Sau túi mù là... túi rác
Cách đây không lâu, một hội sách tại TPHCM triển khai chương trình 'sách túi mù'. Cũng giống như các loại túi mù khác, 'sách túi mù' được bọc kỹ bằng túi ni lông màu, người mua sẽ không biết được bên trong có sách gì.
Tuy nhiên, trên mỗi túi mù cũng được dán một nhãn dán gợi ý tiết lộ tác giả, thể loại những cuốn sách bên trong. Tuy nhiên, trong vô số bình luận bàn bạc về câu chuyện “may rủi” khi khui sách, còn đó những nỗi lo về việc... xả rác.
“Trend của mấy bạn yêu quý bảo vệ môi trường quá”, “Nhìn đống ni lông mắc ớn lạnh”, “Góp phần ô nhiễm môi trường với túi ni lông tràn lan”... là một số bình luận được người dùng mạng xã hội để lại. Xé “sách túi mù” không phải lần đầu tiên xuất hiện, nhưng thời gian gần đây được nhiều đơn vị áp dụng, như một sự bắt trend (trào lưu) kịp thời.
Những chiếc túi ni lông được bọc kín mít, kèm theo lời nhắc nhở “vui lòng không xé túi” bên trong đựng vài cuốn sách. Điều này đánh trúng tâm lý tò mò, thích trải nghiệm của giới trẻ và mang đến cảm giác hồi hộp. Và hiển nhiên, nếu may mắn chọn được những cuốn sách mình yêu thích, ai cũng hỉ hả; ngược lại, không ít người nhận về sự thất vọng.
Trong xu hướng này, điều gây lo lắng trước nhất chính là sự lãng phí. Vì nhiều sản phẩm, thậm chí những cuốn sách không ưng ý, liệu những người mua có “cố” đọc nó, hay sẽ giải quyết như thế nào. Và điều đáng quan ngại nhất là hầu hết bao bì của các sản phẩm túi mù là nhựa, gây ô nhiễm môi trường.
Thậm chí, với những người xé túi mù hàng bị boom (đặt hàng nhưng không nhận), trong một túi lớn còn có vô số túi nhỏ, đồng nghĩa lượng túi ni lông sẽ tăng lên chóng mặt. Trên thực tế, không phải đơn vị bán hàng nào cũng sử dụng túi ni lông tự phân hủy nên chuyện ô nhiễm môi trường càng đáng báo động.
Có ý kiến cho rằng, như trong trend “sách túi mù” hoàn toàn có thể chuyển sang bao bì giấy, vừa đẹp mắt, vừa gần gũi, lại không tạo ra rác thải nhựa khó phân hủy. Đây có thể được xem là một giải pháp. Bởi trên thực tế với tình trạng quá tải rác thải nhựa như hiện nay, mỗi hành động dù nhỏ cũng sẽ góp phần quan trọng trong việc giảm thải ô nhiễm.
Hiện nay, một số đơn vị bán hàng đã áp dụng việc tính thêm tiền trên mỗi chiếc túi ni lông khi khách mua hàng, hoặc có các chính sách khuyến mại, giảm giá nếu khách mua mang theo bình đựng nước, túi đựng đồ khi mua hàng. Bớt một chiếc túi ni lông sẽ không gây ra sự bất tiện nào, ngược lại sẽ có những đóng góp lớn nếu hành động này được nhân lên bởi hàng ngàn, thậm chí hàng triệu người.
Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/sau-tui-mu-la-tui-rac-post775214.html