Sau tiêm vaccine phòng Covid-19 bao lâu được hiến máu?
TS. BS Bạch Quốc Khánh cho biết, hiện nay có 9 loại vaccine phòng Covid-19, mỗi loại có thời gian khác nhau để tham gia hiến máu.
Chiều 10/1, tại Hà Nội đã diễn ra cuộc họp báo Chương trình hiến máu Chủ nhật Đỏ lần thứ XIV. Chương trình do Báo Tiền Phong chủ trì, phối hợp với Ủy ban ATGT Quốc gia, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, Ban Chỉ đạo Vận động hiến máu tình nguyện và Đoàn TNCS Hồ Chí Minh các tỉnh/thành phố tổ chức định kỳ trong suốt 13 năm qua.
Theo đó, chương trình sẽ chính thức khai mạc vào ngày 16/1 tại Học viện cảnh sát Nhân dân.
>
Sẽ tổ chức thêm nhiều điểm hiến máu có quy mô nhỏ
Nhà báo Lê Xuân Sơn, Tổng biên tập báo Tiền Phong, Trưởng Ban tổ chức chia sẻ: “Năm 2022 sẽ khó khăn hơn rất nhiều do tình hình dịch bệnh phức tạp nhưng chương trình Chủ nhật Đỏ vì người bệnh vẫn diễn ra, tuy nhiên sẽ phải thay đổi cách thức tổ chức, nhanh hơn, linh hoạt hơn.
Thay vì tổ chức các sự kiện hiến máu tình nguyện lớn, đông người tập trung, sẽ tổ chức thêm nhiều điểm hiến máu có quy mô nhỏ hơn, hướng đến tổng kết quả cuối cùng tương đương các năm trước và phấn đấu vượt nếu có cơ hội”.
Chủ nhật Đỏ năm nay nhận được sự quan tâm của các bộ, ban, ngành, đặc biệt sự vào cuộc của hơn 40 tỉnh/thành phố, dự kiến tiếp nhận 45.000 - 50.000 đơn vị máu.
Dù chưa chính thức khai mạc, nhưng từ tháng 11 năm 2021 đến nay, các điểm hiến máu của Chủ nhật Đỏ tại 14 địa phương đã tiếp nhận gần 9.000 đơn vị máu.
Bệnh nhân Covid-19 đã khỏi bệnh chưa nên hiến máu
Trả lời câu hỏi "Sau tiêm vaccine bao lâu được hiến máu?", TS. BS Bạch Quốc Khánh cho biết: Hiện nay có 9 loại vaccine phòng Covid-19, mỗi loại có thời gian khác nhau để tham gia hiến máu.
Có loại vaccine sản xuất theo phương pháp truyền thống "bất hoạt" (sử dụng virus có vật chất di truyền đã bị phá hủy) thì sau tiêm một tháng mới có thể tham gia hiến máu.
Các loại vaccine sản xuất bằng các phương pháp mới thì chỉ 1 - 2 tuần có thể tham gia hiến máu. Tuy nhiên, quan trọng nhất là thời điểm đi hiến máu, người hiến máu không có tác dụng phụ nào từ việc tiêm vaccine phòng Covid-19.
Còn với bệnh nhân Covid-19 đã khỏi bệnh, chưa nên hiến máu mà ưu tiên nghỉ ngơi lấy sức. Có thể 3 - 6 tháng sau khỏi bệnh có thể tham gia hiến máu.
Việc đảm bảo an toàn, phòng chống dịch bệnh trong Chủ nhật Đỏ cũng được đảm bảo, ông Lê Xuân Sơn cho biết: "Yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19 trong sự kiện được đặt lên hàng đầu.
Vì thế chúng tôi đã phải giảm quy mô sự kiện, chia nhỏ sự kiện. Đồng thời, thực hiện nghiêm quy tắc 5K của Bộ Y tế. Ưu tiên tổ chức tại những địa phương, địa điểm có nguy cơ lây lan thấp.
Trước mỗi buổi hiến máu đều có đội ngũ test nhanh để đảm bảo an toàn và không lây lan dịch bệnh. Bên cạnh đó chúng tôi cũng phân chi tiết số người đến theo các khung giờ khác nhau để trong bất cứ thời điểm nào tại 1 địa điểm cũng không quá 30 người".
Chủ nhật Đỏ năm 2022 dự kiến tiếp nhận 45.000 - 50.000 đơn vị máu
Chia sẻ về nguy cơ thiếu máu dịp Tết và ý nghĩa của chương trình Chủ Nhật Đỏ, TS. BS. Bạch Quốc Khánh, Viện trưởng Viện Huyết học Truyền máu Trung ương cho biết: "Trung bình mỗi tháng bệnh viện tiếp nhận 30.000 đơn vị máu. Với số lượng đấy mới cung cấp đủ cho người bệnh.
Tuy nhiên, trong khoảng thời gian gần Tết Nguyên đán, bệnh viện thường chỉ tiếp nhận 25.000 đến 28.000 đơn vị máu. Tình trạng này kéo dài trong 2-3 tháng. Như vậy sẽ thiếu khoảng 15.000 đơn vị máu.
Trong tình hình dịch bệnh chúng tôi cần chủ động hơn trong các kế hoạch vận động hiến máu để đảm bảo đủ máu cho bệnh nhân. Chủ Nhật Đỏ là một sự chủ động để đảm bảo đủ máu cho bệnh nhân.
Chương trình được tổ chức chủ động trước dịp Tết để đề phòng tình trạng thiếu máu. Việc này rất cần thiết bởi trong tình hình dịch bệnh như này, các chương trình hiến máu của các bệnh viện, các địa phương có thể hoãn bất cứ khi nào bùng dịch.
Với sự nỗ lực tích cực vận động hiến máu khắp các địa phương, tổ chức các Chương trình Chủ Nhật Đỏ giúp chúng tôi đảm bảo lượng máu cần thiết đến tháng 2".