cũng sẽ bị xử phạt hàng triệu đồng. Tôi nghĩ, với mức phạt theo Nghị định số 100 sẽ hạn chế được việc sa đà uống rượu, bia, làm giảm nguyên nhân trực tiếp dẫn đến TNGT”.

Có thể thấy, sau một năm có hiệu lực, Nghị định số 100 bước đầu đã đem lại những hiệu quả tích cực, đặc biệt là những chuyển biến về nhận thức và hành vi của nhiều người trong việc tham gia giao thông. Tuy nhiên, việc ngăn chặn, loại bỏ sử dụng bia, rượu, đồ uống có cồn khi tham gia giao thông cần tiếp tục có sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là ý thức của mỗi người...

Quốc An

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/xa-hoi/202102/sau-mot-nam-thuc-hien-nghi-dinh-100-175277