Sau vụ hơn 30 học sinh ngộ độc, UBND TP. Đà Nẵng siết chặt an toàn
UBND TP. Đà Nẵng lập tức yêu cầu các cơ quan chức năng quyết liệt các biện pháp đảm bảo an ninh, an toàn trước cổng trường học.
Ngày 16/4, nguồn tin của PV Người Đưa Tin Pháp luật cho biết, Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh ký văn bản gửi các ngành công an, GD-ĐT, y tế, an toàn thực phẩm ... yêu cầu quyết liệt các biện pháp đảm bảo an ninh, an toàn trước cổng trường học.
Động thái này xuất hiện chỉ sau vài giờ vụ việc hơn 30 học sinh tiểu học trường Tiểu học Hòa Khương, xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng bị ngộ độc do chơi trò chơi "lạ".
Theo chính quyền TP. Đà Nẵng, trước những nguy cơ mất an toàn giao thông, an toàn thực phẩm, trật tự an toàn xã hội đối với học sinh trước cổng các trường học, ngành công an và GTVT cần quyết liệt các biện pháp chống ùn tắt giao thông, đậu đỗ xe không đúng quy định trước cổng trường học.
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các trường hợp học sinh đi xe mô tô, xe gắn máy, xe máy điện không đúng quy định.
Trong khi đó, ngành công thương và quản lý thị trường phải tăng cường công tác kiểm tra các kho hàng; nguồn gốc xuất xứ của các mặt hàng. Đặc biệt là các mặt hàng thường được các hàng quán bán cho học sinh trước cổng trường.
Phối hợp với các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh mặt hàng đồ chơi trẻ em, đồ chơi thông minh, tích hợp nhiều chức năng, đồ chơi trẻ em độc hại, kích động bạo lực… nhập lậu; kiểm tra về nguồn gốc, xuất xứ, hóa đơn chứng từ, ghi nhãn hàng hóa, chứng nhận hợp quy và các quy định khác của pháp luật trong quản lý mặt hàng đồ chơi trẻ em.
Trong khi đó, ngành y tế và quản lý an toàn thực phẩm cần phải tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm đối với các hàng, quán trước cổng trường học. Tăng cường công tác phòng, chống ngộ độc thực phẩm; khống chế tỉ lệ người mắc ngộ độc thực phẩm cấp tính.
Sở GD-ĐT cần tăng cường công tác tuyên truyền, khuyến cáo các phụ huynh khi lựa chọn đồ chơi cho con trẻ, nên mua ở các địa chỉ có uy tín, hàng hóa phải có tem nhãn rõ ràng, có công bố hợp chuẩn, hợp quy, không nên mua các loại đồ chơi trôi nổi, không được kiểm soát trên thị trường. Hạn chế học sinh tiểu học mang tiền đến trường; giáo dục con em sự nguy hiểm về mất vệ sinh an toàn thực phẩm trước cổng trường.
Trước đó, như Người Đưa Tin Pháp luật đã phản ánh, sáng 16/4, có hơn 30 học sinh trường tiểu học Hòa Khương, xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng đồng loạt tức ngực, khó thở, có em buồn nôn.
Sự việc khiến cho các thầy cô giáo lo lắng. Chính quyền xã Hòa Khương sau khi nắm thông tin cũng vào cuộc, tổ chức đưa các em đi cấp cứu tại bệnh viện Hòa Vang.
Với những triệu chứng ban đầu, các bác sĩ nhận định có thể các em bị ngộ độc khí, nhưng chưa rõ là loại khí gì. Một số em bị nặng thì được thuyên chuyển lên tuyến điều trị cao hơn.
Bước đầu, các cơ quan chuyên môn đặt nghi vấn hơn 30 học sinh này gặp sự cố do chơi món đồ chơi có tên slam.
Đây là loại chất dẻo, đất nặn để tạo hình. Trước khi xảy ra sự việc, số học sinh này có chơi đồ chơi. Loại đồ chơi này phát ra một loại mùi được nghi là gây nên hiện tượng nêu trên cho các em.