Sau vụ IPO của Didi, Trung Quốc 'nắn gân' với doanh nghiệp niêm yết ở nước ngoài

Bắc Kinh sẽ tăng cường giám sát các doanh nghiệp thực hiện niêm yết ở nước ngoài, Reuters dẫn tuyên bố hôm 6/7 của chính phủ Trung Quốc cho hay.

Siêu ứng dụng gọi xe Didi vừa huy động được 4,4 tỷ USD từ thương vụ chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) trên Sàn chứng khoán New York. Ảnh: Reuters

Tuyên bố được đưa ra chỉ vài ngày sau khi Bắc Kinh mở cuộc điều tra an ninh mạng đối với siêu ứng dụng gọi xe Didi Global.

Theo đó, Trung Quốc sẽ điều chỉnh quy định về bảo mật và luồng dữ liệu xuyên biên giới, trấn áp các hoạt động bất hợp pháp trên thị trường chứng khoán và xử phạt hành vi phát hành chứng khoán gian lận, thao túng thị trường và giao dịch nội gián.

Trung Quốc cũng sẽ kiểm tra các nguồn vốn cho đầu tư chứng khoán và kiểm soát tỷ lệ đòn bẩy tài chính.

Những điều chỉnh trên đối với các công ty Trung Quốc niêm yết ở nước ngoài là một động thái mạnh tay trong một cuộc kiểm soát sâu rộng đối với nền kinh tế dựa trên các nền tảng trực tuyến khổng lồ.

Thị trường vốn Mỹ là nguồn vốn sinh lợi quan trọng của các doanh nghiệp Trung Quốc trong thập kỷ qua nhưng rủi ro bị tăng cường giám sát giờ đây có thể cản đường các công ty Trung Quốc thực hiện niêm yết tại Mỹ.

Sáng sớm ngày 6/7, cổ phiếu Didi bốc hơi tới 25% trong phiên giao dịch trước giờ mở cửa, trước khi phiên giao dịch chính thức đầu tiên được thực hiện kể từ khi Cơ quan Quản lý không gian mạng Trung Quốc (CAC) ra lệnh xóa bỏ ứng dụng của Didi khỏi các cửa hàng ứng dụng (app store) tại thị trường Trung Quốc, chỉ vài ngày sau khi siêu ứng dụng gọi xe này huy động thành công 4,4 tỷ USD từ thương vụ chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) trên Sàn chứng khoán New York.

Các công ty Trung Quốc niêm yết tại Mỹ, bao gồm Full Truck Alliance và Kanzhun Ltd cũng dự báo mở cửa giảm điểm ngay đầu phiên giao dịch 6/7 sau khi Cơ quan Quản lý không gian mạng Trung Quốc hôm 5/7 ra thông báo điều tra an ninh mạng đối với các đối tác liên kết của hai doanh nghiệp này.

Rory Green, chuyên gia nghiên cứu kinh tế Trung Quốc tại Công ty nghiên cứu đầu tư TS Lombard đánh giá: "Điều tra nhằm vào Didi mở ra một mặt trận mới trong sự quyết đoán về công nghệ của Trung Quốc. Đây hiện là một câu hỏi về chủ quyền".

Vào tháng 3/2021, Cơ quan quản lý chứng khoán Mỹ đã bắt đầu triển khai các quy tắc nhằm loại bỏ các công ty nước ngoài khỏi các sàn giao dịch ở nước này nếu họ không tuân thủ các tiêu chuẩn kiểm toán của Mỹ, một động thái được cho là nhằm "hất cẳng" doanh nghiệp Trung Quốc khỏi các sàn giao dịch Mỹ nếu họ không tuân thủ các tiêu chuẩn kiểm toán của Mỹ trong 3 năm liên tiếp.

Vào tháng 5, Reuters đưa tin rằng Bắc Kinh đã thúc ép nền tảng âm thanh Ximalaya từ bỏ kế hoạch niêm yết tại Mỹ và thay vào đó lựa chọn niêm yết tại thị trường Hong Kong. Nguồn tin của Reuters vào thời điểm đó cho biết Bắc Kinh ngày càng quan ngại rằng các cơ quan quản lý của Mỹ sẽ có thể tiếp cận nhiều hơn dữ liệu kiểm toán của doanh nghiệp Trung Quốc niêm yết tại New York.

Các sàn giao dịch chứng khoán Mỹ từ lâu đã trở thành địa điểm niêm yết ưa thích của các công ty công nghệ Trung Quốc bởi tính thanh khoản sâu, định giá cao, quy tắc sinh lời dễ dàng hơn và uy tín.

Dữ liệu của Refinitiv cho thấy, doanh nghiệp Trung Quốc đã thực hiện 34 thương vụ niêm yết tại Mỹ, tính đến thời điểm này, với tổng giá trị huy động lên mức kỷ lục 12,5 tỷ USD (không tính thương vụ niêm yết của Didi vào ngày 30/6).

Tuy nhiên, một số công ty lớn của Trung Quốc niêm yết tại Mỹ, kể cả hai "gã khổng lồ" công nghệ như Alibaba và Baidu, đã thực hiện niêm yết thứ cấp tại thị trường Hong Kong trong 2 năm qua.

Lê Quân

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/sau-vu-ipo-cua-didi-trung-quoc-nan-gan-voi-doanh-nghiep-niem-yet-o-nuoc-ngoai-d146706.html