Sau vụ cháy Công ty Rạng Đông: Phố cổ Hà Nội nơm nớp nỗi lo 'bom lửa'
Sau vụ cháy Công ty CP Bóng đèn phích nước Rạng Đông, người dân Thủ đô lo lắng về những công ty, nhà máy sản xuất và cơ sở kinh doanh hóa chất dễ cháy, nằm giữa các khu dân cư. Nhất là cư dân phố cổ với diện tích chật hẹp.
Hóa chất dễ bắt lửa quây kín nhà 10m2
Phố Hàng Hòm (thuộc phường Hàng Gai, quận Hoàn Kiếm) từ lâu được biết đến là con phố chuyên kinh doanh, buôn bán các mặt hàng hóa chất. Do đặc thù là phố cổ nên những căn hộ diện tích nhỏ ở đây được người dân tận dụng làm nơi tích trữ hàng hóa buôn bán, kết hợp ăn ở, sinh hoạt.
Theo quan sát của PV, từ đoạn giao cắt Hàng Hòm - Hàng Quạt kéo dài đến Hàng Hòm - Hàng Bông có hơn chục cửa hàng chuyên kinh doanh hóa chất. Mặt hàng chủ đạo ở đây là các loại sơn, vật liệu in ấn, dung môi… Xen kẽ các cửa hàng này là ngân hàng, cửa hàng kinh doanh thời trang, hàng ăn và hộ gia đình.
Cửa hàng kinh doanh hóa chất phục vụ in ấn số 36B Hàng Hòm, cửa hàng Quang Hoan số 40B và Ngọc Tuấn số 40A Hàng Hòm là ví dụ. Ở đây, có bán đầy đủ các mặt hàng phục vụ in ấn như mực in, sơn, nhựa, chất tẩy rửa… Mặc dù không gian kinh doanh chỉ khoảng từ 10 - 20m2 nhưng khu vực hai bên lối đi của các cửa hàng này lại được "ken đặc" bởi các vật liệu dễ bắt lửa, xen kẽ với các loại hóa chất dễ cháy. Các bậc thềm cũng được lấp kín bởi nhiều thùng carton chứa hóa chất chồng lên nhau. Phía trần nhà được tận dụng để treo các sản phẩm linh kiện đi kèm.
Ghi nhận của PV tại phố Hàng Hòm cho thấy, hoạt động giao thương hóa chất diễn ra khá tập nập. Ngay từ sớm, một chiếc xe tải chở hóa chất đã đỗ trước cửa số nhà 34 và 36 phố Hàng Hòm. Vài phút sau khi cánh cửa thùng xe được mở khóa, những thùng carton, can chứa hóa chất màu xanh, đỏ, vàng, tím lần lượt được khuân ra khỏi thùng xe. Ngoài ra, những thùng hóa chất bằng nhựa đặt lên yên xe máy cũng không cần phụ kiện hỗ trợ chở hàng.
Cửa hàng số 61B Hàng Quạt có diện tích mặt sàn khoảng 10m2, các lọ sơn, cuộn giấy dán tường, can hóa chất… được chủ cửa hàng chất cao từ bậc thềm lên đến trần nhà. Cầu thang có chiều ngang chừng 40cm cũng được tận dụng để chồng chất các lọ hóa chất. Lan can cầu thang được tận dụng để treo móc những dụng cụ phục vụ hoạt động sơn, pha hóa chất. Chủ cửa hàng cho biết, ở đây có bán các loại sơn, mực in, nhựa thông, dung môi pha sơn và cồn công nghiệp. Tuy nhiên, theo quan sát của PV thì không có bất cứ thiết bị hỗ trợ PCCC nào được đặt tại khu vực cửa hàng. Chỉ duy nhất có hai tấm biển đỏ "cấm hút thuốc" và cảnh báo lửa gây hỏa hoạn nhưng cũng đã nhuốm màu thời gian.
Sau vụ cháy lớn xảy ra tại Công ty CP Bóng đèn phích nước Rạng Đông (quận Thanh Xuân), nhiều người dân Thủ đô lo lắng về sự an toàn của những đơn vị sản xuất, kinh doanh hóa chất. Chia sẻ với PV, bà Lan (75 tuổi, ở phường Hàng Gai) nói: "Không chỉ sau vụ cháy Công ty Rạng Đông dân mới lo sợ cháy nổ mà lúc nào chúng tôi cũng nơm nớp lo cháy nổ vì ở đây, khách cần mua hóa chất gì cũng có. Toàn những chất dễ bắt lửa. Nếu có hỏa hoạn xảy ra ở một cửa hàng thì nguy hiểm lắm, không chữa cháy kịp thời có thể lan nhanh sang các cửa hàng khác".
