Sâu sát cơ sở để có tác phẩm 'đúng, trúng, hay'

Tuyên truyền về công tác xây dựng Đảng là một trong những mảng nội dung quan trọng của các cơ quan báo chí nói chung, của Báo Bà Rịa - Vũng Tàu nói riêng. Nhận thức được điều đó, những năm qua, Ban Biên tập Báo Bà Rịa -Vũng Tàu đặc biệt quan tâm đến mảng nội dung này.

XÂY DỰNG CHUYÊN TRANG, CHUYÊN MỤC

Từ cuối năm 2006, thực hiện Chỉ thị số 06-CT/TW ngày 7-11-2006 của Bộ Chính trị về tổ chức cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, Báo Bà Rịa - Vũng Tàu đã mở chuyên trang “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và duy trì cho đến nay.

Hàng tuần, báo đều có bài viết phản ánh, ghi nhận việc hưởng ứng phong trào này từ các chi, đảng bộ cơ sở, đến cấp huyện, cấp tỉnh và trong các cơ quan, đơn vị, trường học, doanh nghiệp. Căn cứ tình hình thực tế việc học tập, chuyên đề học tập và làm theo Bác do Trung ương và địa phương phát động, cụ thể như: Cuộc thi kể chuyện tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh… mà Báo Bà Rịa - Vũng Tàu triển khai công tác tuyên truyền cho phù hợp.

Có thể nói rằng, việc hưởng ứng sôi nổi các phong trào học và làm theo Bác tại các chi, đảng bộ, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và trong nhân dân là thực tiễn sinh động để Báo Bà Rịa - Vũng Tàu khai thác thông tin đa chiều, từ đó có nhiều bài viết hấp dẫn về chủ đề này.

Điều thuận lợi nữa là từ năm 2012 đến nay, Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu duy trì cuộc thi sáng tác, quảng bá tác phẩm báo chí, văn học nghệ thuật về chủ đề học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, định kỳ trao giải 2 lần/nhiệm kỳ. Điều này đã tạo động lực thúc đẩy những người làm báo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu không ngừng tìm tòi đề tài mới, lạ, cách làm hay, những tấm gương điển hình trong học và làm theo Bác để viết bài, lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng. Kết quả là hàng năm đã có hàng trăm bài viết dưới dạng bài phản ánh, phóng sự, bài dài kỳ, video clip về chủ đề này được đăng trên báo in và báo điện tử của Báo Bà Rịa - Vũng Tàu.

Nhiều mô hình, hành động học và làm theo Bác một cách âm thầm, đơn giản, thậm chí là việc nhỏ, nhưng thiết thực khi được giới thiệu trên mặt báo đã góp phần lan tỏa phong trào trong đời sống nhân dân. Mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức tự soi rọi mình, từ đó thay đổi thai độ phục vụ người dân ngày càng tốt hơn và hướng tới xây dựng cộng đồng ngày càng tốt đẹp hơn.

NHỮNG KHÓ KHĂN, HẠN CHẾ

Bên cạnh những mặt thuận lợi, công tác tuyên truyền về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trên Báo Bà Rịa - Vũng Tàu cũng gặp một số khó khăn, hạn chế.

Cụ thể, việc học và làm theo Bác đã được triển khai qua nhiều năm, đến nay đã trở thành việc làm thường xuyên và gắn với các công việc cụ thể, hàng ngày của mỗi cơ quan, đơn vị, cá nhân. Do đó, các mô hình mới, mô hình hay không nhiều. Mặt khác, nhiều phong trào thi đua, cuộc vận động có sự giao thoa, đan xen về chủ đề, mô hình. Từ đó, một mô hình hay một cá nhân tiêu biểu ở cơ sở thường được nhiều tổ chức chọn để báo cáo thành tích gắn với lĩnh vực, phong trào thi đua của cơ quan, đơn vị và lĩnh vực của mình. Ví dụ một mô hình có thể báo cáo là hưởng ứng học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, rồi lại báo cáo về phong trào dân vận khéo, hoặc là báo cáo của hội nông dân, hội phụ nữ…

