Sâu rễ mới bền gốc

Trong các cuộc gặp gỡ với lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) hay trả lời truyền thông quốc tế, huấn luyện viên (HLV) Park Hang-seo nhất nhất mong muốn một điều: Việt Nam phải đầu tư thật tốt cho bóng đá trẻ.

Đầu tư nhiều hơn nữa cho bóng đá trẻ

Sau khi đội tuyển Việt Nam dừng chân ở vòng loại cuối cùng World Cup 2022, thầy Park bày tỏ: “Bóng đá Việt Nam cần nhiều lần tham dự vòng loại cuối cùng World Cup khu vực châu Á. Muốn đạt được điều này, tôi hy vọng VFF cùng các trung tâm, các đội bóng sẽ tiếp tục đầu tư nhiều hơn nữa cho bóng đá trẻ”.

Trong những lần đi tìm kiếm tài năng trẻ cho các đội tuyển quốc gia, thầy Park “đỏ mắt” thực sự. Không chỉ theo dõi kỹ giải V-League, thầy Park còn dự khán các trận đấu ở giải hạng Nhất, hạng Nhì, để tìm thêm nhân sự cho đội tuyển U.23 quốc gia, Olympic Việt Nam. Rất nhiều lần, tự đáy lòng, thầy Park đề cập đến vấn đề tạo sân chơi nhiều hơn cho các cầu thủ trẻ.

Ông dẫn chứng các tuyển thủ U.23 Thái Lan hầu hết đều là trụ cột ở câu lạc bộ (CLB), trong khi cầu thủ trẻ Việt Nam không có chỗ đứng ở V-League. Thậm chí, các tiền đạo của tuyển quốc gia cũng chật vật tìm suất đá chính ở CLB, bởi ngoại binh chiếm đến 80% tần suất ra sân tại giải V-League.

HLV Park Hang-seo gợi mở: “Bóng đá Việt Nam muốn dự World Cup, tất cả phải bắt tay vào công việc ngay bây giờ. Lứa cầu thủ hiện tại sẽ ngoài 30 tuổi trong 6-7 năm nữa. Vì thế, chúng ta cần đầu tư vào những cậu bé 9, 10 tuổi. Đó mới là cách làm bóng đá khoa học, hiện đại, giúp bóng đá Việt Nam phát triển cả chiều rộng lẫn chiều sâu”.

Những năm qua, người hâm mộ ngất ngây hạnh phúc khi các cầu thủ trẻ nước nhà đoạt hai huy chương vàng SEA Games liên tiếp; đội nhà để lại dấu ấn ở vòng loại cuối cùng World Cup 2022... Kể từ đầu năm nay, tin vui liên tiếp báo về khi đội tuyển nữ quốc gia đoạt vé dự World Cup 2023, U.23 Việt Nam vô địch Đông Nam Á... Thế nhưng mới đây, người hâm mộ không khỏi giật mình khi đội tuyển U.19 Việt Nam thua trắng 0-3 trước U.19 Malaysia ở bán kết Giải bóng đá U.19 Đông Nam Á 2022.

HLV trưởng U.19 Việt Nam, ông Đinh Thế Nam than thở: “Chuẩn bị cho giải đấu, tôi cho gọi những cầu thủ có năng lực tốt nhưng các CLB chủ quản không chịu nhả quân. Tôi muốn hướng tới mục tiêu xa hơn là vòng loại U.20 châu Á vào tháng 9 tới. Hy vọng lúc đó U.19 Việt Nam sẽ có nhiều sự lựa chọn tốt hơn về mặt nhân sự”.

Chia sẻ với những khó khăn của HLV Đinh Thế Nam, chuyên gia Vũ Mạnh Hải cho rằng: “Việc từ chối nhả quân lên các đội tuyển quốc gia vốn dĩ là chuyện bình thường nhưng lãnh đạo các đội nên vì cái chung, vì sự phát triển của bóng đá nước nhà. V-League năm nay có nhiều xáo trộn trên bảng xếp hạng, đòi hỏi các đội bóng nhả quân là không đơn giản. Trong khi đó, giải hạng Nhất cũng đang đua tranh quyết liệt, đội nào cũng có tham vọng, mục đích riêng, nên không dễ họ nhả quân cho U.19 Việt Nam”.

