Sau 'ồn ào' tu bổ, hôm nay Chùa Cầu ở Hội An chính thức được khánh thành
Sau thời gian đại trùng tu và vướng không ít 'ồn ào', di tích chùa Cầu (Hội An) sẽ chính thức được khánh thành, mở cửa đón người dân, du khách đến tham quan từ 3/8.
Trước đó, trên mạng xã hội xuất hiện nhiều ý trái chiều về “diện mạo” mới của Chùa Cầu (Hội An) sau gần 2 năm trùng tu. Nhiều người cho rằng di tích Chùa Cầu sau khi sửa chữa trông "quá mới", không còn giữ được nét cổ kính và đặc trưng của di tích này.
Giữa ồn ào về diện mạo mới của di tích, ngày 30/7, đơn vị thực hiện dự án tu bổ di tích Chùa Cầu đã tiến hành tô quét lại phần thành cầu.
Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An khẳng định quan điểm và giải pháp tu bổ xuyên suốt dự án là giữ gìn sự nguyên vẹn của tổng thể hình thức kiến trúc và kết cấu. Từng bộ phận, cấu kiện, hiện vật nguyên gốc, có giá trị lịch sử được trân quý gìn giữ ở mức tối đa có thể.
Có gần 60% khối lượng gỗ, gần 30% số viên ngói, 80% số đĩa cổ, 20% cấu kiện đá nền, 35% số con giống trang trí bờ mái… được gìn giữ, tái định vị tại di tích sau khi tu bổ.
Việc tu bổ Chùa Cầu được thực hiện trên tinh thần như một cuộc "giải phẫu - chữa bệnh" nên mọi hoạt động đều cẩn trọng, tỉ mỉ, bài bản, khoa học từ khâu chuẩn bị dự án đến các giải pháp tổ chức và kỹ thuật thi công tu bổ di tích.
Về các ý kiến nên "làm giả cổ", chọn tông màu sao cho gần nhất với hình ảnh Chùa Cầu trước khi tu bổ, Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An cho rằng điều này không phù hợp với quan điểm, nguyên tắc "không làm giả" mà dự án đã đề ra. Đặc biệt, điều đó dẫn đến lo ngại sẽ làm sai lệch yếu tố gốc, gây nhầm lẫn, ảnh hưởng đến kết quả của việc nghiên cứu về sau.
Chùa Cầu - Hội An sau trùng tu nhận được nhiều ý kiến trái chiều của người dân và cộng đồng mạng. Điều này cũng khiến du khách tò mò, đến tham quan, check-in nhiều hơn.
Rất đông du khách trong và ngoài nước đã đến Chùa Cầu (thành phố Hội An, Quảng Nam) tham quan, check-in. Bên trong di tích cũng đã mở cửa cho khách đi lại, tham quan và chụp ảnh. Du khách tỏ vẻ khá thích thú khi được ngắm nhìn Chùa Cầu trong diện mạo mới.
Sau hơn 400 năm, chùa Cầu đã trải qua 7 lần trùng tu, lần gần nhất 1986. Đến những năm 2010, móng cầu bị lún, nứt; chùa và cầu tách rời; kèo cột mối mọt, mục nát có nguy cơ đổ sập. Trong khi đó, mỗi ngày cầu phải gánh hàng nghìn người dân và du khách qua lại.
Hội An từng phải dùng gỗ chống đỡ, dây cáp níu giữ các bộ phận của công trình. Năm 2016, chùa Cầu đối diện nguy cơ sụp đổ. Để cứu di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia chùa Cầu, sau rất nhiều thủ tục xin phép, Hội An quyết định trùng tu toàn diện.
Hội An sau đó xúc tiến trình phương án trùng tu hạ giải lên UBND tỉnh, Bộ VH,TT&DL và từng bước hoàn thiện nghiên cứu. Ba năm sau, phương án trùng tu chùa Cầu được chấp nhận. Đến cuối tháng 12/2022, công trình được khởi công với vốn đầu tư 20 tỷ đồng.