Sau tiệc cuối năm, nhiều người cầm phiếu phạt cồn về nhà

Nhiều người vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông không khỏi ngậm ngùi khi bị tạm giữ phương tiện, bị phạt hàng triệu đồng dịp cận Tết Quý Mão. Đáng nói, nhiều trường hợp chung một lý do 'tiệc tất niên cuối năm'.

Gần 22h đêm 13/1, ông V.V.H. (SN 1962, trú tại Thành Công, Ba Đình) đang thong dong điều khiển ô tô để trở về nhà. Ông H. vốn tưởng rằng hành trình của mình sẽ rất dễ dàng nhưng tâm trạng bắt đầu lo lắng khi vừa đến phố Tôn Đức Thắng (quận Đống Đa, Hà Nội) thì bị lực lượng Cảnh sát 141 làm nhiệm vụ dừng phương tiện kiểm tra nồng độ cồn bởi trước đó ông đã tham gia nhiệt tình một bữa tiệc tất niên với bạn bè.

Sau khi được yêu cầu, ông H. thực hiện theo hướng dẫn của CSGT, thổi một hơi dài vào máy đo nồng độ cồn. Tiếng tít tít kêu lên, máy đo cho kết quả 0,755 mg/L khí thở (cao gấp 1,9 lần mức vi phạm cao nhất về nồng độ cồn). Số liệu đo được cho thấy trước đó, ông H. đã uống không ít rượu bia.

Với mức vi phạm trên, ông H. bị tạm giữ phương tiện 7 ngày, xử phạt 35 triệu đồng và tước giấy phép lái xe 23 tháng. Tiếng thở dài kèm theo gương mặt buồn bã của người đàn ông hiện rõ dưới ánh đèn đêm.

Cảnh sát niêm phong, tạm giữ phương tiện.

Cảnh sát niêm phong, tạm giữ phương tiện.

Một trường hợp kịch khung khác là tài xế L.X.T. (SN 1984, trú tại Trung Liệt, Đống Đa) bị Cảnh sát dừng kiểm tra khi đang điều khiển xe máy BKS: 29-S844XX. Kết quả kiểm tra nồng độ cồn của anh T. thậm chí còn vượt qua ông H. khi lên tới mức 0,982 mg/L khí thở. Ngoài ra, anh T. cũng không có giấy phép lái xe và không có đăng ký xe.

Tổng hợp mức phạt đối với anh T. lên tới gần 10 triệu đồng, tạm giữ xe máy đến 7 ngày.

Sau khi được hướng dẫn từ Cảnh sát về cách thức, thời gian, địa điểm nộp phạt, anh T. đành lủi thủi bắt xe về nhà trong buồn bã.

Cảnh sát đo nồng độ cồn một tài xế ô tô.

Cảnh sát đo nồng độ cồn một tài xế ô tô.

Hai người vi phạm trên chỉ là một vài trường hợp trong số rất nhiều trường hợp vi phạm nồng độ cồn dịp cuối năm trước khi bước vào kỳ nghỉ Tết Quý Mão 2023. Đáng chú ý, rất nhiều trường hợp khi vi phạm nồng độ cồn đều cùng chung lý do “tiệc tất niên cuối năm nên khó từ chối”. Nhiều trường hợp khác cho biết, “quán nhậu ở gần nhà” nên làm một vài ly với bạn bè dịp cuối năm.

Lực lượng chức năng ngăn 1 làn đường để phục vụ kiểm soát nồng độ cồn

Lực lượng chức năng ngăn 1 làn đường để phục vụ kiểm soát nồng độ cồn

Trao đổi với PV, Trung tá Nguyễn Tuấn Anh (Tổ trưởng Tổ công tác Y4/141, Công an TP Hà Nội) cho biết, trong suốt thời gian qua, lực lượng CSGT cả nước đã làm rất mạnh tay đối với vi phạm nồng độ cồn, hiệu quả là thấy rõ khi nhiều người điều khiển ô tô cũng như xe máy đã “rén” hơn trước rất nhiều, không còn dám lái xe sau khi dùng bia rượu. Tuy nhiên, thời điểm cuối năm nhiều cuộc liên hoan, tiệc tất niên kéo theo “ma men” xuất hiện nhiều trên đường phố. Khi bị Cảnh sát xử phạt, họ luôn tìm cách can thiệp để bỏ qua vi phạm hoặc không chấp hành kiểm tra.

Theo Phòng CSGT Hà Nội, trong cao điểm xử lý vi phạm nồng độ cồn (từ 15/12/2022 -10/1/2023) đã xử lý 4.380 trường hợp, bằng gần 26% cả năm 2022.

Còn theo Cục CSGT, chỉ trong hơn 3 tuần (từ 15/12/2022- 9/1/2023) CSGT toàn quốc đã lập biên bản vi phạm nồng độ cồn đối với 71,7 nghìn trường hợp, bằng 24% cả năm 2022.

B.Châu

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/giao-thong/sau-tiec-cuoi-nam-nhieu-nguoi-cam-phieu-phat-con-ve-nha-i680991/