SÂU SÁT CƠ SỞ, LẮNG NGHE DÂN
Thực tế hiện nay ở một số địa phương, trong mối quan hệ công việc, quan hệ xã hội, người dân ngại và không muốn tiếp xúc với cán bộ lãnh đạo.
Thậm chí, có những cán bộ khi gia đình có việc, rất ít người đến thăm viếng, hỏi han. Lại có chuyện, một số cán bộ lãnh đạo cơ quan, khi ở nhà, hàng xóm không lui tới, ra đường ít người chào hỏi. Chẳng phải hồ đồ khi suy kết: Nguyên nhân của hiện tượng trên là do phong cách sống quan liêu, xa dân của cán bộ và sự thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm trước những khó khăn, bức xúc và đòi hỏi chính đáng của nhân dân.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ tại Hội nghị về giải quyết khiếu nại, tố cáo toàn quốc diễn ra hồi tháng 5-2018. Trong lần đi thực tế xử lý một vụ việc, Thủ tướng gặp và hỏi người dân có biết mặt chủ tịch UBND huyện hay không, thì người dân trả lời: "Chưa từng gặp cán bộ lãnh đạo này". Có cán bộ còn quan niệm “số điện thoại lạ không nghe”, hoặc không có thời gian để trả lời tin nhắn kiến nghị của người dân. Quan niệm như vậy thì làm sao có thể có được những thông tin phong phú, đa chiều từ người dân. Hậu quả của căn bệnh không biết lắng nghe sẽ dẫn đến vô cảm trước những tâm tư, nguyện vọng chính đáng của cấp dưới và của nhân dân.
Cán bộ quan liêu, xa dân là biểu hiện suy thoái tư tưởng chính trị nghiêm trọng. Biểu hiện này dẫn đến hậu quả nhãn tiền là lòng tin của nhân dân đối với Đảng, với các cấp chính quyền và đội ngũ cán bộ giảm sút. Nếu để đến khi lòng tin của dân đã mất thì nguy hại khôn lường. Lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta đã chứng minh điều này. Nhiều triều đại phong kiến không được lòng dân đã sụp đổ, suy tàn, tiêu vong.
Nhận thức sâu sắc mối nguy hại đó, trong quá trình lãnh đạo cách mạng, lãnh đạo đất nước, Đảng ta luôn quan tâm, chú trọng đến việc rèn luyện phong cách trọng dân, gần dân, sát dân của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII về xây dựng Đảng đã chỉ ra các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên. Trung ương Đảng nhấn mạnh: “Sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống dẫn tới "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" chỉ là một bước ngắn, thậm chí rất ngắn, nguy hiểm khôn lường, có thể dẫn tới tiếp tay hoặc cấu kết với các thế lực xấu, thù địch, phản bội lại lý tưởng và sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc”. Trung ương Đảng cũng xác định: Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp phải thực hiện nghiêm túc việc tiếp dân định kỳ hoặc đột xuất để tiếp nhận thông tin, lắng nghe, đối thoại trực tiếp và xử lý những phản ảnh, kiến nghị của nhân dân, nhất là những biểu hiện suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong cán bộ, đảng viên.
Cán bộ gần dân, trọng dân, lắng nghe dân là yêu cầu bắt buộc, có tính quyết định đến công tác xây dựng Đảng, phát triển đất nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương tiêu biểu, mẫu mực về phong cách sâu sát cơ sở, gần dân, trọng dân. Từ năm 1955 đến 1966, trung bình mỗi năm Bác xuống cơ sở hơn 60 lượt thăm hỏi đồng bào và chiến sĩ, xem xét tình hình, kiểm tra công việc.
Thời gian gần đây, Đảng ta đã có nhiều chủ trương, giải pháp đổi mới phương thức lãnh đạo của các cấp ủy đảng, đề cao trách nhiệm nêu gương, sâu sát cơ sở, lắng nghe dân của cán bộ lãnh đạo các cấp. Cuối tháng 9 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã làm việc với các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long về công tác phòng, chống sạt lở bờ biển, bờ sông và sản xuất vụ đông xuân năm 2019-2020. Thủ tướng đã đến nhiều điểm sạt lở, tiếp xúc với người dân nắm bắt tình hình, tâm tư, nguyện vọng. Từ kết quả khảo sát, Thủ tướng đã có nhiều chỉ đạo trong giải quyết tình trạng sạt lở vừa mang tính cấp thiết trước mắt, vừa mang tính cơ bản, lâu dài. Những chỉ đạo của Thủ tướng được người dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long đón nhận hết sức hồ hởi.
Nhiều lãnh đạo ở các địa phương như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Bắc Ninh, Quảng Ngãi... đã thiết lập đường dây nóng, cung cấp số điện thoại của lãnh đạo tỉnh, thành phố và trực tiếp đối thoại với người dân, doanh nghiệp, kịp thời giải quyết những bức xúc, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của nhân dân.
Chúng ta đang xây dựng một chế độ mà tất cả quyền lực Nhà nước đều thuộc về nhân dân. Do đó, cán bộ, đảng viên phải coi việc chủ động, thường xuyên lắng nghe nhân dân là phương châm hành động trong công việc hằng ngày. Cán bộ, đảng viên cần nêu cao tinh thần “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”, “dĩ công vi thượng”. Cán bộ tạo điều kiện thuận lợi, rộng rãi để quần chúng nhân dân được nói lên ý kiến của mình; kiên quyết đấu tranh với những thế lực thù địch lợi dụng dân chủ để xuyên tạc, kích động và chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương cần tiếp cận thông tin đa chiều để tiếp nhận phản ảnh, kiến nghị của các tầng lớp nhân dân; lắng nghe tiếng nói của dân để cùng giải quyết công việc của Đảng, của đất nước...
Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/dien-dan-chu-nhat/sau-sat-co-so-lang-nghe-dan-592853