Sau thời gian khó khăn, ngành thép nhận nhiều tín hiệu tích cực

Trải qua một năm 2024 đầy biến động, ngành thép Việt Nam đón nhận nhiều tín hiệu phục hồi, đi qua giai đoạn khó khăn nhất.

Năm 2024 đánh dấu sự phục hồi về sản lượng của thị trường thép xây dựng Việt Nam.

Năm 2024 đánh dấu sự phục hồi về sản lượng của thị trường thép xây dựng Việt Nam.

Vượt qua khó khăn

Giá thép xây dựng cuối năm 2023 dao động trong khoảng 13,8 – 15,3 triệu đồng/tấn. Sang đầu năm 2024, giá thép đã tăng 150.000 – 370.000 đồng/tấn, lên mức 14 – 14,5 triệu đồng/tấn, đỉnh điểm trong tháng 3 giá thép cuộn CB240 và thanh vằn D10 CB300 ở mức tương ứng là 15,6 triệu đồng/tấn và 15,9 triệu đồng/tấn.

Sau đó, giá liên tục điểm chỉnh giảm, có thời điểm chạm mức thấp nhất vào tháng 9, khi thép cuộn CB240 ở mức 13,43 triệu đồng/tấn và thép thanh vằn D10 CB300 có giá 13,74 triệu đồng/tấn.

Từ giữa tháng 9, các thương hiệu nhiều lần điều chỉnh giá thép, đến hết tháng 12, giá thép xây dựng trong nước đang được bán quanh 13,5 - 14 triệu đồng một tấn. Mặt bằng giá này đang trở lại ngang với cuối tháng 7, đầu tháng 8, trước khi diễn ra đợt giảm khá mạnh xuyên suốt cho tới nay.

Theo thống kê từ Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), xuất khẩu thép ghi nhận mức tăng trưởng tốt. Giá thép trong nước cũng hồi phục từ mức đáy 3 năm và liên tục tăng trong giai đoạn này.

Việt Nam bán hàng thép thành phẩm đạt 26,776 triệu tấn, tăng 13% so với cùng kỳ. Mức tăng trưởng được ghi nhận ở hầu hết các mặt hàng, trong đó cuộn cán nguội (CRC) tăng cao nhất là 40,8%; tiếp đến là tôn mạ kim loại và sơn phủ màu tăng 32,8%, thép xây dựng 11,9% và ống thép 4,8%, riêng thép cuộn cán nóng (HRC) giảm 2,2% so với cùng kỳ 2023.

Những số liệu này cho thấy, từ góc độ tích cực, ngành thép nước ta hiện đã đi qua giai đoạn khó khăn nhất và đang dần khôi phục lại sự ổn định. Nhiều doanh nghiệp ghi nhận sự cải thiện cả về nhu cầu tiêu thụ, doanh thu và biên lợi nhuận.

Doanh nghiệp khả quan

Tổng Công ty Thép Việt Nam (VNSteel) năm 2024 ghi nhận tổng doanh thu hợp nhất đạt 33.000 tỷ đồng, tăng gần 7% so với năm 2023; lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 230 tỷ đồng. Toàn hệ thống cung cấp ra thị trường ước đạt 3,56 triệu tấn thép thành phẩm, tăng 21,3% so với cùng kỳ; trong đó sản lượng tiêu thụ cán dài ước đạt 2,36 triệu tấn (tăng 10,7%) so với năm 2023.

Sản lượng thép cán nguội và tôn mạ ước đạt lần lượt là 750.000 tấn và 445.000 tấn, tăng lần lượt 47,6% và 52,9% so với cùng kỳ. Tại Việt Nam, ngành thép đã có những tín hiệu phục hồi so với năm trước thể hiện qua kết quả tổng tiêu thụ thép các lại tăng trưởng 10,4% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, sự phục hồi này không diễn ra đồng đều giữa các nhóm ngành hàng và các khu vực.

Bước sang 2025, Hiệp hội thép Thế giới (WSA) đã đưa ra mức dự báo lạc quan nhưng thận trọng về sự phục hồi của nhu cầu tiêu thụ thép toàn cầu 2025, tuy vậy thị trường thép khu vực ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng sẽ không chỉ gặp khó khăn từ nhu cầu tiêu thụ thép thành phẩm tăng trưởng chậm lại mà còn tiếp tục chịu thêm áp lực từ thép xuất khẩu của Trung Quốc. VNSteel nhận định, thị trường thép nội địa 2025 sẽ là một bức tranh phức tạp, với cả cơ hội và thách thức đan xen.

Trong khi đó, Công ty CP Thép tấm lá Thống Nhất ghi nhận doanh thu thuần đạt 238 tỷ đồng, giảm 46% so với cùng kỳ năm trước. Giá vốn giảm gần 50% dẫn đến lợi nhuận gộp tăng gấp gần 3,6 lần, lên mức 14,5 tỷ đồng.

Dù chưa thể khẳng định ngành thép đã hoàn toàn hồi phục do vẫn chịu ảnh hưởng từ biến động kinh tế toàn cầu, DN đánh giá thị trường thép năm 2024 đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất và đang dần ổn định trở lại.

Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) năm 2024 đánh dấu sự phục hồi về sản lượng của thị trường thép xây dựng Việt Nam, khi sản lượng tiêu thụ ghi nhận mức tăng trưởng 15,8% theo năm. Các sản phẩm thép dẹt cho hoạt động xây dựng (tôn mạ, ống thép) duy trì tăng trưởng sản lượng, ngoài từ nhu cầu nội địa còn ghi nhận tăng trưởng từ thị trường nước ngoài (ASEAN, EU, Mỹ).

Sản lượng thép cuộn cán nóng (HRC) tương đương so với năm 2023 do các hoạt động phòng vệ thương mại tại thị trường Eu trong nửa cuối năm 2024 khiến sản lượng xuất khẩu bị ảnh hưởng.

Về thị phần thép xây dựng, Tập đoàn Hòa Phát đã gia tăng thị phần từ mức 38%, so với 35% trong 2023 nhờ tăng sản lượng tại các các dự án hạ tầng, đồng thời đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường khác. Thị phần tôn mạ có xu hướng giữ ổn định, với các công ty có thị phần lớn nhất gồm Tập đoàn Hoa Sen, Thép Nam Kim và Tôn Đông Á.

VDSC kỳ vọng sản lượng thép nội địa sẽ duy trì đà tăng trưởng trong năm 2025, nhờ thị trường bất động sản tiếp tục phục hồi thúc nhu cầu xây dựng dân dụng và đẩy mạnh các dự án đầu tư công (thời điểm một số dự án quan trọng cần hoàn thành trong giai đoạn 2025 - 2026).

VDSC nhận định, nhu cầu tại các thị trường xuất khẩu sẽ tiếp tục hồi phục trong năm 2025, song với các hoạt động điều tra với các sản phẩm thép từ Việt Nam, sản lượng xuất khẩu khó có thể duy trì ở mức cao như trong 2024. Trong kịch bản cơ sở, sản lượng tôn mạ tiêu thụ dự kiến đạt 5,2 triệu tấn (tương đương 2024, với sản lượng xuất khẩu dự kiến giảm 5% theo năm), trong đó tỷ trọng xuất khẩu đạt 52% (so với mức 56% trong 2024).

Thành Luân

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/sau-thoi-gian-kho-khan-nganh-thep-nhan-nhieu-tin-hieu-tich-cuc.html