Sau thượng đỉnh tại Geneva, Nga - Mỹ ra tuyên bố chung về ổn định chiến lược
Mỹ và Nga đã ra tuyên bố chung về ổn định chiến lược sau cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên giữa Tổng thống Joe Biden và Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Geneva (Thụy Sĩ) ngày 16/6.
Phát biểu tại cuộc họp báo riêng sau khi kết thúc hội nghị thượng đỉnh Nga - Mỹ tại Geneva hôm 16/6, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã công bố thỏa thuận đạt được giữa ông và Tổng thống Mỹ Joe Biden nhằm tổ chức các cuộc tham vấn giữa bộ Ngoại giao hai nước về ổn định chiến lược và kiểm soát vũ khí.
“Chúng tôi nhất trí sẽ tổ chức các cuộc tham vấn về ổn định chiến lược và kiểm soát vũ khí ở cấp liên cơ quan dưới sự bảo trợ của Bộ Ngoại giao Mỹ và Bộ Ngoại giao Nga. Các quan chức hai bộ này sẽ lên kế hoạch tổ chức các cuộc tham vấn của các phái đoàn, lựa chọn địa điểm làm việc và tần suất tổ chức thảo luận về các vấn đề này", Tổng thống Putin cho biết tại cuộc họp báo về kết quả hội nghị thượng đỉnh Nga - Mỹ hôm 16/6.
“Mỹ và Nga sẽ “cùng nhau tham gia Đối thoại ổn định chiến lược song phương tích hợp trong tương lai gần. Hai nước tìm cách xây dựng cơ sở cho các biện pháp kiểm soát vũ khí hạt nhân và giảm thiểu rủi ro trong tương lai”, theo tuyên bố chung giữa Tổng thống Nga và Mỹ được đăng trên trang Twitter của Bộ Ngoại giao Nga.
Tuyên bố chung nêu rõ, ngay cả trong những thời điểm căng thẳng, Mỹ và Nga có thể đạt tiến triển trong các mục tiêu chung nhằm đảm bảo tính có thể dự đoán trong lĩnh vực chiến lược, giảm rủi ro xung đột vũ trang và mối đe dọa chiến tranh hạt nhân.
Hai nhà lãnh đạo Nga và Mỹ tái khẳng định quy tắc rằng sẽ không ai chiến thắng trong một cuộc chiến tranh hạt nhân và điều này không thể xảy ra.
New START hiện là hiệp ước kiểm soát vũ khí duy nhất đang được Washington và Moscow thực hiện. Cựu Tổng thống Donald Trump đã rút khỏi hiệp ước Lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF). Tương tự như hiệp ước INF, New START giới hạn kho vũ khí hạt nhân của Washington và Moscow.
Phát biểu tại cuộc họp báo sau hội nghị thượng đỉnh Nga - Mỹ, Tổng thống Putin cho biết, ông nhận thấy một “thoáng hy vọng” về sự tin tưởng lẫn nhau với Mỹ, song nhấn mạnh những động thái của Washington nhằm rút khỏi các hiệp định kiểm soát vũ khí cho thấy tình trạng không thể đoán định của hy vọng này.
Tổng thống Putin cũng mô tả người đồng cấp Mỹ Joe Biden là một đối tác xây dựng và giàu kinh nghiệm. Hai nhà lãnh đạo đã nói “cùng một ngôn ngữ” tại cuộc hội đàm mang tính thực chất và thành công. Tuy nhiên, ông Putin cho rằng khó có thể khẳng định về khả năng cải thiện quan hệ song phương.
Về phần mình, phát biểu tại cuộc họp báo riêng, Tổng thống Biden nói rằng các cuộc đàm phán với người đồng cấp Nga Putin diễn ra "tốt đẹp và tích cực".
Người đứng đầu Nhà Trắng cho biết ông cũng thảo luận về vấn đề an ninh trong cuộc gặp với ông Puin. “Hai nhà lãnh đạo Nga và Mỹ đã trao đổi cụ thể về vấn đề an ninh mạng, bao gồm một khuôn khổ cho sự hiểu biết chung rằng hai bên cần phải ngăn chặn các cuộc tấn công nhằm vào các mục tiêu nhất định, chẳng hạn như cơ sở hạ tầng quan trọng.
“Tôi đã chuyến cho phía Nga một danh sách 16 thực thể cụ thể được xác định là cơ sở hạ tầng quan trọng theo chính sách của Mỹ, từ lĩnh vực năng lượng đến hệ thống nước” - Tổng thống Biden cho biết tại cuộc họp báo.
Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Nga được giới phân tích nhận định sẽ là cuộc chạm trán gay gắt giữa hai nguyên thủ cường quốc về nhiều vấn đề bất đồng như gián điệp, tấn công mạng, nhân quyền, các mối quan hệ quốc tế liên quan đến vấn đề Ukraine, Belarus, Syria,…
Ngay trước thềm cuộc gặp người đồng cấp Mỹ Joe Biden, Tổng thống Putin cho biết, quan hệ giữa hai nước đang ở điểm thấp nhất trong vài năm trở lại đây.
Các quan chức ở Moscow và Washington cũng không đặt kỳ vọng đạt đột phá tại hội nghị thượng đỉnh lần này. Ngoài ra, các trợ lý của cả Tổng thống Nga và Mỹ cho rằng hai nhà lãnh đạo khó có khả năng đạt được bất kỳ thỏa thuận nào ở Geneva.
Thay vì tìm kiếm những kết quả cụ thể, Mỹ xem hội nghị thượng đỉnh với Nga là cơ hội để xây dựng mối quan hệ ổn định hơn và dễ đoán hơn giữa hai cường quốc hạt nhân thế giới.
Tom Block - chiến lược gia chính sách của Fundstrat, cho biết: “Cả hai nhà lãnh đạo Nga và Mỹ đều thể hiện sự tôn trọng lẫn nhau và việc đưa đại sứ quay trở lại các đại sứ quán của mỗi nước có thế là một kế hoạch được sắp xếp từ trước và có tầm nhìn tốt” - ông Block cho hay.