Ngoài những mô hình, điển hình của tập thể và cá nhân thì phóng viên vẫn rất khó/hoặc rất hạn chế thực hiện những đề tài mang tính dài hơi, chuyên sâu. Vì vậy, các bài viết về chuyên đề dễ rơi vào một tuyến bài nhất định, chủ yếu là dạng bài phản ánh, khó chuyển tải ở thể loại phóng sự, ký sự để đa dạng về cách thức thể hiện và có sức hấp dẫn bạn đọc.

Bên cạnh đó, nhiều việc làm, mô hình cũ vẫn còn hiệu quả, nhưng báo đã viết bài rồi, khó có thể tìm ra cách thể hiện khác để có bài báo hấp dẫn hơn.

Năm 2024, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thực hiện học tập và làm theo tư tưởng đạo đức phong cách Hồ Chí Minh chuyên đề Xây dựng đội ngũ cán bộ công chức viên chức tiên phong, gương mẫu. Thực hiện tuyên truyền về chuyên đề này, phóng viên liên hệ với cơ sở đề nghị giới thiệu cá nhân tiêu biểu để tìm hiểu viết bài thì đa số từ chối vì không ai dám tự nhận mình tiên phong, gương mẫu. Đây là khó khăn lớn nhất.

Ngoài ra, có những nhân vật, mô hình, cách làm hay nhưng không thể tuyên truyền vì thuộc lĩnh vực nhạy cảm hoặc nhân vật từ chối, không muốn xuất hiện trên báo như: Công tác phòng chống tội phạm, nhân vật điển hình là lực lượng chấp pháp (công an, bộ đội biên phòng, cảnh sát biển…) ngại xuất hiện vì sợ bị lộ, bị đối tượng phạm tội trả thù.

Một hạn chế nữa là một số phóng viên còn thụ động, ỷ lại, quá phụ thuộc vào danh sách được giới thiệu, chưa nhạy bén, sâu sát để phát hiện những nhân vật, mô hình điển hình để viết bài.

ĐỪNG BIẾN BÀI VIẾT THÀNH BẢN BÁO CÁO THÀNH TÍCH

Về kinh nghiệm tuyên truyền về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, chúng tôi xin chia sẻ một vài ý kiến như sau:

Trước hết, ban biên tập phải mở chuyên mục, chuyên trang học tập và làm theo Bác, cố định ở trang mấy, ngày nào trong tuần hoặc trong tháng và giao kế hoạch cụ thể cho từng phòng chuyên môn trong kế hoạch xuất bản hàng tháng. Có kế hoạch thì mới có thể gắn với trách nhiệm, kèm theo đó là chế độ xử phạt nghiêm minh thì mới có tác phẩm, bằng không, phóng viên sẽ tìm cách né tránh, nộp bài khác thay thế. Bên cạnh đó, tòa soạn cần bám sát các chỉ đạo, hướng dẫn việc thực hiện chuyên đề học và làm theo Bác hàng năm do Trung ương và địa phương ban hành để triển khai công tác tuyên truyền.

Cô Trần Thị Phương, nhân vật trong bài “Tôi sẽ làm tất cả vì các em” cùng các em học sinh tại cơ sở phụ Hải Đăng của Trường TH Võ Nguyên Giáp (phường 12, TP.Vũng Tàu). Ảnh: Khánh Chi

Để có những tuyến bài hay, đa dạng về cách thức thể hiện, cần bám sát cơ sở, các cấp chính quyền trong việc triển khai học và làm theo Bác. Trong đó có những tuyến bài dựa trên việc cụ thể hóa những nội dung, nhiệm vụ trong học và làm theo Bác thành chương trình hành động, xác định đúng và trúng các khâu đột phá, những vấn đề nổi cộm, giải quyết dứt điểm các vấn đề tồn đọng, gây bức xúc trong dư luận ở mọi khía cạnh, lĩnh vực của đời sống và việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội.

