Sau tháng đầu 2024 tăng trưởng, doanh thu Sao Ta quay đầu giảm
Nếu như tháng 1/2024 Sao Ta ghi nhận tăng 26% về doanh số thì bước sang tháng 2, do trùng lịch Tết Nguyên đán, đơn hàng ít khiến doanh số của doanh nghiệp chỉ bằng 84% so với cùng kỳ năm 2023.
Thông tin từ CTCP Thực phẩm Sao Ta (HoSE: FMC), tháng 2/2024, doanh nghiệp thu về 11,3 triệu USD, tương ứng giảm 16% so với cùng kỳ năm 2023. Sao Ta cho biết, doanh số sụt giảm do lịch nghỉ Tết Nguyên đán rơi vào tháng 2 nên doanh nghiệp chỉ hoạt động 21 ngày. Đồng thời, nguyên liệu tôm ít do cuối vụ và đơn hàng trong tháng ít.
Sản xuất tôm thành phẩm trong tháng 2/2024 đạt 931 tấn, giảm 8% so với cùng kỳ năm trước; sản xuất nông sản thành phẩm đạt 63 tấn, giảm 69%. Sản lượng tiêu thụ tôm thành phẩm đạt 982 tấn, giảm 9%; tiêu thụ nông sản thành phẩm đạt 87 tấn, giảm 21%.
Năm 2023, Sao Ta thu về 5.087 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 10,7% so với năm 2022. Lợi nhuận trước thuế của doanh nghiệp đạt 304,6 tỷ đồng, giảm 7,2%. Kết quả trên của Sao Ta diễn ra trong bối cảnh thị trường xuất khẩu thủy sản chính của doanh nghiệp giảm nhu cầu về mặt hàng thủy sản. Năm 2023, dẫn thông tin từ VASEP, FMC cho biết, doanh nghiệp hiện là doanh nghiệp Việt xuất khẩu tôm lớn nhất vào Nhật Bản, đứng thứ 5 tại thị trường Mỹ và thứ 9 tại Hàn Quốc.
Trong khi đó, cả năm 2023, xuất khẩu thủy sản sang Nhật Bản đạt 1,51 tỷ USD, giảm 11% so với năm trước; Mỹ đạt 1,55 tỷ USD, giảm 27%; Hàn Quốc đạt 790,7 triệu USD, giảm 16%, theo Tổng cục Hải quan.
Sang năm 2024, ngành tôm Việt vẫn còn nhiều thách thức như kinh tế thế giới phục hồi chậm tác động đến nhu cầu thủy sản, dịch bệnh tôm chưa kiểm soát được, áp lực cạnh tranh với các đối thủ bao gồm Ecuador, Ấn Độ…
Dù vậy, FMC cho rằng năm 2024 lạm phát toàn cầu có xu hướng giảm, là tín hiệu tích cực cho kinh tế và tiêu dùng. Các động thái cấm vận thương mại thủy sản của Mỹ và EU với Nga; của Trung Quốc và Nga với Nhật Bản… cũng làm thay đổi cục diện thương mại của các nước trên thế giới, tác động gián tiếp theo khía cạnh tích cực tới ngành thủy sản, trong đó có Việt Nam.
Cơ hội từ dịch chuyển chuỗi cung ứng thủy sản, mà Việt Nam là một trong số những lựa chọn được các doanh nghiệp thủy sản tại nhiều thị trường quan tâm dựa trên năng lực và thế mạnh về chế biến và đảm bảo chất lượng của Việt Nam.