Sâu nặng nghĩa tình nơi chiến trường xưa
Cuối năm 2019, các cựu Quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam (QTN và CGVN) tại Lào từ nhiều tỉnh, thành phố của Việt Nam cùng hành quân thăm lại chiến trường xưa và tụ họp ở thủ đô Vientiane (Lào) tổ chức tưởng niệm, tri ân các anh hùng liệt sĩ, người có công với cách mạng của hai nước. Mỗi cựu QTN và CGVN là cả một 'kho ký ức' về tình đồng chí, đồng đội, tình đoàn kết hữu nghị đặc biệt Việt-Lào với những kỷ niệm, ký ức không thể nào quên.
Cựu QTN Đào Văn Tiến, quê xã Minh Sơn huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An, năm nay tròn 90 tuổi, nhưng vẫn khỏe mạnh, minh mẫn. Sang thủ đô Vientiane tham dự lễ tưởng niệm, tri ân các anh hùng liệt sĩ, gặp lại những đồng đội và bạn Lào từng một thời “hạt muối cắn đôi, cọng rau bẻ nửa”, ông không khỏi bùi ngùi xúc động.
Tham gia cách mạng từ tháng 5-1945, nhập ngũ năm 1946, được kết nạp Đảng năm 1948, tại Mặt trận miền Tây Thanh Hóa, trong nhiều năm, ông Tiến cùng đồng đội sang giúp bạn Lào xây dựng đội ngũ cán bộ cơ sở và lực lượng du kích. Suốt hơn 40 năm công tác, trải qua nhiều cương vị ở các đơn vị, cơ quan trong và ngoài quân đội, ông luôn đảm nhiệm các nhiệm vụ được giao liên quan đến bạn Lào. Về nghỉ hưu từ năm 1991 đến nay, ông vẫn tham gia các công việc, các công trình nghiên cứu, góp phần vun đắp, tăng cường tình hữu nghị, đoàn kết đặc biệt Việt-Lào. Cùng các cựu QTN và CGVN sang thủ đô Vientiane, được gặp lại, trò chuyện với đồng đội cũ và các bạn Lào, cựu chiến binh Đào Văn Tiến cho biết, năm 2018, ông phối hợp cùng cơ quan chức năng nước bạn hoàn thành cuốn sách về thân thế, sự nghiệp của đồng chí Khamtai Siphandon, nguyên Chủ tịch Đảng Nhân dân cách mạng Lào, nguyên Chủ tịch nước Lào. Năm 2019, ông cùng các cán bộ Viện Khoa học xã hội quốc gia Lào hoàn thành hai tập sách-công trình nghiên cứu về các bộ tộc Lào trong kháng chiến và trong xây dựng thời bình.
Cựu QTN Lê Thế Kỷ, nguyên chiến sĩ Trung đoàn 148, Sư đoàn 316, Quân khu 2, có người bạn là Khăm Xỷ Đuông Pa Sợt-một vị tướng trưởng thành từ bộ đội Pathet Lào. Năm 1972, ông Kỷ bị bệnh sốt rét nặng, được chuyển về Đội điều trị 22 (Nghệ An) chữa trị. Thời điểm này, ông được chứng kiến một câu chuyện hết sức cảm động: Chiến sĩ Khăm Xỷ bị sốt rét ác tính, được xác định đã tử vong và chuyển ra nhà xác của Trạm T20, đóng tại huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An. Nữ y tá Nguyễn Thị Ngọc, công tác tại bệnh viện huyện, thường được giao nhiệm vụ đến Trạm T20 để tham gia cứu chữa thương binh. Hôm ấy, khi vào nhà xác của trạm, thấy chiếc khăn trắng đắp trên mặt người chiến sĩ Pathet Lào hơi động đậy, chị kiểm tra, phát hiện bệnh nhân còn sống và lập tức cùng đồng nghiệp cấp cứu, chăm sóc. Khăm Xỷ dần hồi tỉnh, sau đó y tá Ngọc bàn giao bệnh nhân cho trạm rồi trở về đơn vị tiếp tục công tác…
Sau nhiều năm kiên trì đi tìm nữ y tá Việt Nam đã cứu sống mình, đến năm 2001, nhờ các đồng đội và người dân giúp đỡ, cuối cùng Trung tướng Khăm Xỷ đã tìm được nữ y tá Nguyễn Thị Ngọc, ở xã Xuân Lâm, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Hai người gặp nhau không cầm được nước mắt. Trung tướng Khăm Xỷ ít tuổi hơn, xin nhận bà Ngọc là chị gái. Có lẽ vì nghĩa tình ấy mà trong một lần Trung tướng Khăm Xỷ mời các bạn chiến đấu QTN Việt Nam sang thăm thủ đô Vientiane, ông nâng chén rượu, bày tỏ nguyện vọng được kết thông gia, tìm một cô con dâu Việt Nam. Mọi người liền chỉ vào cựu QTN Cù Hoàng Quy, có con gái Cù Thị Phương, là cô giáo, đang dạy học ở TP Đà Nẵng… Tưởng chỉ là chuyện đùa vui, vậy mà lại thành sự thật. Chàng trai Khăm Coọc, từng du học ở nước ngoài, con trai Trung tướng Khăm Xỷ đã kết duyên cùng con gái của chiến sĩ QTN Việt Nam. Giờ đây, gia đình trẻ Lào-Việt này đã có con nhỏ, có cơ sở kinh doanh khá phát đạt ở thị trấn Xenon, tỉnh Savanakhet, Lào.
