Sầu riêng Việt Nam đâu phải 'một mình một chợ', cứ trồng là bán được giá
Sầu riêng Việt Nam đang được thương lái Trung Quốc 'săn đón', cũng vì thế mà mức giá tăng cao, người nông dân lãi lớn. Tuy nhiên, ở thị trường chủ lực như Trung Quốc, sầu riêng Việt Nam còn phải cạnh tranh với Thái Lan, Malaysia - hai quốc gia này đang tập trung vào chất lượng, trong khi nông dân Việt Nam vẫn ồ ạt mở rộng diện tích.
Trung bình 2 ngày, Hợp tác xã sầu riêng Ngũ Hiệp, xã Ngũ Hiệp (Cai Lậy, Tiền Giang) lại xuất khẩu 1 container với trọng lượng khoảng 18 tấn sang thị trường Trung Quốc. Chia sẻ với VnBusiness, ông Huỳnh Tấn Lộc, Giám đốc HTX, cho hay hơn 10 ngày tới là sầu riêng bước vào chính vụ, khi đó sản lượng sẽ lớn hơn. Vào chính vụ, HTX kỳ vọng mỗi ngày sẽ xuất được khoảng 2 container sang thị trường Trung Quốc.
Xuất châu Âu cả năm không bằng 1 tháng bán sang Trung Quốc
Theo lãnh đạo HTX sầu riêng Ngũ Hiệp, hàng sầu riêng được thu mua tại vườn có mức giá từ 70.000 – 80.000 đồng/kg, còn loại quả to có mức giá hơn 80.000 đồng/kg. Mức giá sầu riêng hiện nay đã “hạ nhiệt” so với thời kỳ đỉnh điểm 200.000 đồng/kg nhưng vẫn được giá so với 2 năm trước. Mức giá trên đã giúp người trồng sầu riêng có lãi, ước tính 1.000m2 diện tích trồng sầu riêng, người nông dân có thể thu về hơn 100 triệu đồng.
Về sức cạnh tranh, ông Lộc đánh giá cả thương lái Trung Quốc và thực khách Thái Lan đều đánh giá chất lượng của sầu riêng Việt Nam khá ngon, song điều quan trọng để đảm bảo đi đường dài là kiểm soát chất lượng, tránh tình trạng phát triển ồ ạt, cắt hàng ồ ạt cả loại chưa đủ tuổi, ảnh hưởng tới thương hiệu sầu riêng Việt Nam.
Đồng thời, bản thân ông Lộc cũng cho biết rất khó dự báo giá sầu riêng khi vào chính vụ. Đặc biệt, ông bày tỏ lo ngại trước việc, nhiều nông dân chặt bỏ cây trồng khác để trồng sầu riêng.
“Không ai có thể dự báo 4-5 năm tới, giá sầu riêng sẽ thế nào. Nếu lúc đó thị trường Trung Quốc không “ăn hàng” thì sẽ rất khó khăn trong việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ. Trong khi đó, nông dân làm ra ai cũng muốn bán được giá”, ông Lộc cho biết.
Theo Giám đốc HTX sầu riêng Ngũ Hiệp, sản phẩm sầu riêng Việt Nam cũng đã được xuất khẩu sang Nhật Bản, Hàn Quốc, hay một số nước châu Âu. Tuy nhiên, sản lượng không nhiều. “Chúng tôi hay nói với nhau rằng xuất khẩu sang châu Âu cả năm có khi không bằng 1 tháng xuất sang Trung Quốc. Mỗi lần đi máy bay chỉ được 3-5 tấn/lần, cước phí vận tải rất cao”. Do vậy, nếu một thời điểm nào đó mà thị trường Trung Quốc giảm mua đột ngột, chắc chắn giá sầu riêng Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng.
Hơn nữa, khi tham gia vào cuộc đua giành thị phần trên toàn cầu, sầu riêng Việt Nam phải cạnh tranh được với các đối thủ. Đơn cử tại thị trường Trung Quốc, việc vượt qua những quốc gia đã đưa sầu riêng đi trước là Thái Lan, Malaysia cũng là bài toán cần phải giải.
