Sau trận ngập lịch sử, nhiều vườn thanh long ở Bình Thuận chưa thể 'hồi sinh'
Mưa lớn xảy ra trên địa bàn huyện Hàm Thuận Nam ngày 28/8 đã gây ngập nhiều diện tích thanh long. Đến nay, người dân trồng thanh long tại khu vực ngập lụt vẫn chưa thể đầu tư phục hồi lại vườn thanh long.
Trở lại khu vực ngập lụt ở thôn Phú Sơn (xã Hàm Mỹ, huyện Hàm Thuận Nam) vào ngày 13/9, PV Người Đưa Tin không khỏi xót xa trước hàng nghìn trụ thanh long ở khu vực này bị hư hỏng. Bà con người dân nơi đây bất lực, vì công sức bỏ ra để trồng thanh long trôi theo dòng nước lũ.
Chưa thấy trận ngập nào nặng nề đến vậy
Chia sẻ với PV Người Đưa Tin vào ngày 13/9, anh Lê Văn Thiện (ngụ thôn Phú Sơn, xã Hàm Mỹ) buồn bã chia sẻ, anh sống đã hơn 30 năm nay nhưng chưa từng thấy ngập lụt nặng nề đến vậy.
Vườn thanh long nhà anh khoảng 200 trụ. Ngoài chạy điện thanh long, thì còn phải bón phân xịt thuốc, công người làm cho tới khi thanh long chín. Trước khi ngập lụt vườn thanh long nhà anh chỉ còn 3 ngày nữa là thu hoạch, giờ bị hư hại hết.
Công tác khắc phục hiện nay ở vườn thanh long anh Thiện như: cào gốc, xịt thuốc, bón phân, làm rơm, làm lại phải mất hết vài tháng.
Tuy nhiên, hiện nay anh Thiện không dám đầu tư lại vườn thanh long của nhà mình, vì hệ thống nước thoát lũ không ổn sẽ tiếp tục gây ngập lụt khi mưa lớn.
Cũng theo anh Thiện, sau khi ngập úng gây thiệt hại vườn thanh long, chính quyền xã Hàm Mỹ chưa đến kiểm đếm hay ghi nhận về thiệt hại của gia đình anh.
Bà Lữ Thị Hai (ngụ thôn Phú Sơn, xã Hàm Mỹ) cho biết: "Khi nước ngập vào vườn thanh long, nhà tôi có 900 trụ, trái đang chín chuẩn bị thu hoạch. Bây giờ đầu tư lại thì mất thời gian dữ lắm, rễ thanh long ngập sâu nên thiệt hại rất nhiều. Hiện, gia đình cũng chưa đủ kinh phí để đầu tư lại. Mong các ngành chức năng hỗ trợ phần nào cho bà con người dân, để phục hồi lại cây thanh long".
Ông Võ Thanh Minh (ngụ thôn Phú Sơn, xã Hàm Mỹ) chia sẻ: "Nhà tôi có 2.000 trụ thanh long nhưng chỉ chong đèn 1.200 trụ. Sau trận lũ đã ngập nửa số trụ thanh long, thiệt hại khoảng 70 triệu. Hiện, tôi cũng chưa dám đầu tư trồng lại thanh long, vì đang mưa bão như thế này, việc ngập lụt nhiều khả năng sẽ lại xảy ra".
Trao đổi với PV chiều 13/9, ông Nguyễn Ngọc Nguyện, Phó Chủ tịch UBND xã Hàm Mỹ thông tin: Hiện, nhiều hộ dân trồng thanh long tại xã còn e ngại việc phục hồi vườn thanh long sau ngập. UBND xã đã tiến hành thống kê thiệt hại của các hộ dân.
Đối với những hộ dân chưa được kiểm đếm về thiệt hại, xã sẽ nắm lại danh sách và xác minh để kiểm đếm thiệt hại cho người dân.
Còn về vấn đề hỗ trợ thiệt hại cho người dân, xã sẽ tham mưu huyện trình tỉnh có phương án hỗ trợ người dân.
