Sau thời gian đồng loạt đóng cửa, 'thủ phủ thời trang' Ninh Hiệp bây giờ ra sao?
Từ một nơi buôn bán hàng thời trang sầm uất, tấp nập người mua bán, Ninh Hiệp giờ đây trở nên vắng lặng giữa lúc lực lượng chức năng mở cao điểm xử lý hàng giả. Nhiều cửa hàng nay đã mở cửa buôn bán nhưng thưa thớt khách.
Từ “thủ phủ thời trang” sôi động đến cảnh vắng lặng
Từng được mệnh danh là “thủ phủ thời trang” phía Bắc, Ninh Hiệp (trước là xã Ninh Hiệp, nay là xã Phù Đổng, Hà Nội) là điểm đến quen thuộc của hàng nghìn tiểu thương trên cả nước. Với hệ thống các khu chợ và trung tâm thương mại lớn như: chợ Nành Ninh Hiệp, chợ Phú Điền, chợ Sơn Long,… Nơi đây từng là đầu mối sầm uất chuyên cung cấp sỉ các mặt hàng quần áo, vải vóc, phụ kiện may mặc.
Trước đây, không khí tại Ninh Hiệp luôn tấp nập từ sáng sớm đến chiều muộn. Người mua, người bán, xe chở hàng ra vào tấp nập khiến các tuyến đường quanh chợ lúc nào cũng đông đúc.
Tuy nhiên, trong lúc lực lượng chức năng tổ chức đợt cao điểm kiểm tra, xử lý hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc, khung cảnh tại các khu vực buôn bán thời trang ở Ninh Hiệp đồng loạt đóng cửa. Điều này khiến nhiều người đặt dấu hỏi về tính minh bạch và xuất xứ hàng hóa tại một trong những khu chợ lớn nhất miền Bắc này.

Một số ít các gian hàng trên đường bãi xe chợ Sơn Long vẫn chưa mở cửa trở lại.
Quay trở lại Ninh Hiệp vào một chiều tháng 7, phóng viên ghi nhận hầu hết các cửa hàng đã đồng loạt mở cửa trở lại. Tuy nhiên, trái ngược với sự nhộn nhịp quen thuộc, không khí tại đây vẫn còn khá trầm lắng. Dù quầy kệ đã được bày biện đầy ắp hàng hóa, từ quần áo thời trang đến vải vóc, phụ kiện, nhưng lượng khách đến mua hàng rất thưa thớt.
Tại khu vực quanh Trung tâm thương mại Sơn Long, chỉ lác đác vài khách ghé mua trên cả một dãy dài hàng chục quầy. Nhiều tiểu thương tranh thủ lúc vắng khách ngồi “tám chuyện” hoặc lướt điện thoại để giết thời gian. Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại khu chợ vải gần bãi xe Sơn Long – thời điểm ghi nhận không có một khách hàng nào lui tới.

Đi sâu vào các đường rẽ từ bãi xe chợ Sơn Long, số lượng người đến mua hàng khá ít ỏi
Bên trong chợ Nành Ninh Hiệp – không khí cũng chẳng khá khẩm hơn. Những quầy hàng vắng vẻ, tiểu thương ngồi lặng lẽ, thậm chí “ngủ gật” vì quá ít người ghé thăm.
Ông N.L, một tài xế xe ôm lâu năm tại cổng chợ chia sẻ: “Các cửa hàng mới mở lại hơn chục ngày nay. Trước đây họ mở từ 7h sáng, giờ thì phải 8h30 - 9h mới mở, mà chiều tầm 4h - 5h là đã đóng cửa nghỉ rồi". Theo ông N.L, việc kinh doanh ế ẩm khiến nhiều chủ cửa hàng lo lắng, bởi các chi phí cố định như tiền thuê mặt bằng, lương nhân viên, điện nước,… vẫn phải chi trả đều đặn dù lượng hàng bán ra không đáng kể.
Trong vai người mua hàng, phóng viên tiếp cận một số tiểu thương để tìm hiểu hoạt động mua bán tại Ninh Hiệp. Dù phần lớn đều tỏ ra dè dặt khi được hỏi về tình hình kinh doanh, nhưng một vài người cho biết vẫn có thể xuất hóa đơn đỏ khi khách cần lấy hàng sỉ.

