Sau vụ ám sát hụt, cục diện bầu cử Mỹ thay đổi như thế nào?

Những phát súng hôm 13/7 vừa qua tại sự kiện vận động cử tri của ông Donald Trump có thể làm thay đổi cục diện của cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, khiến một cuộc chạy đua vốn có nhiều điểm hiếm gặp lại trở nên bất ổn hơn nữa, theo giới chuyên gia.

Ông Trump đưa tay lên cao khẳng định bản thân vẫn ổn sau vụ ám sát. Ảnh mạng xã hội X của ông Donald Trump.

Ông Trump đưa tay lên cao khẳng định bản thân vẫn ổn sau vụ ám sát. Ảnh mạng xã hội X của ông Donald Trump.

Sau vụ ám sát hụt cựu Tổng thống Mỹ tại Butler, bang Pennsylvania, dù động cơ thực sự của thủ phạm vẫn chưa được tìm ra, liên tiếp các chi tiết mới đã xuất hiện cũng như những dấu hiệu ban đầu về việc hành động bạo lực sẽ ảnh hưởng thế nào đến các diễn ngôn chính trị, chiến dịch tranh cử và thái độ của cử tri Mỹ trước cuộc bầu cử ngày 8/11 tới.

Rina Shah, một chiến lược gia chính trị người Mỹ cho rằng, ngay sau vụ tấn công, "dù thế nào đi chăng nữa, mọi thứ đều thay đổi kể từ đây”. Điều này sẽ được thể hiện đặc biệt tại Đại hội toàn quốc của đảng Cộng hòa (RNC) ở Milwaukee, Wisconsin, nơi các đảng viên Cộng hòa tập hợp từ ngày 15/7 và bắt đầu quá trình chính thức đề cử ông Trump làm ứng cử viên của họ.

Sự kiện RNC bắt đầu chỉ hai ngày sau khi kẻ xả súng, được xác định là Thomas Matthew Crooks, 20 tuổi, bắn vào khu vực ông Trump đang vận động cử tri từ một mái nhà gần đó, bên ngoài khu vực an ninh của Sở Mật vụ.

Một viên đạn sượt qua tai phải của ông Trump, gây hoảng loạn cho đám đông những người có mặt. Ít nhất một người thiệt mạng và hai người khác bị thương.

Trên thực tế, ông Trump là ứng viên Tổng thống hoặc Tổng thống thứ 13 của Mỹ bị ám sát và là một trong 8 người sống sót.

Đương kim Tổng thống Mỹ Joe Biden đã lên án vụ tấn công này và đích thân gọi điện cho đối thủ vào tối muộn 13/7. Trong thông điệp từ Nhà Trắng ngày 14/7, ông Biden kêu gọi hạ nhiệt chính trị và kêu gọi người dân tránh bạo lực. Ông Trump ngày 14/7 cũng lên tiếng kêu gọi mọi người đoàn kết.

Các chuyên gia chính trị cho rằng, các nhà lãnh đạo cần “tránh gia tăng căng thẳng” để ngăn chặn bạo lực hoặc các cuộc tấn công trả đũa.

Colin P Clarke, giám đốc nghiên cứu của Soufan Group, một công ty tư vấn an ninh nói rằng, bạo lực tại cuộc vận động cử tri là “hình ảnh thu nhỏ”, phản ánh phần nào tình hình nước Mỹ hiện tại.

Theo một phân tích được công bố năm ngoái bởi Rachel Kleinfeld, một thành viên cấp cao tại Quỹ Hòa bình quốc tế Carnegie, các nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng mặc dù người Mỹ ít bị phân cực về mặt ý thức hệ hơn những gì họ tự nhận thấy, nhưng họ ngày càng “phân cực về mặt cảm xúc”, nghĩa là họ “có ác cảm mạnh mẽ với các thành viên của đảng kia”, Al Jazeera đưa tin.

Một số nghiên cứu đã cho thấy sự gia tăng các mối đe dọa đối với các quan chức dân cử và những người nắm giữ chức vụ công trong những năm gần đây, tăng mạnh sau vụ tấn công vào Điện Capitol ngày 6/1/2021.