Về phía phóng viên, tôi xin giới thiệu thêm một số kinh nghiệm từ phóng viên Lục Thị Khánh Chi của Báo Bà Rịa - Vũng Tàu. Bạn đã 2 lần đạt giải A Cuộc thi sáng tác, quảng bá các tác phẩm báo chí, văn học, nghệ thuật chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, trong đó giải gần đây nhất được trao vào tháng 5-2023.

Tác giả Khánh Chi nhận giải A cuộc thi sáng tác, quảng bá về Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, năm 2023

Tác giả Khánh Chi nhận giải A cuộc thi sáng tác, quảng bá về Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, năm 2023

Xin được trích nguyên văn như sau:

“Nhân vật trong các tác phẩm đạt giải của tôi là các cô giáo hàng chục năm trời gắn bó với những lớp học dành cho HS khuyết tật với tình yêu thương thầm lặng mà sâu sắc; là một cô giáo đã có hơn 20 năm tình nguyện gắn bó với “điểm trường” khó khăn, thiếu thốn mọi bề để “gieo chữ” cho những “công dân bãi rác”, những trẻ em nghèo trong các gia đình lao động nhập cư. Họ giống như ánh sáng nhỏ nhoi trong cuộc đời của những trẻ nghèo, bất hạnh, để cuộc sống của các em bớt tăm tối hơn.

Họ không phải là những nhân vật được giới thiệu bằng bản báo cáo thành tích “dày cộp”, mà đều được phát hiện một cách tình cờ trong quá trình đi cơ sở. “Tên tuổi không đăng trên báo, không được thưởng huân chương, là những người anh hùng vô danh”, những hạt ngọc vùi trong cát. Do đó, nếu không chịu khó đi cơ sở, chậm lại một chút để dành thời gian trò chuyện, tìm hiểu, lắng nghe thì rất dễ “bỏ lỡ” những nhân vật như thế. Quá trình tác nghiệp ngoài “sự hòa quyện bốn khâu: Đọc - đi - nghĩ - viết” thì tôi nghĩ rằng cần thêm sự lắng nghe, thấu hiểu và đồng cảm để nhân vật trải lòng với người viết.

Tôi nghĩ, khi viết về người tốt việc tốt, không nên biến bài viết của mình thành một bản báo cáo thành tích. Điểm nhấn của những nhân vật này không phải là bản thành tích rực rỡ, không phải là những lời rao giảng đạo đức sáo rỗng, mà là những “câu chuyện” chạm đến trái tim. Chỉ khi chạm đến trái tim, câu chuyện mới có thể truyền cảm hứng để tạo ra sự thay đổi tích cực.

Do vậy, theo tôi, bài viết nên đi vào câu chuyện của nhân vật với những tình tiết chân thực, những lời nói, hành động tiêu biểu, điển hình, tạo sự rung động cho người đọc. Muốn làm được điều này thì từ tư liệu “thô” thu thập được, người viết cần chọn lọc những chi tiết “đắt” nhất, sắp xếp, xâu chuỗi một cách hợp lý để tạo ra hiệu quả cao nhất. Nói cách khác là kể câu chuyện một cách súc tích, xúc động và ý nghĩa nhất để làm toát lên vẻ đẹp của nhân vật!”.

Bài báo “Tôi sẽ làm tất cả vì các em” của tác giả Khánh Chi đạt giải A cuộc thi sáng tác, quảng bá về Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, năm 2023

Bài báo “Tôi sẽ làm tất cả vì các em” của tác giả Khánh Chi đạt giải A cuộc thi sáng tác, quảng bá về Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, năm 2023

Nguyễn Văn Tiện, Phó Tổng Biên tập Báo Bà Rịa - Vũng Tàu

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/1/160930/sau-sat-co-so-de-co-tac-pham-dung-trung-hay