Sâu nặng ân tình

'Dù còn khó khăn, song có được cuộc sống như ngày hôm nay, gia đình tôi rất biết ơn sự quan tâm, giúp đỡ của Đảng, Nhà nước, Quân đội, chính quyền địa phương cùng bà con lối xóm, trong đó có cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 363, Quân chủng Phòng không-Không quân...', ông Trần Thành Chỉ, sinh năm 1935, ở khu dân cư Đẩu Vũ, phường Văn Đẩu, quận Kiến An, TP Hải Phòng, xúc động chia sẻ với chúng tôi khi đoàn công tác Sư đoàn 363 đến thăm, tặng quà.

Ông Chỉ là cựu thanh niên xung phong (TNXP), hiện có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn. Năm 1965, ông tình nguyện tham gia TNXP, công tác tại đơn vị N77-P20 Bến Bính (TP Hải Phòng), làm nhiệm vụ san lấp hố bom, bảo đảm giao thông phục vụ chiến đấu. Năm 1966, trong lúc đang làm nhiệm vụ, ông bị thương nặng do mảnh bom găm vào vùng đầu, được đồng đội đưa vào bệnh viện điều trị. Do sức khỏe yếu, ông được xuất ngũ về địa phương với tỷ lệ thương tật 27%.

Đoàn cán bộ Sư đoàn 363 cùng chính quyền phường Văn Đẩu đến thăm, tặng quà gia đình ông Trần Thành Chỉ dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.

Đoàn cán bộ Sư đoàn 363 cùng chính quyền phường Văn Đẩu đến thăm, tặng quà gia đình ông Trần Thành Chỉ dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.

Năm 1985, ông Chỉ gặp rồi kết duyên với bà Phạm Thị Xuyến, sinh năm 1951, ở cùng quê và sinh hạ được hai người con. Cuộc sống tuy có khó khăn, song vợ chồng, con cái luôn hòa thuận, yêu thương nhau, tổ ấm của ông bà luôn ngập tràn tiếng cười hạnh phúc. Nhưng tai họa liên tiếp ập xuống gia đình nhỏ bé này. Năm 1997, do vết thương cũ tái phát, sức khỏe của ông Chỉ giảm sút nghiêm trọng, nhất là hai tai của ông bị điếc nặng; trớ trêu hơn, cả hai con của ông bà lúc nhỏ rất khỏe mạnh nhưng khi lớn lên thì đều có biểu hiện của bệnh tâm thần và càng ngày càng nặng. Hiện nay, con gái thứ hai của ông sức khỏe yếu, nằm bất động một chỗ; con gái đầu suốt ngày tha thẩn trong nhà, không làm được việc gì.

Năm 2003, bà Xuyến qua đời, bỏ lại mình ông Chỉ nuôi hai con tâm thần. Cuộc sống vốn khó khăn nay càng đè nặng lên vai ông. Chia sẻ với hoàn cảnh của ông Chỉ, năm 2004, chính quyền địa phương đã khảo sát, phối hợp cùng Sư đoàn 363 xây tặng gia đình ông căn nhà tình nghĩa trên nền đất ngôi nhà cũ. Trong ngày chuyển về ngôi nhà mới, chính quyền địa phương và Sư đoàn 363 đã tặng gia đình ông Chỉ nhiều món quà ý nghĩa, giá trị, giúp gia đình ông ổn định cuộc sống. Đồng thời, hằng năm, vào những dịp lễ, tết, Sư đoàn 363 cùng chính quyền địa phương đều cử đoàn cán bộ đến thăm hỏi, tặng quà, động viên gia đình ông Chỉ. Tình cảm của cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn với gia đình ông ngày càng gắn bó, thân thiết, ân tình sâu nặng.

“Tính ra cũng đã 20 năm trôi qua rồi. Với tôi, căn nhà có giá trị vật chất rất lớn, là mơ ước cả đời người. Nhưng lớn hơn là giá trị tinh thần vì tôi không đơn độc. Xung quanh tôi luôn có cấp ủy, chính quyền địa phương, bà con xóm làng, nhất là cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 363 luôn đồng hành, tiếp thêm động lực...", ông Chỉ nói.

Bài và ảnh: CAO THANH ĐÔNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/chinh-sach/sau-nang-an-tinh-785339