Sau vụ cháy ở Trung Kính, Luật PCCC cần cụ thể, chi tiết hơn

Theo Thượng tướng Trần Quang Phương - Phó Chủ tịch Quốc hội, từ vụ cháy ở Trung Kính, Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ phải quy định chặt chẽ hơn điều kiện kinh doanh trong các ki ốt, hàng sửa xe; những nơi vừa là nhà ở, vừa kinh doanh…

Chiều 24/5, mở đầu phiên thảo luận tại tổ về các dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ, Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi), Thượng tướng Trần Quang Phương - Phó Chủ tịch Quốc hội đã thông tin đến các đại biểu về vụ cháy ở Trung Kính (Hà Nội) làm 14 người chết, Phó Chủ tịch Quốc hội cùng đoàn công tác của Quốc hội, TP Hà Nội đã xuống hiện trường kiểm tra vào sáng sớm nay.

Thượng tướng Trần Quang Phương - Phó Chủ tịch Quốc

Thượng tướng Trần Quang Phương - Phó Chủ tịch Quốc

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhìn nhận, công tác phòng cháy, chữa cháy gặp bất cập ở chỗ khi “làng lên phố”, giá đất tăng lên, bà con cơi nới nhà cũ để cho thuê. Điều này phá vỡ toàn bộ quy hoạch làng xưa ở nhiều nơi của Hà Nội.

Sau khi kiểm tra thực tế, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, cầu thang của ngôi nhà xảy ra cháy ở Trung Kính được thiết kế phía ngoài. Thực tế ở đó có hai nhà: Một nhà 5 tầng của chủ nhà và một nhà 3 tầng để cho thuê. Tuy nhiên, một số phòng của nhà 5 tầng cũng cho thuê. Khi cháy, chủ nhà khóa cửa vì xưởng của ông ấy ở dưới, trong khi chỉ có một lối đi.

“Tới đây Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ phải quy định chặt chẽ hơn điều kiện kinh doanh trong các ki ốt, hàng sửa xe; những nơi vừa là nhà ở, vừa kinh doanh…Nhà cá nhân cơi nới ra để cho thuê, thậm chí kinh doanh toàn bộ khoảng trống của đường vào nhà, trước đây chủ yếu để lối đi và cây xanh thì chủ nhà dùng mái tôn che làm xưởng sửa chữa xe máy, xe đạp, xe điện”, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nói.

Thượng tướng Trần Quang Phương-Phó Chủ tịch Quốc hội tại hiện trường vụ cháy (Ảnh: Ngân Hà)

Thượng tướng Trần Quang Phương-Phó Chủ tịch Quốc hội tại hiện trường vụ cháy (Ảnh: Ngân Hà)

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, sau khi kiểm tra, trao đổi với anh em PCCC được biết, vụ cháy bắt đầu khả năng do chập điện, do bình gas, bình khí của xưởng sửa chữa phát nổ. Khu vực đó vừa có xe máy của người dân, vừa có xe của xưởng sửa chữa. Vì vậy khi phát nổ đã tạo áp lực rất lớn hất tung toàn bộ mái che tạm, đẩy toàn bộ lên nhà 3 tầng.

“Nhà 3 tầng được chủ nhà cải tạo, mỗi phòng cho thuê chỉ khoảng 16m2, cầu thang tầm 6 tấc (60cm) thì lối đi cũng chỉ cỡ 6-7 tấc. Cửa vào hẹp, toàn bộ cửa đóng bằng gỗ có khe hở. Toàn vật liệu dễ cháy. Do đó khi phát nổ bung hết lên, toàn bộ áp lực tạo nên ngọn lửa có khí rất đậm đặc. Nếu các vụ cháy nhà trước đây tỷ lệ chết ngạt nhiều hơn chết cháy thì riêng vụ này chết cháy nhiều hơn chết ngạt vì cháy xộc thẳng vào từng phòng trọ”, Thượng tướng Trần Quang Phương nói.

Thượng tướng Trần Quang Phương-Phó Chủ tịch Quốc hội trao đổi với lãnh đao Công an TP Hà Nội tại hiện trường vụ cháy (Ảnh: Ngân Hà)

Thượng tướng Trần Quang Phương-Phó Chủ tịch Quốc hội trao đổi với lãnh đao Công an TP Hà Nội tại hiện trường vụ cháy (Ảnh: Ngân Hà)

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, đoàn Ủy ban Quốc phòng An ninh của Quốc hội đã đi khảo sát nhiều lần, hầu như Hà Nội và các thành phố lớn, tình trạng tương tự không ít.

“Đây là câu chuyện làng lên phố và sự bất cập của quy hoạch. Chúng ta chia buồn sâu sắc với bà con”, Phó Chủ tịch Quốc hội chia sẻ.

Đồng tình với các nhận định trên, đại biểu Quốc hội Trịnh Xuân An (Đoàn Đồng Nai) bày tỏ sự xót xa trước thông tin về vụ hỏa hoạn xảy ra tại Trung Kính, Hà Nội, làm 14 người chết và 1 người đang nguy kịch.

Đã có quy định của pháp luật, đã có những rút kinh nghiệm, có chỉ đạo và các biện pháp nhưng nguy cơ cháy nhà ở, nhất là cháy nhà dân và cháy nhà cho thuê trọ có thể xảy ra bất cứ khi nào, và khi xảy ra thì hậu quả rất thương tâm.

Đại biểu Quốc hội Trịnh Xuân An (Đoàn Đồng Nai).

Đại biểu Quốc hội Trịnh Xuân An (Đoàn Đồng Nai).

Đại biểu đoàn Đồng Nai nhấn mạnh, việc "phòng" sẽ giải quyết được nhiều hơn là "chữa". Đặc biệt, khi người dân đang phải chấp nhận và đối mặt với rủi ro hỏa hoạn hàng ngày, hàng giờ.

Ông An cho biết, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét để sửa Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu nạn. Khi sửa Luật, các đại biểu sẽ tiếp tục quan tâm đến nội dung này và nếu cần thiết thì có thể thiết kế một mục, một chương về phòng trọ.

Nhấn mạnh về ý thức "phòng" hơn "chữa", đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương) cho rằng, trong những quy định về phòng cháy, chữa cháy đã gắn trách nhiệm của từng cấp, từng ngành. Và điều quan trọng hiện nay là rà soát tích cực và có phương án đối với từng loại hình, chứ không thể có một phương án hay công thức chung.

"Chúng ta phải có yêu cầu nhà cho thuê ít nhất phải đảm bảo được lối thoát hiểm, để khi có tai nạn, cháy nổ xảy ra thì người ở trong nhà có thể nhanh chóng thoát hiểm. Đây không phải là phương án quá khó khăn. Thứ hai, công tác tập huấn về phòng, chống cháy nổ và công tác tập huấn về kỹ năng ứng phó khi có sự cố cháy xảy ra rất cần thiết", bà Nga đề xuất.

Phi Long-Hoàng Lê/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/chinh-tri/quoc-hoi/sau-vu-chay-o-trung-kinh-luat-pccc-can-cu-the-chi-tiet-hon-post1097406.vov