Sau Nvidia, văn phòng Huawei ở Pháp bị cơ quan chức năng khám xét
Huawei vừa cho biết văn phòng của họ ở Pháp đã bị khám xét trong khuôn khổ cuộc điều tra sơ bộ từ các công tố viên tài chính Pháp.
Một quan chức Bộ Tư pháp hôm 8.2 cho biết cuộc điều tra nhắm vào nghi vấn về atteinte à la probité, đề cập đến một thuật ngữ có thể bao gồm tham nhũng, lạm dụng công quỹ hoặc hối lộ, cùng các vi phạm khác. Ông từ chối cung cấp thêm bất kỳ chi tiết nào về những hành vi bị cáo buộc.
Huawei Pháp, có trụ sở gần Paris (thủ đô Pháp), cho biết đã hợp tác đầy đủ với các cuộc điều tra và sẽ tiếp tục làm như vậy.
“Huawei đã hoạt động ở Pháp hơn 20 năm và tuân thủ tất cả luật cùng quy định của Pháp. Dù Huawei Pháp không muốn bình luận về cuộc điều tra đang diễn ra nhưng công ty vẫn tự tin về kết luận của mình”, gã khổng lồ viễn thông Trunng Quốc cho biết trong một tuyên bố.
Trang web tin tức l'Informe (Pháp) đưa tin đầu tiên về cuộc điều tra này.
Huawei có trung tâm nghiên cứu ở Pháp và đang xây dựng nhà máy sản xuất đầu tiên bên ngoài Trung Quốc tại một thị trấn gần thành phố Strasbourg.
Hồi tháng 12.2023, Zhang Minggang (đồng Giám đốc Huawei Pháp) nói với đài phát thanh France Inter rằng nhà máy sẽ sản xuất thiết bị viễn thông cho thị trường châu Âu của hãng, dự kiến khai trương vào cuối năm 2025 và sẽ tuyển dụng 500 người trong thời gian dài.
Tuy nhiên, chính phủ Pháp không cho Huawei tham gia vào một số thành phần thiết yếu trong cơ sở hạ tầng không dây của mình. Điều này dẫn đến việc các nhà khai thác viễn thông bắt đầu loại bỏ thiết bị Huawei khỏi các thành phố ở Pháp, gây ảnh hưởng đáng kể đến doanh thu của công ty.
Hồ sơ từ Huawei Pháp cho thấy doanh thu của đơn vị này tại Pháp đã giảm xuống còn 992 triệu euro (1,1 tỉ USD) vào năm 2022 (năm gần nhất có báo cáo), từ mức 1,4 tỉ euro trong 2019.
Hồi tháng 12.2023, Zhang Minggang thông báo Huawei vẫn hợp tác với các nhà mạng điện thoại di động Pháp, chẳng hạn SFR (đơn vị của Altice France) và Bouygues, để triển khai mạng 5G của họ.
Vào tháng 9.2023, văn phòng địa phương của Nvidia (hãng chip Mỹ có giá trị nhất thế giới) bị Cơ quan Cạnh tranh Pháp đột kích, theo hãng tin Reuters.
“Cơ quan Cạnh tranh Pháp thu thập thông tin từ chúng tôi về hoạt động kinh doanh và sự cạnh tranh của chúng tôi trên thị trường bộ xử lý đồ họa (GPU) lẫn nhà cung cấp dịch vụ đám mây như một phần của cuộc điều tra đang diễn ra về sự cạnh tranh tại các thị trường đó. Chúng tôi cũng nhận được yêu cầu cung cấp thông tin từ các cơ quan quản lý ở EU và Trung Quốc liên quan đến việc bán GPU cũng như nỗ lực phân bổ nguồn cung của chúng tôi. Chúng tôi dự kiến sẽ nhận được thêm yêu cầu thông tin trong tương lai”, Nvidia cho biết trong hồ sơ pháp lý.
Nhu cầu về chip AI của Nvidia tăng vọt sau khi OpenAI phát hành ChatGPT, ứng dụng trí tuệ nhân tạo tạo sinh (AI tạo sinh), vào tháng 11.2022.
“
AI tạo sinh là một loại AI có mục tiêu chính là tạo ra thông tin mới, thường thông qua quá trình học máy và học sâu. Loại AI này không chỉ giải quyết các nhiệm vụ cụ thể, mà còn có khả năng tạo ra dữ liệu, văn bản, hình ảnh, âm thanh và nhiều loại thông tin khác.
Một ví dụ nổi tiếng về generative AI là mô hình ngôn ngữ lớn GPT của OpenAI. GPT có khả năng tạo ra văn bản mới, dựa trên dữ liệu mà nó đã được huấn luyện trước đó.