Mặc dù nhiều cửa hàng bán hóa chất ở phố Hàng Hòm đã tồn tại hàng chục năm nhưng quan sát của PV cho thấy, các cửa hàng bán hóa chất có một điểm chung là không thấy bất cứ bình cứu hỏa, thiết bị PCCC nào được đặt ở khu vực cửa ra vào. Những chiếc đèn tự động báo hiệu cháy nổ cũng bị che khuất bởi các thùng carton đựng hóa chất. Nhiều người dân sinh sống trong khu vực thẳng thắn cho biết: Một công ty lớn như Rạng Đông được trang bị, tập huấn, hướng dẫn thường xuyên về PCCC mà còn xảy sự cố hỏa hoạn thì với những nơi kinh doanh hóa chất nhỏ lẻ như thế này, việc được trang bị kiến thức về PCCC tại chỗ, hoặc các thiết bị PCCC được trang bị tại cửa hàng cũng chỉ mang tính hình thức.
Di dời - chỉ bàn và báo cáo?
Tại cuộc họp về sự cố chảy nổ Công ty Rạng Đông, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình và Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã yêu cầu UBND TP Hà Nội về lâu dài phải tiến hành rà soát, thống kê toàn bộ cơ sở sản xuất, kinh doanh có sử dụng hóa chất độc hại, hóa chất nguy hiểm, có phương án quản lý, di dời khỏi khu vực đô thị, khu vực tập trung đông dân cư.
Trao đổi nhanh với PV về vấn đề này, ông Nguyễn Hồng Dũng, Phó Chủ tịch phường Hàng Gai cho biết: "Hàng Hòm là tuyến phố nghề. Nếu để "xóa" tuyến phố nghề này thì hơi khó mà chỉ nên đặt tuyến phố này với tư cách là trưng bày sản phẩm theo mẫu thành phẩm được bán và tồn tại nhiều năm nay. Chẳng phải riêng phường mà cả quận Hoàn Kiếm đã có rất nhiều cuộc họp đưa ra giải pháp di dời nhưng cũng chỉ là bàn và báo cáo, còn quyết định thì không thuộc thẩm quyền của phường. Hơn nữa, sau di dời phải làm sao đảm bảo cuộc sống cho người dân?".
"Không chỉ riêng sau vụ cháy Công ty Rạng Đông mà trong các năm, phường Hàng Gai cùng các đơn vị liên quan đều có chương trình tập huấn và kiểm tra định kỳ thường xuyên ít nhất 2 – 3 lần/năm. Đối với các đơn vị kinh doanh không chấp hành vi phạm khi bị nhắc nhở vài lần thì lập biên bản xử phạt. Phòng Kinh tế của quận Hoàn Kiếm đã kiểm tra và có thông báo về những loại hóa chất không được bán, tiêu thụ, mà chỉ được trưng bày sản phẩm. Về cơ bản đến bây giờ, họ chỉ trưng bày hóa chất là chính. Sang chiết thì chủ yếu là việc mua bán dung môi, axiton được đổ vào các chai lọ nhỏ không tem nhãn dùng để pha trộn sơn. Đây là hành vi sai phạm nhưng mặt hàng này vẫn được bày bán công khai", ông Dũng nói.
Trong khi đó, theo các chuyên gia hóa chất, dung môi pha sơn cũng là một loại hóa chất tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao, ngoài việc trang bị bình cứu hỏa thì các cơ sở bán hóa chất cũng cần phải trang bị thêm các bao cát xây dựng để đề phóng những loại dung môi, hóa chất bục vỡ, tiếp xúc với nguồn lửa, có thể gây cháy. Đối với người dân, ngoài việc trông chờ vào các thiết bị PCCC, để phòng ngừa hỏa hoạn, cùng với sự vào cuộc tích cực của lực lượng chức năng thì đòi hỏi người dân cần phải nâng cao ý thức, nhận thức về PCCC nhằm bảo vệ tài sản và sức khỏe của chính mình.