Sau Olympic Paris 2024: Cần nhìn nhận lại để tránh cảnh 'trắng tay'

Thế vận hội (Olympic) Paris 2024 vẫn chưa kết thúc nhưng đoàn thể thao Việt Nam đã sớm chia tay Thế vận hội mà không thể giành được tấm huy chương nào.

Đây là thành tích đáng buồn và là kết quả được dự đoán từ trước bởi số lượng vận động viên Việt Nam vượt qua vòng loại rất hạn chế, lại không có gương mặt xuất sắc, mũi nhọn thực sự. Đây là lúc để Thể thao Việt Nam nhìn nhận lại cách đầu tư, và cần có những thay đổi thực sự mạnh mẽ để tránh cảnh “trắng tay” tại các kỳ Olympic tiếp theo.

Xạ thủ Trịnh Thu Vinh thi đấu xuất sắc lọt vào chung kết hai nội dung thi đấu môn bắn súng tại Olympic Paris 2024. Ảnh LĐBSVN

Xạ thủ Trịnh Thu Vinh thi đấu xuất sắc lọt vào chung kết hai nội dung thi đấu môn bắn súng tại Olympic Paris 2024. Ảnh LĐBSVN

Thêm một kỳ Olympic “trắng tay”

Đoàn thể thao Việt Nam tham dự Olympic Paris 2024 với 16 vận động viên, tham gia tranh tài ở 11 môn thể thao, gồm bắn cung, cầu lông, bắn súng, boxing, canoeing, rowing, xe đạp, bơi lội, cử tạ, judo, điền kinh và không giành được huy chương nào. Đây là kỳ Olympic thứ hai liên tiếp thể thao Việt Nam "trắng tay".

Điểm sáng nhất tại kỳ Olympic này là môn bắn súng. Xạ thủ Trịnh Thu Vinh thi đấu xuất sắc, lọt vào chung kết hai nội dung thi đấu là 10m súng ngắn hơi và 25m súng ngắn thể thao. Dù thi đấu rất nỗ lực, nhưng kết quả tốt nhất mà xạ thủ 23 tuổi làm được là đứng vị trí thứ 4 nội dung 10m súng ngắn hơi và xếp hạng 7 nội dung 25m súng ngắn thể thao. Theo đánh giá của các chuyên gia, Trịnh Thu Vinh đã tiến bộ vượt bậc khi đạt điểm số rất cao ở một trong những giải đấu quốc tế lớn.

Được ghi nhận tương tự là hai tuyển thủ Phạm Thị Huệ (rowing) và Võ Thị Mỹ Tiên (bơi) với thành tích cá nhân tốt nhất ngay tại đấu trường Olympic. Tay chèo 34 tuổi Phạm Thị Huệ liên tục thi đấu 4 chặng trong 7 ngày nhưng vẫn đạt mốc thành tích tốt nhất trong sự nghiệp, với 7 phút 47 giây 84 ở nội dung thuyền đơn nữ hạng nặng, nhưng cô vẫn chưa thể lọt vào vòng bán kết. Trong khi đó, kình ngư trẻ Võ Thị Mỹ Tiên lần đầu chạm tay đến mốc thời gian 2 phút 17 giây 18 ở nội dung bơi 200m hỗn hợp nữ. Tuy nhiên, thành tích này chưa đủ để kình ngư 19 tuổi vượt qua vòng loại.

Màn trình diễn để lại nhiều cảm xúc của tay vợt Lê Đức Phát trong trận đấu với tay vợt cầu lông hạng 13 thế giới người Ấn Độ Prannoy Haseena; của Nguyễn Thùy Linh khi so kè ngang ngửa với đối thủ hạng 11 thế giới Zhang Beiwen; hay mới nhất là của cua-rơ Nguyễn Thị Thật khi cô hoàn thành nội dung xe đạp đường trường 158km nữ... thực sự khiến người hâm mộ Việt Nam xúc động xen lẫn niềm tự hào. Các vận động viên Việt Nam dù chưa thể giành huy chương cho thể thao Việt Nam nhưng đã thi đấu hết sức, để lại hình ảnh đẹp về sự nỗ lực, quyết tâm tới cùng.