AI tạo sinh có thể được sử dụng trong nhiều ứng dụng, gồm tạo văn bản, hình ảnh, âm thanh và thậm chí trong việc giải quyết vấn đề trong lĩnh vực nghệ thuật sáng tạo và thiết kế.
Hầu hết hệ thống máy tính cung cấp sức mạnh cho các dịch vụ AI tạo sinh đều sử dụng GPU của Nvidia. Hãng chip AI Mỹ cho biết điều này đã thu hút sự quan tâm của cơ quan quản lý trên toàn thế giới.
GPU của Nvidia là thiết bị hiệu suất cao cho phép kết xuất và xử lý đồ họa mạnh mẽ để sử dụng trong chỉnh sửa video, chơi game và các hoạt động tính toán phức tạp khác. GPU thường có giá từ 1.000 USD, song giá những loại dành cho tác vụ AI có thể lên tới 40.000 USD.
Nvidia có khoảng 80% thị phần GPU, vượt xa các đối thủ phía sau là Intel và AMD. Với vốn hóa thị trường khoảng 1.720 tỉ USD, Nvidia là hãng chip có giá trị lớn nhất thế giới.
Cơ quan Cạnh tranh Pháp vào năm 2023 đã phát hành báo cáo về cạnh tranh của lĩnh vực điện toán đám mây. Cơ quan này đang xem xét sự thống trị thị trường các công ty đám mây như Amazon, Google và Microsoft có tác động tiêu cực đến cạnh tranh hay không.
Trong báo cáo, nhà chức trách Pháp cũng nhấn mạnh một số diễn biến mới, chẳng hạn như mô hình ngôn ngữ lớn và game trên nền tảng đám mây, có khả năng tác động đến sự cạnh tranh toàn ngành.
Nvidia hiện diện trong cả hai lĩnh vực này và nếu bất kỳ ai định thành lập công ty khởi nghiệp AI thì sẽ phải phụ thuộc vào GPU của công ty Mỹ
Cơ quan Cạnh tranh Pháp tiến hành khám xét và thu giữ chứng cứ không báo trước tại văn phòng của Nvidia, với sự cho phép của thẩm phán. Cơ quan này nói rằng việc Nvidia có vi phạm luật cạnh tranh hay không, chỉ có thể được xác định bằng một cuộc điều tra thực tế.
Động thái của nhà chức trách Pháp có thể sẽ kích hoạt cuộc chiến pháp lý tiếp sau.
“Về các bước tiếp theo sau, rất có thể sẽ có các thủ tục tố tụng tại tòa án chống lại cuộc đột kích và lệnh của thẩm phán cho phép khám xét”, Charlotte Colin-Dubuisson, đối tác chống độc quyền và đầu tư nước ngoài tại công ty luật Linklaters, nói.
Cũng trong tháng 9.2023, Cơ quan Điều tiết tần số vô tuyến của Pháp (ANFR) đã yêu cầu Apple tạm dừng bán iPhone 12 tại Pháp sau khi các cuộc kiểm tra cho thấy SAR (tỷ lệ hấp thụ năng lượng điện từ ở cơ thể) cao hơn mức cho phép. Thậm chí ANFR đe dọa thu hồi mẫu iPhone 12 do lo ngại mức độ bức xạ vượt quá ngưỡng của Liên minh châu Âu (EU). Dù phản đối quyết định này, Apple đã cam kết cập nhật phần mềm cho iPhone 12 ở Pháp để giải quyết tranh chấp về mức độ phóng xạ.
Nhà chức trách Pháp đã chấp nhận cách xử lý của Apple nhằm giải quyết vấn đề iPhone 12 phát xạ cao hơn ngưỡng giới hạn.
Theo ANFR, bản cập nhật phần mềm mới do Apple phát hành cho iPhone 12 sẽ giới hạn mức độ phát xạ vô tuyến xuống thấp hơn so với trước đó. Vì thế, chiếc smartphone này vẫn được bán tại thị trường Pháp.
Pháp từng đưa nhiều hãng công nghệ lớn vào tầm ngắm, thậm chí ra án phạt nặng, đặc biệt là với Google.
Vào tháng 6.2021, Cơ quan chống độc quyền của Pháp phạt Google 220 triệu euro vì lạm dụng sức mạnh thị trường trong kinh doanh quảng cáo trực tuyến.
Đến tháng 7.2021, Cơ quan Cạnh tranh Pháp phạt Google 592 triệu USD vì không thương lượng một cách thiện chí với các nhà xuất bản nước này về việc chi trả để sử dụng tin tức.
Tháng 1.2022, Pháp phạt Google 150 triệu euro và Facebook 60 triệu do có hành vi sử dụng lịch sử hoạt động của khách hàng (cookie) để điều phối thông tin quảng cáo.
Hiện nay, trọng tâm các cuộc điều tra của cơ quan chức năng Pháp nhắm vào lĩnh vực điện toán đám mây.