Sau vụ việc đau lòng
Những ngày này, dư luận vẫn chưa hết xót xa lẫn bàng hoàng bởi vụ án đau lòng xảy ra tại Đan Phượng chỉ vì mâu thuẫn trong tranh chấp một diện tích rất nhỏ đất đai đã dẫn đến anh cầm dao truy sát cả gia đình người em ruột.
Vụ việc sẽ được các cơ quan chức năng làm sáng tỏ và xử lý theo đúng quy định của pháp luật, tuy nhiên, điều khiến nhiều người băn khoăn đó là sự xuống cấp của đạo đức và cả những “khoảng trống” trong hiểu biết pháp luật rất cần được quan tâm.
Trên thực tế, những vụ việc vi phạm pháp luật, thậm chí là phải ra tòa, phải vào vòng lao lý có nguyên nhân từ tranh chấp đất đai, phân chia tài sản không phải ít. Bởi đồng tiền dễ là con người mờ mắt, bất chấp tình thân, nhiều vụ án đau lòng cũng đã từng xảy ra chỉ vì những mâu thuẫn dân sự tưởng chừng rất nhỏ. Những câu hỏi về đạo đức xã hội, về tình người, về tình trạng coi thường tính mạng, sức khỏe của người khác cũng đã được đặt ra nhiều. Tuy nhiên, qua các vụ án xảy ra, có thể liệt kê nhiều nguyên nhân dẫn đến hành vi phạm tội của đối tượng gây án, có thể do lòng tham và thói ích kỷ cao độ, có thể bản tính côn đồ, hung hãn khi nghĩ rằng quyền lợi của mình bị xâm phạm… Nhưng trong không ít trường hợp, phạm tội còn do nhận thức và hiểu biết về pháp luật hạn chế.
Sau mỗi vụ việc đau lòng như vụ việc vừa qua, không ít câu “giá như” đã được đặt ra. Giá như trong hoàn cảnh này, nếu quyền lợi bị ảnh hưởng, đáng lẽ đối tượng có thể khởi kiện để được tòa án giải quyết tranh chấp về đất đai, thừa kế. Tuy nhiên, có thể do không nhận thức được điều đó, đối tượng đã không lựa chọn cách thức mà pháp luật cho phép mà lại thực hiện hành vi “tự xử” hết sức côn đồ, manh động, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng cho xã hội. Giá như công tác hòa giải trong các tranh chấp đất đai vốn chưa thực hiện đầy đủ tại các cấp cơ sở, của chính quyền trong vai trò cầu nối được thể hiện rõ nét hơn…
Do đó, vấn đề đặt ra để hạn chế được những vụ việc đau lòng, cần phải tăng cường hiệu quả hơn nữa việc giáo dục để nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của mỗi công dân, đặc biệt ở những địa bàn nông thôn, những nơi đô thị hóa, dễ phát sinh tranh chấp đất đai, tài sản. Việc giáo dục pháp luật không chỉ thực hiện theo hình thức cho có, mà cần thấm đến từng người dân, để tránh việc coi thường hoặc thiếu hiểu biết pháp luật mà “tự xử”.
Đồng thời, việc hòa giải ở cơ sở cũng phải chú trọng hơn nữa. Thực tế, ở những nơi làm tốt công tác hòa giải, tỷ lệ khiếu kiện đất đai thường thấp hơn những nơi công tác hòa giải được làm chiếu lệ. Nên đáng lẽ ra, khi phát hiện được những vụ việc tranh chấp, mâu thuẫn căng thẳng ở địa phương thì chính quyền địa phương, đơn vị hòa giải cơ sở phải có trách nhiệm tiếp nhận thông tin, tổ chức hòa giải theo quy định. Trong trường hợp hòa giải không thành, không có kết quả thì phải nắm bắt tâm tư, nguyện vọng để có những giải pháp phòng ngừa, đồng thời hướng dẫn các đương sự thủ tục khởi kiện đến tòa án hoặc gửi đơn yêu cầu đến cấp có thẩm quyền giải quyết kịp thời. Và chỉ khi có sự quan tâm thỏa đáng, khi những khoảng trống hiểu biết pháp luật được lấp đầy, chắc chắn những vụ việc đau lòng sẽ giảm và an ninh trật tự sẽ ổn định ngay từ cơ sở.
Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/sau-vu-viec-dau-long-351620.html