Đi cùng các cựu QTN sang Lào trong dịp này còn có thân nhân các liệt sĩ hy sinh khi làm nhiệm vụ quốc tế cao cả bên nước bạn. Anh Bùi Xuân Trọng (ở Hà Nội) có bố là liệt sĩ Bùi Văn Kim, quê xã Cương Chính, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên, là chiến sĩ thuộc Tiểu đoàn 41, Quân khu Tây Bắc; hy sinh tại tỉnh Xiêng Khoảng tháng 5-1969; hai bố con chưa biết mặt nhau. Anh Trọng cho biết, đã gần 25 năm qua gia đình đi tìm hài cốt của người thân, nhưng đến giờ vẫn chỉ có vẻn vẹn thông tin: Liệt sĩ Bùi Văn Kim được mai táng cùng 21 liệt sĩ, trong đó có liệt sĩ, Anh hùng LLVT nhân dân Cà Văn Khum.
Chị Đinh Thị Nhưng, ở xã Dân Chủ, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình có bố là liệt sĩ Đinh Khắc Phú; hai bố con cũng chưa biết mặt nhau. Nhiều năm qua, cả nhà chị giữ gìn những bức thư của bố gửi về từ chiến trường như báu vật. Thư bố viết cho mẹ và chị gái mà chị ngỡ như bố gửi cho chính mình: “Em và con giữ gìn sức khỏe, anh sắp được nghỉ phép, anh sẽ về…”. Vậy mà, bố mãi mãi không về… Chị Nhưng muốn tìm đến tận nơi bố hy sinh nên dịp sang Lào cùng các cựu QTN lần này, gặp ai chị cũng hỏi: “Bác ơi, bác có ở cùng Sư đoàn 324 với bố cháu không? Bố cháu hy sinh ở đâu, an táng ở nơi nào?”. Các cựu QTN nhiều người tuổi cao, tóc bạc trắng, vậy mà nghe chị Nhưng hỏi, có người mắt nhòe ướt, động viên: “Cháu ơi, sư đoàn có lúc tới hơn mười nghìn người, rừng Lào mênh mông lắm! Thôi cháu hãy tin là bố vẫn luôn ở bên đồng đội, mẹ con, gia đình cháu, cháu ạ!”.
Tại cuộc gặp mặt của gần 500 cựu QTN và CGVN tại Lào với lãnh đạo Bộ Quốc phòng và Hiệp hội Cựu chiến binh Lào, được tổ chức tại thủ đô Vientiane, Thượng tướng Thongloi Silivong, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Lào tới dự và phát biểu. Đồng chí bày tỏ niềm vui được tiếp đón, gặp gỡ, tri ân công lao, sự hy sinh to lớn của các cựu chiến binh, cựu QTN và CGVN-những người anh em thân thiết nhất, từng sống chết có nhau, đồng cam cộng khổ, chiến đấu chung một chiến hào vì độc lập tự do của hai nước, hai dân tộc, đồng thời mong muốn quân-dân hai nước nói chung, các cựu QTN và CGVN tại Lào nói riêng sẽ tiếp tục vun đắp, làm sâu sắc hơn quan hệ hữu nghị, đoàn kết đặc biệt Việt-Lào-tài sản vô giá của hai dân tộc.