Trong khi đó, một cuộc khảo sát vào tháng 6 được thực hiện tại Đại học Chicago cho thấy, gần 7% số người được hỏi cho biết việc sử dụng vũ lực là chính đáng để khôi phục chức vụ Tổng thống cho ông Trump. 10% khác cho rằng, vũ lực là hợp lý để “ngăn cản ông Trump trở thành Tổng thống”.

Nhà phân tích an ninh Clarke nói thêm rằng, bạo lực tại cuộc vận động cử tri của ông Trump “có thể gây chia rẽ”, đồng thời dự đoán một “mùa chính trị rất bất ổn”.

Trong khi chờ đợi xem liệu vụ nổ súng có thực sự châm ngòi hay xoa dịu sự phân cực chính trị ở Mỹ hay không, hầu hết các nhà phân tích đều đồng ý rằng, ông Trump có thể sẽ nhận được sự ủng hộ lớn hơn sau vụ tấn công, theo Reuters.

James Davis, một chiến lược gia của đảng Cộng hòa nói: “Cảnh mang tính biểu tượng về ông Trump đứng giơ nắm đấm lên trời, máu chảy xuống một bên đầu và lá cờ che phủ hoàn hảo trên người ông ấy thực sự mang câu chuyện của nó. Sau vụ việc này, ông ấy sẽ được nhìn nhận với sự cảm thông”.

Ngay cả một sự tăng nhẹ trong ủng hộ cũng có thể tạo ra sự khác biệt trong cuộc đua vào Nhà Trắng. Cả hai ông Trump và Biden đều hy vọng giành được sự ủng hộ của một nhóm nhỏ cử tri chưa quyết định ở một số bang chiến trường quan trọng, đồng thời loại bỏ những cử tri thường không đi bỏ phiếu.

Ông Trump gần như đã vượt qua được bản án lịch sử hồi tháng 5 về các cáo buộc liên quan đến các khoản tiền bịt miệng cho một ngôi sao phim người lớn. Trong khi đó, ông Biden đang phải đối mặt với những lời kêu gọi ngày càng gia tăng từ chính đảng của mình yêu cầu từ chức do lo ngại về tuổi tác và sức khỏe.

Tuy nhiên, một cuộc thăm dò của Bloomberg/Morning Consult công bố vào tuần trước cho thấy ông Biden vẫn dẫn trước ông Trump một chút ở Michigan và Wisconsin; còn ông Trump nắm phần hơn ở Arizona, Georgia, Nevada và North Carolina.

Arshad Hasan, chiến lược gia của đảng Dân chủ cũng thừa nhận rằng, ông Trump có khả năng giành được thế thuận lợi sau vụ tấn công, đặc biệt khi chiến dịch tranh cử của ông Biden cho biết sẽ tạm dừng liên lạc và quảng cáo chỉ trích ông Trump trong 48 giờ như một động thái thể hiện sự tôn trọng.

Một chiến lược gia đảng Dân chủ khác, Brad Bannon, cũng đồng quan điểm này. Ông Bannon cho rằng: “Âm mưu ám sát tạo ra sự đồng cảm với ông Trump”.

Ông Hasan nói thêm rằng, phía đảng Dân chủ không chỉ nên tập trung vào việc kêu gọi nhân văn sau vụ tấn công mà còn nên tiếp tục đưa ra lời kêu gọi kiểm soát súng, điều mà ông Biden đã coi là trọng tâm trong nhiệm kỳ của mình.

Trước mắt, vụ tấn công có thể sẽ thúc đẩy sự xuất hiện của ông Trump ở Milwaukee trong tuần này tại Đại hội toàn quốc của đảng Cộng hòa khi ông dự kiến sẽ chính thức nhận đề cử là ứng cử viên Tổng thống của đảng.

Trong vòng vài giờ sau vụ nổ súng, đội ngũ tranh cử của ông Trump đã gửi tin nhắn kêu gọi cử tri đóng góp cho chiến dịch.

Các tỷ phú Elon Musk và Bill Ackman cũng nhanh chóng lên tiếng ủng hộ ông Trump. “Tôi hoàn toàn tán thành Tổng thống Trump và hy vọng ông ấy sẽ nhanh chóng hồi phục”, tỷ phú Elon Musk nói trên mạng xã hội X.

Duy Tiến

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/binh-luan-quoc-te/sau-vu-am-sat-hut-cuc-dien-bau-cu-my-thay-doi-nhu-the-nao--i737446/