 Niềm vui chiến thắng của các cầu thủ trẻ Hoàng Anh Gia Lai ở vòng loại Giải bóng đá U.15 quốc gia 2022.Ảnh: MINH TRẦN.

Niềm vui chiến thắng của các cầu thủ trẻ Hoàng Anh Gia Lai ở vòng loại Giải bóng đá U.15 quốc gia 2022.Ảnh: MINH TRẦN.

Nỗi khổ tâm của HLV Đinh Thế Nam vốn dĩ nằm trong tình trạng lâu nay của bóng đá nước nhà. U.23 Việt Nam hay đội tuyển quốc gia tham dự giải đấu nào thì VFF phải cho dừng giải V-League, hạng Nhất.

Lại càng thấy thấm thía những lời chân thành của thầy Park: “Tôi có nhiều mục tiêu với bóng đá Việt Nam, nhưng điều quan trọng hơn cả vẫn là những kế hoạch mang tính xây dựng và đặt ra mục tiêu thực tế, nhìn xa trông rộng hơn ở tương lai. Mục tiêu của tôi ở đây không phải để đạt những điểm số, những kỷ lục mà là để thiết lập một hệ thống tốt cho tương lai bóng đá Việt Nam, cho những người kế nhiệm tôi sau này. Đó là một hệ thống các tuyến trẻ, các đội tuyển quốc gia với nhiều cầu thủ tài năng".

Làm bóng đá trẻ là căn cơ, gốc rễ của mọi nền bóng đá

Thể thao (chuyên nghiệp) đòi hỏi những khoản đầu tư lớn, không phải trung tâm, tỉnh, thành phố nào cũng đáp ứng được. Vòng loại Giải bóng đá U.15 quốc gia 2022 đang diễn ra sôi động là thế nhưng đi sâu tìm hiểu mới biết, có những đội phải chắt chiu kinh phí để dự giải, đi xe khách, ở nhà nghỉ bình dân, ăn cơm hàng để tiết kiệm chi phí... là chuyện bình thường. Các cầu thủ U.15 Quảng Nam đang đá vòng loại ở bảng C, tại Trung tâm Đào tạo bóng đá trẻ Việt Nam (Hà Nội), hiếm khi được tập luyện trên mặt cỏ ở sân Tam Kỳ.

Hay như đội U.15 Công an nhân dân đá vòng loại ở bảng B, thì mới được tập trung từ đầu tháng 5 vừa qua. Lý giải cho việc này, Trung tá Trần Phi Hùng, Trưởng đoàn bóng đá Công an nhân dân cho hay: “Các cháu còn bận học văn hóa, rồi ảnh hưởng từ dịch Covid-19; chúng tôi cố gắng tạo điều kiện cho các cháu dự vòng loại với mục tiêu cọ xát, hòa mình vào sân chơi bóng đá trẻ nước nhà”.

Trao đổi với Trung tá Trần Phi Hùng, chúng tôi được biết Câu lạc bộ Bóng đá Công an nhân dân có 4 tuyến trẻ (U.13, U.15, U.17, U.19) với khoảng 80 vận động viên. Từ trước tới nay, đội chủ yếu tuyển chọn cầu thủ năng khiếu qua các “vệ tinh”. Với lứa U.13, đầu năm nay đội mới lần đầu tiên tiến hành tuyển sinh bài bản.

Thế nên, lại càng trân trọng hơn sự góp mặt của những đội bóng như Quảng Nam, Công an nhân dân... ở vòng loại Giải bóng đá U.15 quốc gia 2022. Nói như chuyên gia Vũ Mạnh Hải thì “cần lắm những giải bóng đá trẻ, cần lắm những tấm lòng tâm huyết với công tác đào tạo trẻ, có như vậy thì mới mong bóng đá nước nhà phát triển từng bước vững chắc.

Bên cạnh đó, các đội bóng có thể học hỏi mô hình đào tạo trẻ của Viettel, Hà Nội FC, Hoàng Anh Gia Lai... để đúc rút thêm kinh nghiệm trong công tác đào tạo trẻ”.

HÀ THÀNH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/the-thao/trong-nuoc/sau-re-moi-ben-goc-699977