Sau tách rời, các cặp song sinh dính liền được chăm sóc như thế nào?

Sau ca đại phẫu tách rời, các cặp song sinh dính liền cần thời gian hồi phục và phải đối mặt nhiều biến chứng nguy hiểm.

Sinh đôi dính liền là một trong những dị tật hiếm gặp. Theo tạp chí New Scientist, khoảng 75% các cặp song sinh dính liền là nữ và 70% hợp nhất tại ngực hoặc bụng. Trung Quốc, Singapore, Ấn Độ, Ả Rập, New Zealand và Việt Nam là những quốc gia từng nhiều lần thực hiện đại phẫu tách rời các cặp song sinh dính liền.

Tỷ lệ thành công của mỗi ca phẫu thuật ước tính tới 70%. Ngay cả khi phẫu thuật tách rời thành công, các bệnh nhi phải đối mặt với hành trình dài hồi phục.

Những biến chứng có thể gặp phải sau mổ tách rời

Thống kê của Newscientist cho thấy các cặp song sinh dính liền sau khi được phân tách có thể gặp phải nhiều biến chứng và cần sự chăm sóc đặc biệt. Với các cặp song sinh bị dính liền tim, suy tim sung huyết là tình trạng đầu tiên mà họ phải đương đầu. Họ thường phải chia nhau các bộ phận. Do đó, hậu phẫu, một trong 2 buộc phải chấp nhận tình trạng thiếu khuyết cơ quan, ví dụ đường mật hay bộ phận sinh dục.

Cặp song sinh dính liền đầu Jadon và Anias McDonald (Mỹ) phải chia sẻ một phần mô não. Điều đó khiến hai em phát triển không đồng đều sau phẫu thuật. Phần sương sọ và da bị thiếu khuyết hậu tách rời cũng là trở ngại khi hồi phục.

Nhóm bác sĩ của Bệnh viện Nhi đồng (thuộc Trung tâm Y tế Montifiore, ở Bronx, New York, Mỹ) đã khắc phục tình trạng này bằng cách bơm dung dịch muối và nhồi bóng silicone vào đầu của Anias McDonald để hỗ trợ.

 Cặp song sinh dính liền đầu Jadon và Anias McDonald (Mỹ) sau cuộc phẫu thuật tách rời năm 2016. Ảnh: CNN.

Cặp song sinh dính liền đầu Jadon và Anias McDonald (Mỹ) sau cuộc phẫu thuật tách rời năm 2016. Ảnh: CNN.

Một biến chứng khác nguy hiểm không kém là nhiễm trùng. Hai ngày sau phẫu thuật, bệnh nhân bắt buộc phải ở trong phòng chăm sóc đặc biệt (ICU).

Xuất huyết cũng là hiểm họa đe dọa tính mạng của các cặp song sinh sau mổ tách rời, đặc biệt là những cặp dính liền đầu. Trong hầu hết trường hợp, nhóm động mạch nuôi não thường không chia sẻ với nhau. Tuy nhiên, tĩnh mạch nối với một số đường chạy từ não của người này sang người kia. Tách các tĩnh mạch nói trên là trở ngại lớn đối với bác sĩ phẫu thuật.

Ở cặp song sinh Rital và Ritag Gaboure, để khắc phục tình trạng đó, nhóm phẫu thuật của Bệnh viện Great Ormond Street (Anh) quyết định mô hình hóa lưu lượng máu nhuộm động mạch và truy tìm đường đi của chất lỏng. Sau đó, ê-kíp phẫu thuật phân chia tĩnh mạch trong não làm hai. Một hệ thống bề ngoài được dệt thành các lớp mô bảo vệ quanh não. Hệ thống còn lại nằm sâu bên trong cấu trúc của não.

Theo CNN, biến chứng hậu phẫu khác mà đa số cặp song sinh khi tách rời gặp phải đó là không phát triển kỹ năng ngôn ngữ và vận động như những đứa trẻ bình thường khác. Newscientist lưu ý các cặp song sinh còn phải đối mặt với tình trạng khó ăn uống, buộc thu nạp dinh dưỡng qua ống truyền. Một số bệnh nhân gặp phải tình trạng co giật.