Sau khi kết thúc các nội dung thi đấu của các vận động viên Việt Nam tại Olympic Paris 2024, Cục trưởng Cục Thể dục Thể thao, Trưởng đoàn thể thao Việt Nam Đặng Hà Việt đã thẳng thắn nhìn nhận, thể thao Việt Nam chưa giành được huy chương không phải là lỗi ở các vận động viên, họ đã thi đấu rất nỗ lực. Dù thể thao Việt Nam đứng đầu SEA Games 31, 32 nhưng thành tích ở Đại hội thể thao châu Á (ASIAD), Olympic thiếu bền vững, chưa đáp ứng được mong đợi của người hâm mộ. Đây là lý do khiến những nhà quản lý, hoạch định chính sách thể thao phải nhìn lại và tìm hướng đi phù hợp cho thể thao nước nhà.

Giải bài toán kinh phí đầu tư

Chuyên gia thể thao Nguyễn Hồng Minh nhận định, thể thao Việt Nam cần xác định đâu là đấu trường chính để đầu tư các môn thể thao mũi nhọn, mới mong có huy chương ở những Đại hội lớn như ASIAD, Olympic. Phải thẳng thắn nhìn nhận, mặc dù tại các kỳ SEA Games, Việt Nam vẫn duy trì được vị trí và sự tiến bộ đứng trong tốp dẫn đầu, nhưng tại đấu trường Olympic, chúng ta vẫn chưa có được sự ổn định và bảo đảm về thành tích, nhất là khi so sánh với các nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, Malaysia.

Nguyên Phó Cục trưởng Cục Thể dục thể thao Trần Đức Phấn cho rằng, để nhắm tới mục tiêu huy chương, thể thao Việt Nam cần tính toán số lượng môn và số lượng vận động viên phù hợp để đầu tư. Cần định hướng tập trung cho các môn chúng ta có thể tiệm cận đẳng cấp Olympic, trong đó có bắn cung, bắn súng, cầu lông hay cử tạ, vốn gần gũi với các vận động viên Việt Nam nói riêng hay Đông Nam Á nói chung. Vấn đề đầu tư thế nào, kế hoạch bài bản ra sao để phù hợp với chu kỳ phát triển của vận động viên. Chúng ta cần sàng lọc các vận động viên trẻ, có các giải pháp về khoa học, y học, dinh dưỡng để đáp ứng yêu cầu huấn luyện. Chỉ tiếc rằng điều kiện tập luyện trong nước còn hạn chế, mong sẽ có thêm bước đột phá.

Cục trưởng Cục Thể dục thể thao Đặng Hà Việt bày tỏ, vận động viên cần thi đấu quốc tế nhiều hơn để hướng đến ASIAD và Olympic.

Thời gian qua, nhiều tuyển thủ, huấn luyện viên đi thi đấu quốc tế một phần bằng kinh phí của nhà nước, một số đi bằng nguồn kinh phí địa phương, đơn vị chủ quản chi trả. Đơn cử một số đơn vị lớn Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh hay Quân đội không ngại chi trả một khoản kinh phí lớn cho vận động viên đi thi đấu quốc tế. Riêng với ngành Thể thao Hà Nội, đã không ngần ngại chi tiền để chiêu mộ những chuyên gia, huấn luyện viên đẳng cấp quốc tế đến làm việc, góp vào thành công chung của thể thao Việt Nam.

Hướng đến mục tiêu của thể thao Việt Nam tại đấu trường Olympic, ngành Thể thao hy vọng có sự chung tay, góp sức của toàn xã hội. Tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn về cơ chế, chính sách thu hút đầu tư mới mong thể thao thành tích cao Việt Nam phát triển bền vững.

Ngân Hà

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/sau-olympic-paris-2024-can-nhin-nhan-lai-de-tranh-canh-trang-tay-674456.html