Khắc phục ngập lụt ở xã Hàm Mỹ
Ngày 12/9, ông Mai Kiều, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Bình Thuận vừa ký Văn bản số 2871/SNN-CCTL báo cáo xác định nguyên nhân, đề xuất biện pháp khắc phục ngập lụt tại xã Hàm Mỹ.
Sở NN&PTNT tỉnh Bình Thuận cho rằng, trong thời gian từ ngày 24/8 đến ngày 28/8 xảy ra mưa rất to trên lưu vực sông Cát và các lưu vực lân cận thuộc huyện Hàm Thuận Nam
Do mưa to liên tục trong nhiều ngày, nước lũ từ các nơi dồn về nhiều, đây là nguyên nhân chính gây lũ, ngập sâu trên lưu vực sông Cát.
Qua kiểm tra thực tế và báo cáo của Ban Quản lý công trình giao thông, tại vị trí công trình cầu Máng qua sông Cát trên tuyến đường ĐT719B, khẩu độ đáy cầu Máng rộng 31m, nhưng lòng sông Cát tại vị trí thượng - hạ lưu rất hẹp, gấp khúc.
Phía thượng lưu ngay sát trụ cầu bên Hữu, có mô đất lấn ra sông, ảnh hưởng lớn đến hướng dòng chảy và khả năng thoát lũ.
Kiểm tra dọc tuyến sông Cát xuất hiện tình trạng bồi lấp lòng sông, một số vị trí người dân đổ đất lấn chiếm lòng sông. Đồng thời, có rất nhiều cây cối (nhiều cây lớn), bụi rậm mọc lấn dòng chảy dọc ven sông. Đây cũng là nguyên nhân gây ảnh hưởng trực tiếp đến dòng chảy và tiêu thoát lũ của sông Cát khi có mưa lớn.
Qua xác định một số nguyên nhân chính, Sở NN&PTNT đề xuất một số giải pháp khắc phục tình trạng ngập lụt tại xã Hàm Mỹ.
Cụ thể, Ban quản lý Dự án công trình giao thông tỉnh phối hợp với đơn vị thi công tuyến đường ĐT719B, cùng địa phương tiến hành phát dọn, nạo vét lòng sông tại khu vực đáy cầu Máng; phía trước thượng và sau hạ lưu từ vị trí cầu Máng qua sông Cát trở ra khoảng từ 50m đến 100m, nhằm tăng khả năng thoát lũ nhanh, tránh tình trạng nước lũ dồn về cầu Máng chờ tiêu thoát như vừa qua.
Đồng thời, kiểm tra khẩu độ, tìm giải pháp xử lý kênh thoát nước dọc ven tuyến đường ĐT719B, từ khu vực cống qua đường tại Km0+258 hướng ra phía cầu Máng (độ rộng, sâu, độ dốc) thuận lợi hơn theo kiến nghị của địa phương.
Về giải pháp lâu dài, Sở NN&PTNT tỉnh Bình Thuận đề nghị UBND tỉnh giao đơn vị có đủ chức năng, năng lực tiến hành triển khai khảo sát lập hồ sơ đề xuất dự án đầu tư, đưa vào đầu tư công giai đoạn 2026 - 2030 để tiến hành nạo vét, chỉnh trị và mở rộng dòng chảy toàn bộ tuyến sông Cát từ khu vực thượng lưu cầu Máng qua đường ĐT 719B, xã Hàm Mỹ tới vị trí nhập lưu sông Cà Ty thuộc xã Tiến Lợi (Tp.Phan Thiết).
Dự án nhằm tăng khả năng thoát lũ nhanh, giải quyết tình trạng ngập lụt toàn lưu vực sông Cát khi có mưa lớn trong những năm sau.
Như Người Đưa Tin đã đưa, vào khoảng 6h ngày 28/8, trên địa bàn xã Hàm Mỹ (huyện Hàm Thuận Nam) xảy ra mưa lớn kèm theo điều tiết nước của hồ Đu Đủ gây ngập lụt trên địa bàn của xã, nhưng chủ yếu tập trung ở Phú Sơn và Phú Khánh. Trong đó, thiệt hại về diện tích thanh long và hoa màu ngập khoảng 400ha.