Sau sắp xếp, cơ cấu tổ chức của Bộ NN&PTNT dự kiến ra sao?
Bộ NN&PTNT đề xuất hợp nhất Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản với Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản thành Cục mới là Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã tổ chức xây dựng Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 15/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ NN&PTNT.
4 Tổng cục thành 6 Cục
Trong cấu tổ chức của Bộ NN&PTNT đang có 4 Tổng cục gồm Tổng cục Phòng chống thiên tai, Tổng cục Thủy lợi, Tổng cục Lâm nghiệp, Tổng cục Thủy sản. Với 4 Tổng cục này, Bộ NN&PTNT đề xuất sắp xếp tổ chức lại thành 6 Cục chuyên ngành.
Cụ thể Tổng cục Thủy lợi thành Cục Thủy lợi; Tổng cục Phòng chống thiên tai thành Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai; Tổng cục Lâm nghiệp thành hai Cục: Cục Lâm nghiệp và Cục Kiểm lâm; Tổng cục Thủy sản thành Cục Thủy sản và Cục Kiểm ngư.
Đối với đơn vị Cục, Bộ NN&PTNT giữ ổn định 6 Cục, gồm: Cục Trồng trọt, Cục Bảo vệ thực vật; Cục Chăn nuôi; Cục Thú y; Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn; Cục Quản lý xây dựng công trình.
Đáng chú ý, Bộ NN&PTNT đề xuất hợp nhất Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản với Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tổ chức lại thành Cục mới với tên gọi dự kiến là Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường.
Bộ NN&PTNT đề xuất giữ ổn định 6 vụ (gồm Vụ Tổ chức cán bộ; Kế hoạch; Tài chính; Khoa học công nghệ và Môi trường; Pháp chế; Hợp tác quốc tế) và Văn phòng Bộ; Thanh tra Bộ.
Bộ NN&PTNT đề xuất sáp nhập Vụ Quản lý doanh nghiệp vào Vụ Tài chính và chuyển cơ bản chức năng, nhiệm vụ của Vụ Quản lý doanh nghiệp về Vụ Tài chính và các cơ quan, đơn vị có liên quan.
Thực hiện không tổ chức phòng trong Vụ, gồm các Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường, Pháp chế, Hợp tác quốc tế, Tổ chức cán bộ; giảm 16/16 phòng thuộc 04 Vụ (giảm 100%) số phòng trong Vụ.
Bộ NN&PTNT cho biết việc việc sắp xếp cơ cấu tổ chức với đề xuất như trên đảm bảo phù hợp với chủ trương của Đảng theo đúng tinh thần Nghị quyết, đảm bảo thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ NN&PTNT, nhiệm kỳ Chính phủ khóa XV, với quan điểm, nguyên tắc không tăng đầu mối và biên chế khi sắp xếp, tổ chức lại các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ.
Vì sao Vụ Tài chính và Vụ kế hoạch không hợp nhất?
Về ý kiến của các bộ ngành, Bộ Nội vụ - cơ quan được giao chủ trì việc tinh gọn bộ máy, cơ bản thống nhất với đề xuất của Bộ NN&PTNT về việc kiện toàn cơ cấu tổ chức của Bộ.
Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra là Bộ Tư pháp đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cung cấp thêm thông tin về sự cần thiết, duy trì Vụ Kế hoạch và Vụ Tài chính là hai đơn vị độc lập mà không hợp nhất với nhau để thống nhất đầu mối tham mưu về kế hoạch, tài chính thuộc ngành, lĩnh vực NN&PTNT.
Về nội dung này, Bộ NN&PTNT cho biết Vụ Kế hoạch là tổ chức tham mưu giúp Bộ trưởng xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch trung hạn và dài hạn phát triển ngành NN&PTNT; thực hiện chức năng quản lý nhà nước về đầu tư công và thống kê trong ngành thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ NN&PTNT.
Còn Vụ Tài chính là tổ chức tham mưu giúp Bộ trưởng quản lý về tài chính, tài sản, đất đai, kế toán, giá và ngân sách nhà nước (thu ngân sách, chi thường xuyên từ ngân sách) thuộc phạm quản lý của bộ.
“Do đó chức năng của Vụ Kế hoạch và Vụ Tài chính mang tính độc lập tương đối, không có sự giao thoa, trùng lắp, đan xen về chức năng, nhiệm vụ” - Bộ NN&PTNT phân tích.
Cạnh đó, Bộ NN&PTNT cho biết với nhiệm vụ và biên chế hiện nay cho thấy khối lượng công việc mà hai Vụ này đang phải thực hiện là rất lớn. Nếu hợp nhất hai Vụ này dẫn đến khối lượng công việc lớn về quy mô và hoạt động, không hiệu quả và gây khó khăn cho hoạt động chung của Bộ.
Chưa kể, Bộ NN&PTNT là một trong những Bộ có vốn đầu tư lớn, Vụ Kế hoạch phụ trách tham mưu Bộ giai đoạn chuẩn bị đầu tư, vốn đầu tư phát triển, Vụ Tài chính phụ trách giai đoạn quyết toán. Hai Vụ phụ trách hai công đoạn khác nhau, đảm bảo tính độc lập, minh bạch, có sự kiểm tra, giám sát lẫn nhau, tránh khép kín, thiếu khách quan, hạn chế tính minh bạch, tiềm ẩn nhiều rủi ro trong quản lý…
Từ những nội dung trên, Bộ NN&PTNT đề nghị duy trì Vụ Kế hoạch và Vụ Tài chính, chỉ hợp nhất Vụ Quản lý doanh nghiệp với Vụ Tài chính trong cơ cấu tổ chức của Bộ.
Bộ NN&PTNT tiếp tục duy trì 3 đơn vị sự nghiệp công lập: Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn; Báo Nông nghiệp Việt Nam; Tạp chí Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Bộ NN&PTNT đề xuất đổi tên 2 đơn vị sự nghiệp công lập: Trung tâm Tin học và Thống kê thành Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp; Trường Cán bộ quản lý nông nghiệp và Phát triển nông thôn I thành Trường Cán bộ quản lý nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Bộ cũng đề xuất đưa Trung tâm Khuyến nông quốc gia (là đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ NN&PTNT) vào cơ cấu tổ chức của Bộ NN&PTNT để xác định rõ đơn vị phục vụ quản lý nhà nước trong hoạt động khuyến nông.
Tổ chức lại Trường Cán bộ quản lý nông nghiệp và Phát triển nông thôn II (hiện đang thuộc cơ cấu tổ chức của Bộ) thành Trường Chính sách công và Phát triển nông thôn và không quy định trong cơ cấu tổ chức của Bộ để chuyển sang hoạt động theo mô hình tự chủ và mở rộng phạm vi hoạt động cung ứng dịch vụ sự nghiệp công, đáp ứng yêu cầu xã hội.
Nguồn PLO: https://plo.vn/sau-sap-xep-co-cau-to-chuc-cua-bo-nn-ptnt-du-kien-ra-sao-post690751.html