Sau tiêm vaccine phòng Covid-19 vẫn cần thực hiện biện pháp 5K
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho phép vaccine phòng Covid-19 có hiệu quả hơn 50% được thông qua quy trình khẩn cấp để sử dụng cho chống dịch, tức là số phần trăm còn lại vẫn có thể nhiễm virus SARS-CoV-2, nhưng sẽ hạn chế được tỷ lệ người mắc bệnh nặng hoặc nhập viện nếu không may bị nhiễm.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho phép vaccine phòng Covid-19 có hiệu quả hơn 50% được thông qua quy trình khẩn cấp để sử dụng cho chống dịch, tức là số phần trăm còn lại vẫn có thể nhiễm virus SARS-CoV-2, nhưng sẽ hạn chế được tỷ lệ người mắc bệnh nặng hoặc nhập viện nếu không may bị nhiễm.
Thứ trưởng Y tế Trương Quốc Cường cho biết, hiệu quả của vaccine phòng Covid-19 đã được thế giới công nhận. Tuy nhiên, không một loại vaccine nào đạt hiệu quả 100%.
“Vẫn có nguy cơ sau tiêm vaccine, người tiêm vẫn có thể bị nhiễm virus SARS-CoV-2. Tuy nhiên, nếu tiêm vaccine rồi mà mắc Covid-19 thì bệnh sẽ nhẹ đi rất nhiều”, ông Cường nói.
TS, BS Phạm Quang Thái, Trưởng văn phòng Tiêm chủng mở rộng Khu vực miền bắc, Khoa Kiểm soát Bệnh truyền nhiễm, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cũng nhấn mạnh, việc tiêm vaccine chính là bảo vệ người được tiêm khỏi mắc thể nặng và phải nhập viện. Cho đến thời điểm này, vaccine được sử dụng tại Việt Nam đã được chứng minh trên thực địa khi chưa có trường hợp tiêm đủ hai mũi nào bị bệnh nặng hay tử vong.
Hiện nay, vẫn còn tâm lý e ngại những phản ứng phụ sau tiêm vaccine. Đặc biệt, sau sự việc nhân viên y tế tại BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương vẫn nhiễm Covid-19 sau tiêm vaccine mũi đầu tiên.
Chia sẻ về điều này, BS Thái cho biết, sau khi tiêm mũi 1, hiệu quả phòng các thể của Covid-19 đạt mức 50-70% và hiệu quả này vẫn giữ ở mức như vậy chứ không giảm ngay trong vòng ba tháng sau tiêm liều 1.
Ở liều thứ 2, với nhiều khoảng cách tiêm khác nhau được ghi nhận đã cho thấy thời điểm tiêm tối ưu nhất ở khoảng cách 3 tháng sau mũi thứ nhất, và ở khoảng cách tiêm này, hiệu quả bảo vệ lên tới trên 80%.
TS, BS Phạm Quang Thái, Trưởng văn phòng Tiêm chủng mở rộng Khu vực miền bắc, Khoa Kiểm soát Bệnh truyền nhiễm, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương.
"Thực tế tiêm chủng nhiều năm qua ở Việt Nam cũng như thế giới, đã cho thấy rất nhiều trường hợp được ghi nhận bị nhiễm virus sau khi tiêm vaccine, nhất là khi mới chỉ tiêm một mũi vaccine. Do không thể bảo đảm phòng nhiễm virrus 100%, người được tiêm vẫn có thể nhiễm và là nguồn lây cho những người khác", TS Thái cho hay.
Vì thế, TS Thái nhấn mạnh, sau khi tiêm vaccine, kể cả mũi 1 hay đủ hai mũi, người được tiêm vẫn phải thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm. Với Covid-19 hiện nay, đó là các biện pháp 5K của Bộ Y tế (đeo khẩu trang, thực hiện khử khuẩn, giữ khoảng cách, không tập trung đông người, khai báo y tế).
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh, việc tiêm chủng phải đạt trên 70% dân số để có miễn dịch cộng đồng, ngăn chặn dịch bệnh. Tuy nhiên, hiện nay số lượng tiêm chủng ở Việt Nam hiện nay còn rất ít, chưa đạt miễn dịch, vì vậy mọi người vẫn cần tiếp tục tuân thủ các biện pháp phòng dịch được Bộ Y tế khuyến cáo.
Theo TS Takeshi Kasai, Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới khu vực Tây Thái Bình Dương, cho dù số người được tiêm phòng Covid-19 tăng lên, các quốc gia cũng không được lơ là, mất cảnh giác. Không quốc gia nào an toàn cho tới khi mọi quốc gia được an toàn. Cho tới khi phần lớn dân số của mọi quốc gia được tiêm chủng thì mọi người vẫn phải áp dụng hoặc sẵn sàng áp dụng các biện pháp hiệu quả nhằm làm chậm hoặc ngăn chặn sự lây lan của Covid-19. Việt Nam cần tiếp tục thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch như đã thực hiện hơn một năm nay.
Tính đến hết ngày 5-5-2021, Việt Nam đã thực hiện tiêm vaccine phòng Covid-19 đợt 1 và 2 cho 675.956 người tại các tỉnh, thành phố. Theo ghi nhận đến nay có 16% phản ứng thông thường sau tiêm như đau tại chỗ, sốt nhẹ… và triệu chứng này hết sau 24 giờ. Tỷ lệ này thấp so với các nước trên thế giới trong bối cảnh thế giới đã tiêm trên 250 triệu liều vaccine AstraZenaca góp phần bảo vệ hàng triệu trường hợp khỏi mắc bệnh nặng hay nhập viện.
Thứ trưởng Y tế Trương Quốc Cường nhấn mạnh, tiêm vaccine là biện pháp phòng, chống dịch cho bản thân, cho gia đình và cộng đồng. Tuy nhiên, khi vaccine đã được tiêm chủng đại trà thì chúng ta vẫn phải duy trì tuân thủ các biện pháp phòng ngừa hiệu quả khác như khuyến cáo 5K của Bộ Y tế nhằm ngăn chặn sự lây truyền Covid-19. Phải kết hợp cả hai yếu tố như thế thì công tác phòng, chống dịch mới đạt hiệu quả.