Sau vụ việc trẻ bị đánh tại khóa tu chùa Cự Đà, Hà Nội kiểm tra các khóa tu mùa hè
Ban Tôn giáo Hà Nội cho biết sẽ tổ chức đoàn kiểm tra công tác tổ chức khóa tu hè trên địa bàn thành phố, trong đó tập trung vào khóa tu có từ 200 khóa sinh trở lên.
Vụ việc phụ huynh phản ánh con bị bạn đánh tại khóa tu chùa Cự Đà
Mới đây, một phụ huynh đã đăng tin trên mạng xã hội Facebook về "trải nghiệm kinh hoàng" của con trai 11 tuổi bị bạn đánh chấn thương tay ở khóa tu chùa Cự Đà (xã Cự Khê, huyện Thanh Oai, Hà Nội).
Theo đó, con trai của chị tham gia khóa tu 5 ngày (12-16/6/2023) ở chùa Cự Đà, thông qua một phật tử tại đây. Chị đã đóng 1 triệu đồng chi phí ăn uống, đồng phục và dụng cụ học tập cho con. Sau 5 ngày, chị đến đón thấy cậu bé mặc nguyên chiếc áo từ hôm đến, mặt mũi nhem nhuốc, chân tay nhiều vết muỗi đốt. Con chị nói bị bạn đánh bằng ghế gỗ, không được tắm, nhà vệ sinh bẩn và phải ngủ dưới nền đất. Về đến nhà, bé kêu đau, tay cử động khó khăn, tinh thần hoảng sợ.
Phụ huynh này chia sẻ: "Tôi không nghĩ con bị đánh đau như thế, vì nếu có chuyện Ban Tổ chức đã phải thông báo cho tôi". Chị cho biết thêm nhà chùa và Ban Tổ chức trước đó đã đưa con đến Bệnh viện Hà Đông khám, chụp. Con không bị gãy xương, chỉ chấn thương phần mềm.
Cũng trong bài đăng trên mạng xã hội, phụ huynh này cho rằng Ban Tổ chức chùa Cự Đà đã tắc trách, thiếu trách nhiệm với các tu sinh khi cho gần 600 con người tu tập trong không gian nhỏ; điều kiện tắm rửa, sinh hoạt thiếu thốn. Đồng thời, để xảy ra đánh nhau đến mức phải đi bệnh viện mà vẫn muốn giấu.
Sau khi được đăng tải, bài viết đã gây xôn xao cộng đồng mạng xã hội cùng nhiều ý kiến tranh cãi trái chiều.
Tối ngày 17/6, phụ huynh này cho biết đã gặp mặt trụ trì chùa Cự Đà và đại diện Ban Tổ chức khóa tu. Qua đó, 2 bên thống nhất các nội dung về việc xin lỗi gia đình học sinh, đồng thời Ban Tổ chức trả lại toàn bộ kinh phí khóa tu vừa qua.
Theo báo Người lao động, sau vụ việc này, Đại đức Thích Di Kiên - trụ trì chùa Cự Đà đã có thông tin với báo chí. Ông khẳng định từ nay sẽ dừng vĩnh viễn tất cả các khóa tu tại chùa. Nhà chùa đang gấp rút hoàn thiện thủ tục để hoàn trả lại tiền cho các phụ huynh đã đăng ký cho con tham gia khóa tu.
Trụ trì chùa Cự Đà cũng cho biết năm nay là năm thứ 3 chùa tổ chức khóa tu mùa hè. Nội dung khóa tu hướng các con đến việc hiếu thuận, yêu thương cha mẹ; cho các con học đạo đức; giữ 5 giới, không sát sinh, không nói lời thô ác, không chơi game…
Tạm dừng các khóa tu chưa đủ điều kiện
Theo Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Nội, lãnh đạo Ban Tôn giáo Thành phố Hà Nội cho biết đã làm việc với Giáo hội Phật giáo huyện Thanh Oai về trường hợp phụ huynh phản ánh con bị đánh tại khóa tu chùa Cự Đà. Đến nay, Ủy ban Nhân dân huyện Thanh Oai đã dừng các khóa tu của chùa Cự Đà.
Vietnamnet cũng thông tin, bà Phạm Thị Lương Duyên - Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Cự Khê cho biết, sau khi nắm được thông tin xã đã tổ chức đoàn kiểm tra cơ sở vật chất tại chùa Cự Đà. Các khóa tu đều có danh sách các em đăng ký, cơ sở vật chất tại chùa cơ bản đảm bảo. Tuy nhiên, thời điểm khóa tu thứ 2 diễn ra, địa phương bị cắt điện, nước do đó cũng ảnh hưởng đến sinh hoạt của các em.
Hiện Ban Tôn giáo Hà Nội đã yêu cầu các quận, huyện tổng hợp toàn bộ danh sách khóa tu tổ chức trong mùa hè 2023. "Với các khóa tu đang hoặc sắp tổ chức trên địa bàn thành phố, Ban sẽ có đôn đốc, chỉ đạo rà soát kỹ về cơ sở vật chất, năng lực tổ chức. Nhà chùa cảm thấy chưa đủ điều kiện thì cần tạm dừng khóa tu lại", lãnh đạo Ban Tôn giáo Hà Nội chia sẻ.
Thời gian tới, Ban Tôn giáo Hà Nội cũng sẽ tổ chức đoàn kiểm tra công tác tổ chức khóa tu hè trên địa bàn thành phố, trong đó tập trung vào khóa tu có từ 200 khóa sinh trở lên.
Trước đó, ngày 7/6, Ban Tôn giáo Hà Nội đã có văn bản hướng dẫn gửi Ủy ban Nhân dân các quận, huyện, thị xã và Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Hà Nội về việc tổ chức khóa tu mùa hè trên địa bàn thành phố.
Các nội dung kiểm tra bao gồm công tác quản lý của địa phương, an ninh trật tự, y tế, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm.
Ban Tôn giáo Hà Nội đã yêu cầu trụ trì các chùa đăng ký kế hoạch tổ chức khóa tu với chính quyền địa phương, trong đó nêu đầy đủ thời gian, địa điểm, danh sách khóa sinh đăng ký, danh sách người phụ trách nội dung giảng dạy, điều kiện về nơi ăn ở, sinh hoạt; phương án đảm bảo an ninh, trật tự, vệ sinh thực phẩm, phòng chống cháy nổ... Không chấp thuận để các cơ sở chưa đủ điều kiện về cơ sở vật chất, quản lý tổ chức khóa tu hè.