Đại diện Công ty Thương mại Quốc tế Sunwah (Quảng Châu), cho hay Việt Nam xuất khẩu chính ngạch sầu riêng vào Trung Quốc muộn hơn so với Thái Lan, Malaysia. Hai nước này có nền tảng sản xuất, đóng gói, quy trình xuất khẩu quy mô hơn Việt Nam. Thương hiệu của họ tại thị trường Trung Quốc cũng đang mạnh hơn, đây là cản trở với sầu riêng Việt Nam.
Sunwah đề xuất Bộ NN&PTNT nâng cao hạn mức xuất khẩu bằng cách, cho doanh nghiệp này phối hợp với các doanh nghiệp đóng gói của phía Việt Nam, góp phần tiêu chuẩn hóa nguồn hàng, làm lạnh, vận chuyển.
“Để thắng trên thị trường, phải có thương hiệu. Từ sầu riêng, sẽ kéo theo các loại hoa quả khác của Việt Nam đi theo con đường tạo thương hiệu lành mạnh”, đại diện Sunwah nói.
Bi kịch ‘mất giá’
Hiện nay, Thái Lan đã có hàng ngàn mã xuất khẩu và được xuất khẩu sầu riêng đông lạnh, trong khi Việt Nam mới được cấp hơn 100 mã xuất khẩu và chưa được phép xuất khẩu sầu riêng đông lạnh.
Trong khi đó, một thông tin trên thị trường sầu riêng Malaysia những ngày này cũng nhận được sự quan tâm. Đó là sự kiện hai tập đoàn trong ngành trồng trọt là PLS Plantainon của Malaysia và MYFARM Inc của Nhật Bản đã “bắt tay” với nhau để chính thức thành lập liên doanh trồng 1.000 ha sầu riêng. Được biết tổng liên doanh được tiết lộ có trị giá 429 triệu ringgit - đây được xem là khoản đầu tư lớn nhất trong lĩnh vực trồng sầu riêng ở Malaysia.
Dẫn chứng những thông tin trên để thấy rằng, trong khi các quốc gia đang tập trung nâng cao chất lượng sầu riêng, thì người dân miền Tây, Tây Nguyên của Việt Nam lại ồ ạt mở rộng diện tích, điều này có thể dẫn tới hệ lụy về chất lượng, cũng như khó lường về giá cả.
Ông Phan Thanh Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Cái Bè (Tiền Giang) bày tỏ lo lắng khi người dân ồ ạt trồng sầu riêng. Hàng năm, huyện đều xây dựng kế hoạch chuyển đổi chi tiết cho từng nhóm cây trồng và diện tích chuyển đổi của từng xã dựa trên cơ sở định hướng Đề án chuyển đổi cây trồng của tỉnh. Tuy nhiên, thời gian qua, việc chuyển đổi từ đất lúa sang cây ăn trái, nhất là sầu riêng ở phía Bắc Quốc lộ 1 diễn ra rải rác, chưa theo quy hoạch dẫn đến nhiều rủi ro.
“Từ năm 2021 đến nay, tại vùng phía Bắc Quốc lộ 1 của huyện, nông dân đã chuyển từ đất lúa, cây ăn trái già cỗi sang trồng cây ăn trái với diện tích gần 1.400ha, chủ yếu là sầu riêng (930 ha). Từ đó, tổng diện tích sầu riêng hiện có của toàn huyện là khoảng 7.000 ha”, ông Sơn thông tin.
Số liệu từ Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho thấy, toàn vùng Tây Nguyên diện tích sầu riêng tăng khá nhanh, lên đến hơn 40.000 ha đã vượt quy hoạch. Đây là những con số đáng báo động, rõ ràng giờ là lúc Việt Nam cần chuyển hướng nâng cao chất lượng sầu riêng, thay vì mở rộng diện tích.
Trong văn bản cảnh báo, Cục Trồng trọt nhấn mạnh nếu vẫn cứ phát triển nóng như thời gian qua, giá sầu riêng sẽ xuống thấp; thay vì tăng diện tích, sản lượng thì các địa phương, doanh nghiệp, người dân cần xây dựng thương hiệu để bán được giá cao hơn.