Sau sự cố khóa tu hè chùa Cự Đà, chuyên gia cảnh báo: Cẩn trọng với ngôn từ quảng cáo
PGS.TS Trần Thành Nam cho rằng cha mẹ thường bị đánh lừa bởi các thuật ngữ mang tính quảng cáo như 'khóa tu', 'học kỳ quân đội', 'trải nghiệm sinh tồn'… mà không biết phần nhiều là 'kỹ thuật bán hàng'.
Sau lùm xùm xảy ra tại khóa tu mùa hè thứ 2 năm 2023 ở chùa Cự Đà (huyện Thanh Oai, Hà Nội), Đại đức Thích Di Kiên, Trụ trì chùa Cự Đà, khẳng định từ nay chùa Cự Đà sẽ dừng vĩnh viễn tất cả các khóa tu.Ảnh: Nguyễn Hải/Dân trí
Sau vụ việc một phụ huynh phản ánh con bị đánh tại khóa tu mùa hè ở chùa Cự Đà, xã Cự Khê, huyện Thanh Oai, Hà Nội, mới đây, nhiều cha mẹ lo ngại liệu có nên tiếp tục cho các con trải nghiệm những hoạt động thực tế khi đang nghỉ hè hay không?
Chị L.T.N (35 tuổi, Thanh Oai, Hà Nội), chia sẻ trước khi xảy ra vụ việc tại khóa tu cho trẻ ở chùa Cự Đà, chị được một phụ huynh cùng lớp với con trai 8 tuổi của mình rủ tham gia khóa tu mùa hè. Chị N. kể, gia đình chị không theo đạo Phật nhưng cũng có thiện cảm với Phật pháp. Vì vậy, vào những ngày rằm hay mùng một, chị cũng đưa con đi thắp nhang, vãn cảnh chùa.
"Nhưng bảo cho con đi học khóa tu thì tôi do dự vì tuổi con còn nhỏ chưa có nhiều kinh nghiệm khi có tình huống xảy ra, chưa kể tới các điều điện sinh hoạt chung khác không biết có đảm bảo an toàn hay không?", chị N. chia sẻ.
Sau khi xảy ra vụ việc ở chùa Cự Đà, chị N. quyết định không cho con tham gia khóa tu. Thay vào đó, chị sẽ tìm những lớp kỹ năng sống khác để con theo học.
"Khi nào con lớn hơn, có trải nghiệm hơn, có hiểu biết về Phật pháp mà muốn tham gia khóa tu thì tôi sẽ sẵn sàng đăng ký", chị N. chia sẻ.
Đứng ở góc độ một phụ huynh, chị N. cũng mong muốn số lượng người tham dự các khóa tu phải phù hợp với điều kiện cơ sở vật chất của nhà chùa. "Các khóa tu số lượng lên tới hàng trăm trẻ thì rất khó đảm bảo những điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất", chị N. lo ngại.
Còn chị L.T (34 tuổi sống tại Khu đô thị Thanh Hà, Hà Nội) cho biết, chị đã muốn đăng ký cho con tham gia để trải nghiệm. Tuy nhiên, lúc đó con chị đang quê nên chị định đợi con lên rồi sẽ đăng ký.
Khi đọc được những dòng thông tin chia sẻ trên mạng xã hộ về vụ việc tại chùa Cự Đà, ngay buổi trưa hôm đó, chị T. đã chạy xe tới chùa để xem xét. Khi chị T. tới thì mới biết chùa nằm gần sát chợ, cơ sở vật chất sơ sài. Vì thế, chị T. đã chấm dứt ý định cho con tham gia khóa tu để trải nghiệm.
"Tôi tưởng khóa tu chỉ vài chục người thôi, không nghĩ đông tới hàng trăm người", chị T. nói.
Nên cho con trải nghiệm nhưng cần trang bị kỹ năng
Chia sẻ về vấn đề trên, PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các Khoa học giáo dục (Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội), cho rằng tình trạng nở rộ các trại hè theo kiểu khóa tu, học lối sống, kỹ năng sinh tồn mà không có sự kiểm soát về chất lượng, tiêu chuẩn không những không góp phần giáo dục phẩm chất, nhân cách cho học sinh mà còn gây hại, gây mất an toàn cho các em cả về thể chất và tư tưởng.
