Sau tai nạn thảm khốc làm 5 người chết, 'chợ cóc', 'chợ tạm' vẫn tấp nập buôn bán
Mặc cho nguy cơ tai nạn giao thông (TNGT) luôn rình rập nhưng người dân và các tiểu thương vẫn ung dung mua bán dưới lòng đường, sát bên những chiếc xe lao vùn vụt, gây cản trở, mất an toàn giao thông.
Sau tai nạn thảm khốc làm 5 người tử vong, ‘chợ cóc’, ‘chợ tạm’ vẫn tấp nập buôn bán lấn chiếm vỉa hè, lòng đường gây mất an toàn giao thông
Tưởng chừng sau vụ TNGT làm 5 người chết, 5 người bị thương ở Đắk Nông, những người buôn bán ở lòng lề đường biết sợ, chính quyền địa phương cũng sẽ có những chấn chỉnh, nhưng theo ghi nhận của phóng viên, ở nhiều nơi tình trạng lấn chiếm lòng lề đường để buôn bán vẫn như... chưa hề có chuyện gì xảy ra.
Gần đây, nhiều người tham gia giao thông tại Hà Nội bày tỏ sự bức xúc trước việc các xe bán hàng rong tràn vào nhiều tuyến phố nội đô để buôn bán, cản trở lối đi của các phương tiện trong khung giờ cao điểm.
17h45’ ngày 15/6, hình ảnh PV chứng kiến là gần chục chiếc xe máy với sọt hoa quả lớn hai bên ngang nhiên tập trung thành từng cụm ngay nút giao đèn tín hiệu Trần Phú - Nguyễn Văn Lộc để “đón lõng” người vào mua.
Điều này khiến giao thông tại khu vực thường xuyên bị ùn tắc. Nhiều phương tiện do bị những người vào mua hoa quả giữa đường cản trở lối đi đã bấm còi inh ỏi khiến giao thông càng thêm hỗn loạn.
Tuyến đường 70 chạy qua địa bàn các phường Tây Mỗ, Đại Mỗ (quận Nam Từ Liêm) là một trong những điểm đen về mất an toàn giao thông
Trong vai khách hàng, PV được một người bán hoa quả tại đây cho biết, sở dĩ họ cố đứng ở ngã ba, ngã tư bán hàng vì đó là nơi mọi người hay dừng chờ đèn tín hiệu nên có thể tranh thủ tạt ngang để mua sắm trên đường đi làm về.
Cách đó không xa, trên đường Vũ Trọng Phụng, nhiều xe buôn bán cây cảnh cũng “bành trướng” dưới lòng đường, khiến sự lưu thông của các phương tiện trở nên khó khăn, đặc biệt tại nút giao Vũ Trọng Phụng - Ngụy Như Kon Tum.
Nhiều người dân cho biết, dù trong khung giờ cao điểm buổi sáng, mật độ phương tiện lưu thông khá đông, các hướng phương tiện thường xuyên bị xung đột song nhiều người với sạp hàng chình ình vẫn vô tư án ngữ tại ngã ba để bán hàng, bất chấp việc làm của mình gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến giao thông toàn tuyến đường.
Như đã phản ánh, vụ TNGT thảm khốc xảy ra vào khoảng 6 giờ 30 phút ngày 13/6, tại Km 1818+200 đường Hồ Chí Minh (đoạn qua chợ 312, xã Đắk R’la, huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông). Xe tải mang BKS: 69C - 051.59 mất thắng đã tông liên tiếp vào 1 chiếc container và 2 chiếc xe tải chạy cùng chiều để giảm tốc độ. Tuy nhiên, 2 chiếc xe tải bị tông đã mất lái lao vào lề đường, nơi có nhiều tiểu thương và người dân đang mua bán khiến 5 người chết, 5 người bị thương nặng.
Trong 5 người bị thương, có 3 bệnh nhân hiện sức khỏe tạm ổn, 1 người được chuyển xuống Bệnh viện Chợ Rẫy TP HCM, người còn lại vẫn đang hôn mê, tiên lượng xấu.
Đặc biệt, trên tuyến đường 70 chạy qua địa bàn các phường Tây Mỗ, Đại Mỗ tình trạng người dân kinh doanh buôn bán lấn chiếm lòng đường, vỉa hè diễn ra tràn lan. Không những vậy tuyến đường ngày nào cũng phải cõng hàng ngàn lượt phương tiện tải trọng lớn, có dấu hiệu chở quá tải tiềm ẩn nguy cơ cao xảy ra tai nạn giao thông.
Trao đổi với PV, bác Tiến - một người dân sống tại khu vực bức xúc, tình trạng hàng rong lấn chiếm lòng đường, vỉa hè tại khu vực đường 70 gây cản trở lớn đối với việc lưu thông của người dân và tiềm ẩn nguy cơ cao xảy ra những vụ tai nạn.
Không những vậy, việc phát sinh chợ tự phát đã và đang làm ảnh hưởng đến hoạt động của các chợ quy hoạch, không đảm bảo an toàn thực phẩm, gây ô nhiễm môi trường do việc buôn bán, xả rác thải bừa bãi của các tiểu thương.
Tình trạng hàng rong lấn chiếm lòng, lề đường còn diễn ra phổ biến trên một số tuyến đường khác như: Trục đường Nguyễn Xiển - Nghiêm Xuân Yêm (hướng về Linh Đàm); đường Lê Văn Lương (đoạn từ nút giao Nguyễn Tuân đến nút giao Hoàng Đạo Thúy); Nguyễn Chánh (đoạn từ nút giao Nguyễn Chánh - Mạc Thái Tông đến ngã tư Nguyễn Chánh - Mạc Thái Tổ).
Chính quyền sở tại cần những biện pháp cứng rắn, quyết liệt để dẹp nạn 'chợ cóc', 'chợ tạm'
Theo ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia, vào tháng 6/2019, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo rà soát, đánh giá tình hình quản lý sử dụng đất, xây dựng dọc theo hành lang ATGT của các tuyến quốc lộ trọng điểm.
Trong kế hoạch năm ATGT này, Phó thủ tướng, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia đã giao cho Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các địa phương kiểm tra, đánh giá toàn bộ hoạt động trong hành lang ATGT và đưa ra các giải pháp căn cơ.
Cũng theo ông Hùng, tại cuộc họp về vụ TNGT ngày 13/6 vừa qua, ông đã nhắc việc Phó Thủ tướng chỉ đạo Tổng cục đường bộ nghiên cứu đề án ATGT trên Quốc lộ 1, đường Hồ Chí Minh và các quốc lộ trọng yếu. Yêu cầu rà soát, đánh giá các hoạt động trong hành lang ATGT, có những giải pháp cấp bách để khắc phục tình trạng mất ATGT.
Đối với những vị trí trước đây khi đầu tư xây dựng chưa đông dân cư, nay các hoạt động kinh tế xã hội xuất hiện thì phải xem xét, nếu đủ điều kiện khu đông dân cư thì cắm biển và có những giải pháp tổ chức giao thông để bảm bảo ATGT.
"Chúng tôi sẽ có chỉ đạo cho Bộ GTVT, các địa phương lắp đặt camera giám sát tại các đoạn tuyến nguy cơ TNGT để giám sát, chấn chỉnh và xử phạt tình trạng lấn chiếm hành lang ATGT", ông Hùng cho biết thêm.