Sâu nặng nghĩa tình

Từng là người lính xông pha nơi chiến trường ác liệt, khi trở về quê nhà, những cựu chiến binh (CCB) năm nào đã mang trong mình nhiều bệnh tật, sức khỏe giảm sút. Điểm tựa lớn nhất của họ là “người bạn đời” giàu đức hy sinh, nguyện cùng họ vượt qua nỗi đau của chiến tranh, cùng nhau chung sống đến trọn đời.

Vợ chồng CCB Trương Xuân Quý và bà Đào Thị Yến quây quần bên con cháu

Vợ chồng CCB Trương Xuân Quý và bà Đào Thị Yến quây quần bên con cháu

Người chồng hiền lành, chịu khó

Căn nhà nhỏ của vợ chồng ông Trương Xuân Quý và bà Đào Thị Yến ở thôn Phô Cóc, xã Minh Quang, huyện Tam Đảo luôn rộn rã tiếng cười, tiếng bi bô tập nói của những đứa trẻ... Đó là niềm vui, niềm hạnh phúc tuổi già được quây quần bên con cháu mà ông bà từng nghĩ sẽ không bao giờ có được.

Cùng sinh năm 1960 và kết hôn năm 1985, hai vợ chồng ông Quý đều là những người CCB từng có thời gian dài tham gia phục vụ trong quân ngũ.

Năm ấy, khi vừa tròn 18 tuổi, bà Đào Thị Yến, quê ở xã Hợp Châu (nay là thị trấn Hợp Châu), huyện Tam Đảo đã tự nguyện đăng ký tham gia lực lượng thanh niên xung phong, đóng quân tại Binh đoàn 12, Quân khu 3, tỉnh Hà Sơn Bình (nay là tỉnh Hòa Bình).

Năm 1984, trở về quê hương, từ một cô gái trẻ trung, nhanh nhẹn, bà Yến trở thành nữ thương binh với thương tật 81%. Nỗi đau về thể xác do hậu quả của chiến tranh mang lại khiến bà Yến cũng không còn nghĩ đến việc lập gia đình, cho đến khi bà gặp ông Trương Xuân Quý, quê ở xã Minh Quang. Ông Quý cũng là thanh niên xung phong, tham gia nhập ngũ năm 1978, đóng quân tại Lữ đoàn 297, Quân khu 2, tỉnh Lào Cai. Đến năm 1982, ông Quý phục viên, trở về địa phương sinh sống.

Sau khi kết hôn, 1 năm sau, ông bà vui mừng chào đón đứa con đầu lòng; rồi những năm sau đó, lần lượt 3 đứa con (1 trai, 2 gái) nữa ra đời. Thương người vợ đau yếu, 4 đứa con tuổi ăn tuổi học, ông Quý phải làm nhiều công việc khác nhau, khi thì là phụ hồ, khi thì làm bảo vệ… để kiếm tiền trang trải cuộc sống, thuốc thang cho vợ. Còn bà Yến ở nhà phụ giúp chồng tăng gia chăn nuôi, trồng trọt, nuôi dạy con cái. Vất vả là thế, nhưng ông bà luôn tâm niệm phải nuôi dạy con cái học hành đến nơi đến chốn.

Bà Yến chia sẻ: “Phần đầu của tôi bị thương nặng do ngày trước ở trong quân ngũ, tôi cùng đồng đội đi khai thác đá không may bị đá rơi trúng. Phần xương hộp sọ bị chấn thương khiến tôi từng nghĩ mình không thể sống sót để trở về. Nhưng rồi được đồng đội cứu chữa, đưa về trại an dưỡng dành cho thương binh nặng để điều trị, tôi dần hồi phục.

Mấy chục năm trời trôi qua, mỗi khi trái gió trở trời, vết thương cũ lại tái phát khiến tôi rất đau đớn. Khi ấy, chồng tôi luôn ở bên cạnh động viên, chăm sóc chu đáo, giúp tôi vượt qua mọi khó khăn”.

Thương người cha hiền lành chịu khó, tự hào về sự kiên cường của mẹ, 4 người con của ông bà đều chăm ngoan, học giỏi. Đến nay, các con của ông bà đều đã trưởng thành và xây dựng gia đình, trở thành những công dân có ích cho xã hội.

Chi hội trưởng Hội CCB thôn Phô Cóc Trần Văn Bốn cho biết: “Ông Quý, bà Yến đều là những hội viên tiêu biểu, tham gia tích cực các phong trào của địa phương, được bà con trong thôn xóm yêu quý, tôn trọng. Gia đình ông bà nhiều năm đạt danh hiệu gia đình văn hóa tiêu biểu của xã”.

Người vợ tháo vát, chu toàn

Ở thôn Đầu Vai, xã Minh Quang, sự tần tảo, hy sinh của bà Chu Thị Năm, vợ CCB Lâm Hữu Thông đã viết nên câu chuyện về sự tháo vát, đảm đang của người phụ nữ son sắc chờ chồng.

Bà Chu Thị Năm và chồng xem lại những kỷ niệm thời trong quân ngũ của ông

Bà Chu Thị Năm và chồng xem lại những kỷ niệm thời trong quân ngũ của ông

Bà Năm xúc động nhớ lại: “Tôi và ông nhà kết hôn vào năm 1977, khi ấy ông là một chiến sĩ đang làm việc trong quân ngũ. Bởi vậy, lấy nhau vẻn vẹn vài ngày là ông lại hối hả chuẩn bị hành trang lên đường chiến đấu. Từ đó biền biệt 13 năm, vợ chồng chúng tôi xa nhau, cũng có vài lần đơn vị cho về phép, nhưng thời gian rất ngắn ngủi. Căn nhà chỉ còn mình tôi, vừa chăm sóc bố mẹ chồng, vừa cáng đáng việc nhà, việc đồng áng”.

Khi những đứa con lần lượt ra đời cũng là thời điểm vất vả nhất đối với bà Năm. Cuộc sống kinh tế khó khăn, bà phải bươn chải đủ mọi việc để xoay xở lo cho gia đình.

Ngày ông Thông ra quân, trở về quê với thương tật 81% cùng những cơn sốt rét triền miên thì gánh nặng trên vai bà Năm lại càng thêm nặng. Vất vả là vậy, nhưng bà chưa bao giờ than phiền, trái lại bà càng chăm sóc chồng cẩn thận, chu đáo hơn.

Đến giờ, những cơn đau vẫn tìm đến ông Thông mỗi khi thời tiết thay đổi, nhưng lúc nào bên cạnh người thương binh già ấy vẫn luôn có người vợ hiền, san sẻ nỗi đau và động viên kịp thời.

Ông Thông chia sẻ: “Tôi biết ơn vợ tôi nhiều lắm. Nếu không có bà ấy, có lẽ tôi không có ngày hôm nay. Ở tuổi xế chiều, vợ và các con càng trở thành chỗ dựa tinh thần vững chắc để tôi vui sống tuổi già”.

Chiến tranh đã đi qua, nhưng những nỗi đau mà nó để lại đối với những người CCB vẫn còn đó. Song, vượt lên nỗi đau về thể xác, người CCB vẫn có niềm tin sắt son vào cuộc sống, bởi đằng sau họ luôn có hậu phương vững chắc, người bạn đời chung thủy, sự tri ân, quan tâm của toàn xã hội. Điều đó đã góp phần xoa dịu bớt những mất mát, đau thương của chiến tranh, giúp người CCB hướng tới cuộc sống tươi đẹp hơn.

Bài, ảnh: Thảo My

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/xa-hoi/81010/sau-nang-nghia-tinh.html