Jadon và Anias McDonald là trường hợp điển hình. Cậu bé Jadon phát triển về thể chất và tâm lý vượt trội hơn Anias. Dù vậy, Jadon vẫn phải vật lộn với tình trạng nhiễm trùng, sốt và khó thở. Phần bên trái của cơ thể cậu bé ban đầu bị liệt. May mắn, sau đó, em bắt đầu di chuyển lại bình thường. Anias gặp khó khăn khi thở và đối mặt hàng loạt vấn đề khác.

 Chiếc mũ bảo vệ định hình não bộ, đầu của Rital và Ritag Gabour sau khi phẫu thuật tách rời. Ảnh: Daily Mail.

Chiếc mũ bảo vệ định hình não bộ, đầu của Rital và Ritag Gabour sau khi phẫu thuật tách rời. Ảnh: Daily Mail.

Hành trình còn rất dài

Hậu phẫu các bệnh nhi phải được giám sát chặt chẽ trong phòng chăm sóc đặc biệt (ICU). Ca phẫu thuật tách rời thường kéo dài nhiều giờ, có những ca lên tới 55 tiếng, bệnh nhân đa số đều là trẻ sơ sinh hoặc tuổi còn nhỏ. Thời gian thở máy dài có thể khiến sức khỏe của các bé chưa ổn định hoặc thích nghi được ngay với hình hài mới.

Với các ca bị thiếu khuyết một bộ phận ở đầu, bệnh nhi sẽ được sử dụng mũ bảo vệ. Đây là phương án mà nhiều y bác sĩ sử dụng nhằm khắc phục tình trạng không đủ xương và da để tạo thành hộp sọ, da đầu hoàn chỉnh.

Ngoài ra, nhiễm trùng huyết là nguyên nhân chủ yếu gây tử vong cho những bệnh nhân hậu mổ tách rời. Do đó, các bệnh nhân cần được chăm sóc tỉ mỉ, kiểm tra thường xuyên để phòng ngừa, phát hiện các biến chứng sớm, đặc biệt là khuyết tật lớn trên da. Ở những bé dính liền phần bụng như Trúc Nhi - Diệu Nhi của Việt Nam, các bé phải kết hợp vật lý trị liệu, tập đi trong thời gian dài sau khi xương cứng cáp trở lại.

 Lea và Tabea trước khi bước vào cuộc phẫu thuật tách rời do các chuyên gia y tế đầu ngành của Đại học Johns Hopkins thực hiện năm 2004. Ảnh: Johns Hopkins Magazine.

Lea và Tabea trước khi bước vào cuộc phẫu thuật tách rời do các chuyên gia y tế đầu ngành của Đại học Johns Hopkins thực hiện năm 2004. Ảnh: Johns Hopkins Magazine.

Hành trình hồi phục của bệnh nhân được tách rời gắn với các ca phẫu thuật bổ sung khác nhằm hoàn thiện cơ thể.

Năm 2004, trong ca phẫu thuật tách rời Lea và Tabea - con của cặp vợ chồng người Đức Peter, Nelly Block - không may Tabea đã qua đời.

Sau ca mổ tách rời, Lea trải qua nhiều cuộc phẫu thuật khác để duy trì mạng sống. Theo Đại học Johns Hopkins, Mỹ, cô bé được phẫu thuật thêm 6 lần để giảm phù nề não, bổ sung chức năng hộp sọ và đóng toàn bộ da đầu.

Khi lên 5 tuổi, bệnh nhi người Đức cần được ghép xương và nhiều ca phẫu thuật khác để có cơ thể hoàn chỉnh, khỏe mạnh.

Thiên Nhan

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/sau-tach-roi-cac-cap-song-sinh-dinh-lien-duoc-cham-soc-nhu-the-nao-post1109181.html