Nhiều tiểu thương rảnh rỗi, vừa trông hàng vừa lướt điện thoại khi không có khách hàng ghé thăm.
“Mua sỉ thì bọn em có thể xuất hóa đơn đầy đủ. Nếu cơ quan chức năng kiểm tra, chỉ cần đưa hóa đơn là được. Còn nguồn gốc hàng hóa thì bên em chịu trách nhiệm,” một tiểu thương chia sẻ. Tuy vậy, một số tiểu thương thẳng thắn thừa nhận rằng giấy tờ chứng minh nguồn gốc hàng hóa hiện chưa đầy đủ, chỉ có thể cung cấp hóa đơn bán hàng thông thường khi có giao dịch.
Từ khung cảnh nhộn nhịp, sôi động bậc nhất miền Bắc, chợ Ninh Hiệp giờ đây như “bức tranh” lặng lẽ.

Khung cảnh buôn bán vắng vẻ trong khu vực chợ Nành Ninh Hiệp.
Có hóa đơn vẫn phải kiểm tra kỹ
Chia sẻ với VietTimes về việc người kinh doanh chỉ cần cung cấp hóa đơn đầu vào đã đủ cơ sở để chứng minh nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa? một cán bộ quản lý thị trường Hà Nội cho biết, để chứng minh nguồn gốc hàng hóa đang bán, người kinh doanh cần xuất trình được hóa đơn mua bán hợp lệ theo quy định tại Nghị định 123/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về hóa đơn, chứng từ (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 70/2025/NĐ-CP).
“Nếu đáp ứng được các yêu cầu tại Nghị định này sẽ được xem là hóa đơn hợp lệ” – vị cán bộ nói. Ngoài ra, đối với những mặt hàng thuộc diện phải có hồ sơ công bố, các hộ kinh doanh đề nghị các đơn vị bán hàng gửi kèm hồ sơ công bố chất lượng sản phẩm.

Quần áo được bày bán tại khu vực đường bãi xe chợ Sơn Long.
Đối với việc xuất hóa đơn mua bán, theo vị cán bộ này, người mua cần nắm được hóa đơn đó đã được xuất đúng quy định chưa? Đây là vấn đề mấu chốt mà người kinh doanh phải nắm được để tự bảo vệ hoạt động buôn bán của mình.
“Khi người mua đến nhập hàng, người mua cần xem hóa đơn được xuất có đúng quy định hay không? Nếu hóa đơn của chủ cửa hàng xuất không đúng, không đủ theo đúng hàng hóa của người mua thì người mua có quyền từ chối nhập hàng?”, vị cán bộ nhấn mạnh.
Trong trường hợp, người mua đã được chủ cửa hàng đồng ý xuất hóa đơn và hóa đơn hợp lệ, vị cán bộ quản lý thị trường vẫn khuyến cáo, bản thân người kinh doanh cần kiểm tra hàng hóa để tránh nhập phải những nguồn hàng không rõ nguồn gốc.
“Điểm nhận diện đầu tiên mà người kinh doanh dễ phân biệt nhất khi nghi ngờ về nguồn hàng thật hay giả, đó là về giá cả. Ví dụ như đối với những mặt hàng có thương hiệu, sẽ không có giá thấp. Nếu người mua nhập hàng có thương hiệu nổi tiếng nhưng với giá rất thấp hoặc thấp hơn rất nhiều so với giá thị trường thì khả năng đó là hàng giả hoặc hàng lậu”, vị cán bộ chia sẻ.
Thực tế, theo vị cán bộ này, với những tiểu thương kinh doanh lâu năm, với kinh nghiệm của bản thân, khi họ lựa chọn sản phẩm sẽ nhận diện được mặt hàng đó là thật hay giả.

Tầm 5h kém chiều, các gian hàng trong Trung tâm thương mại chợ Ninh Hiệp đã dọn hàng, đóng quầy.
Vị cán bộ này lưu ý thêm, trong bối cảnh hiện nay, không chỉ hiểu biết về hóa đơn, chứng từ mà bản thân người kinh doanh cần nắm rõ được các quy định của pháp luật trong kinh doanh, buôn bán.
Theo vị cán bộ quản lý thị trường, để tìm hiểu các quy định của pháp luật trong kinh doanh, buôn bán, người kinh doanh có thể tự tìm hiểu thông qua nhiều kênh khác nhau. Trong bối cảnh công nghệ thông tin đang phát triển, internet phổ biến rộng rãi như hiện nay, người kinh doanh có thể nắm bắt các quy định thông qua các nền tảng tìm kiếm thông tin.
Với những vấn đề còn chưa rõ, người kinh doanh có thể tìm hiểu từ các đơn vị chức năng, trong đó, có lực lượng quản lý thị trường, lực lượng thuế,… Bởi với lực lượng quản lý thị trường, ngoài chức năng kiểm tra nguồn gốc hàng hóa còn có nhiệm vụ tuyên truyền cho các hộ kinh doanh, doanh nghiệp biết về quy định của pháp luật để các hộ kinh doanh, doanh nghiệp thực hiện ngày càng đúng hơn.