Vì con trẻ hiện đang dành quá nhiều thời gian trên thế giới ảo nên cha mẹ kỳ vọng con cái có thể bước ra ngoài thế giới, tương tác trực tiếp trong môi trường thực, với những con người thực để cân bằng cuộc sống thực và thế giới ảo, hy vọng con sẽ có những kỹ năng sống và rèn những giá trị, phẩm chất.
"Thế nhưng cha mẹ thường bị đánh lừa bởi các thuật ngữ mang tính quảng cáo, nào là "khóa tu", "học kỳ quân đội", "trải nghiệm sinh tồn", "trải nghiệm chữa lành"… với những kỳ vọng là con sẽ hiếu thuận, đạo đức, biết ứng xử, biết quản trị cảm xúc, trở nên kiên cường hơn, và biết định hướng nghề nghiệp như những lời quảng cáo… mà không biết phần nhiều là "kỹ thuật bán hàng", PGS Nam chia sẻ.
Ông Nam phân tích, nhiều vụ việc quảng cáo là khóa tu miễn phí nhưng mọi người sau khi đăng ký thì sẽ phải nộp phí mua kinh sách, mua trang phục, trả tiền ăn ở đi lại (vì khóa tu được tổ chức tại một khu resort 5 sao).
Bản chất các hoạt động trải nghiệm là tốt cho việc hình thành kỹ năng, kết nối tri thức với cuộc sống, giúp trẻ trưởng thành về nhân cách. Nhưng việc cha mẹ cảm thấy các khóa trải nghiệm tốt và tích cực không có nghĩa là bản thân khóa trải nghiệm đó tốt và tích cực. Cũng giống như việc nhiều cha mẹ đang hướng nghiệp con theo cảm nhận của riêng mình cũng thường sai vậy.
"Quan trọng là chúng ta phải có bằng chứng cho việc đánh giá chương trình hoạt động trải nghiệm có hiệu quả. Cần quan tâm đến các yếu tố đảm bảo chất lượng của các khóa học này; hãy quan tâm đến công cụ đánh giá mức độ đạt được các kỹ năng; các chỉ báo đánh giá sự hình thành các phẩm chất... Bố mẹ hãy xem các chỉ báo đó có hình thành được chưa, và hình thành có bền vững không hay chỉ thay đổi hành vi được 1-2 ngày sau khi trở về từ khóa trải nghiệm còn đâu lại vào đấy.
Hơn nữa, cũng không thể nói con tham gia những khóa học như thế này không được lợi gì. Tuy nhiên, liệu nó có phù hợp với điều kiện của gia đình mình không, liệu có đáp ứng được các kỳ vọng về mục tiêu giáo dục cha mẹ muốn hay không. Mỗi chúng ta cần học cách phân tích lợi hại và cân nhắc kỹ trước khi đưa ra quyết định để con tham gia", PGS Nam nhấn mạnh.
Cũng theo ông Nam, để giúp những hoạt động trải nghiệm trại hè trở thành những hoạt động giáo dục thực sực có ý nghĩa, cha mẹ không thể không quan tâm đến các yếu tố đảm bảo chất lượng như nội dung chương trình. Từng hoạt động cụ thể được tổ chức thế nào, hướng đến mục tiêu giáo dục nào, đo lường sự hình thành năng lực phẩm chất bằng công cụ nào, người giáo viên tổ chức các hoạt động đó có kinh nghiệm sư phạm, có bằng cấp phù hợp hay không?
Bên cạnh đó, cũng phải quan tâm đến các khía cạnh về sự an toàn, sự phù hợp giữa nội dung kỹ năng và độ tuổi, tâm lý của các em; Cũng cần quan tâm giám sát nội dung được truyền tải đến con mình. Nếu không, đứa trẻ có thể bị tiêm nhiễm những nội dung độc hại, niềm tin tôn giáo sai lầm.
* Trước đó, vụ việc được một phụ huynh đăng tải trên mạng xã hội phản ánh việc con trai vừa có "trải nghiệm kinh hoàng" tại khóa tu mùa hè ở chùa Cự Đà (huyện Thanh Oai, THà Nội). Ngay sau đó, chính quyền sở tại cùng các cơ quan liên quan đã vào cuộc và yêu cầu chùa Cự Đà tạm dừng 8 khóa tu mùa hè còn lại trong năm 2023.