Sau Tết, người dân 'vật vã' đón xe trở lại thành phố
Sau Tết Nguyên đán, người dân bắt đầu đổ ra các tuyến đường quốc lộ đón xe vào Nam, ra Bắc. Hầu hết các chuyến xe đường dài đều đã chật cứng, người dân vất vả chờ đón xe để quay lại thành phố làm việc.
Sau những ngày đón Tết đầm ấm bên gia đình, người dân bắt đầu hành trình đón xe để trở lại thành phố tiếp tục học tập và làm việc.
Từ sáng sớm, rất đông hành khách đã tụ tập tại các ngã ba, ngã tư, các cây xăng, quán cơm ven tuyến đường quốc lộ 1A đi qua Hà Tĩnh chờ xe. Trong số này chủ yếu là sinh viên, người dân lao động tại các khu công nghiệp lớn như TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Hà Nội...
Những ngày này, hầu hết các xe đường dài đều đã chật cứng nên dù hành khách "mỏi mắt" đợi xe cả buổi, vẫn không đón được chuyến xe mình cần.
Anh Lê Văn Thủy (ở Nghi Xuân, Hà Tĩnh) cho biết, năm nay do sơ suất gọi điện đặt muộn nên các nhà xe đều đã hết vé. Vợ chồng anh dậy từ sáng sớm để lên đón xe vào Đồng Nai làm việc. Hơn 3 tiếng chờ đợi vợ chồng anh vẫn chưa đón được xe.
"Xe nào đi qua tôi cũng vẫy nhưng họ không dừng lại. Các xe đi qua đều chật kín khách. Thời điểm này người đi xe khách quá đông nên nhóm chúng tôi đợi từ sáng đến trưa vẫn chưa bắt được xe", anh Thủy cho hay.
Do nhu cầu đi lại sau Tết tăng cao, các nhà xe cũng đã chủ động tăng cường thêm xe để phục vụ hành khách nhưng vẫn không đáp ứng được. Mỗi ngày có hàng trăm chuyến xe từ Bắc vào Nam, nhưng với lượng khách đi xe quá lớn khiến xe nào cũng trong tình trạng chật kín.
Sinh viên Hồ Thị Hằng (ở Can Lộc, Hà Tĩnh) cho biết, em đón xe khách từ sáng sớm đi Đà Nẵng nhưng xe nào cũng đầy khách, không có chiếc nào dừng.
Theo quan sát của phóng viên tại khu vực đầu đường tránh thị xã Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh), mặc dù ra đón xe từ lúc sáng sớm nhưng đến trưa, rất đông người đứng hai bên đường vẫn chưa bắt được xe. Mỗi khi có xe khách giường nằm chạy tuyến Bắc - Nam và ngược lại đi qua, người dân lại giơ tay vẫy vẫy ra hiệu xin được lên xe nhưng hầu hết đều nhận được cái "lắc đầu" vì các xe đã kín chỗ.
Thời điểm này, mặc dù giá vé tăng hơn gấp đôi so với ngày thường, tuy nhiên hiện vẫn xảy ra tình trạng "cháy vé", xe khách không đáp ứng được nhu cầu đi lại của khách hàng.
Anh Nguyễn Văn Thắng (SN 1979, chủ một nhà xe chạy tuyến Nghệ An - Bình Dương) cho biết, năm nào cũng vậy, cứ bắt đầu từ ngày mùng 4 Tết là nhà xe phải tăng cường thêm chuyến để phục vụ người dân, tuy vậy vẫn không thể đủ vé cho khách đặt.
Bên cạnh đó, thay vì phải chấp nhận ngồi xe đông khách, giá vé cao, nhiều người đã chọn giải pháp đi xe máy từ quê ra thành phố lớn, như một số sinh viên đi xe máy từ Hà Tĩnh ra Hà Nội.
Trao đổi với phóng viên, lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải Hà Tĩnh cho biết, đơn vị đã thành lập các đội chỉ đạo thanh tra, kiểm tra liên tục. Qua đó, tại các bến xe trong tỉnh đều đã niêm yết giá. Nếu phát hiện xe nào tăng giá quá mức sẽ xử lý theo quy định.
Nhằm đảm bảo trật tự, an toàn giao thông trên toàn tuyến và đảm bảo an toàn tính mạng cho hành khách đi xe, Công an Hà Tĩnh đã huy động tối đa cán bộ tuần tra, kiểm soát trên QL 1A nhằm kiểm tra, phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp phóng nhanh, vượt ẩu, nhồi nhét hành khách, chở vượt số người, dừng đỗ, đón khách không đúng nơi quy định.