Sau WeChat, TikTok thoát hiểm phút chót nhờ thẩm phán Mỹ

Thẩm phán Carl Nichols đã tạm thời chặn lệnh từ chính quyền Trump buộc Apple và Google xóa TikTok khỏi cửa hàng ứng dụng của họ, đáng ra có hiệu lực lúc 11 giờ 59 tối 27.9 (giờ Mỹ).

TikTok tiếp tục hiện diện trên App Store và Google Play Store ở Mỹ

TikTok tiếp tục hiện diện trên App Store và Google Play Store ở Mỹ

Thẩm phán Carl Nichols thuộc Tòa án Quận Columbia ở Washington vừa ban hành quyết định sơ bộ cho phép TikTok vẫn hiện diện trên các cửa hàng ứng dụng của Mỹ như Apple Store và Google Play Store, nhưng từ chối chặn các hạn chế bổ sung của Bộ Thương mại có hiệu lực vào ngày 12.11 tới. Các hạn chế này sẽ chặn tất cả giao dịch với TikTok, theo đó ứng dụng không được lưu trữ trên các máy chủ tại Mỹ, gây khó khăn cho việc truy cập và sử dụng.

Sau phán quyết này, TikTok hồ hởi cho biết: "Chúng tôi rất vui vì tòa án đã đồng ý với các lập luận pháp lý của chúng tôi và ban hành lệnh ngăn chặn việc thực hiện lệnh cấm ứng dụng TikTok. Chúng tôi sẽ tiếp tục bảo vệ quyền lợi của mình vì lợi ích của cộng đồng và nhân viên của chúng tôi, đồng thời cũng sẽ duy trì đối thoại liên tục với chính phủ để biến đề xuất mà Tổng thống đã phê duyệt sơ bộ vào cuối tuần trước, thành một thỏa thuận".

Trong khi Hu Xijin, Tổng biên tập Thời báo Hoàn Cầu, ấn phẩm phụ của Nhân Dân Nhật báo - cơ quan ngôn luận của của đảng Cộng sản Trung Quốc, viết trên Twitter hôm 28.9: “Tôi nghĩ điều đó phù hợp với đạo đức, công lý và lẽ thường”.

Ý kiến chi tiết bằng văn bản của Carl Nichols dự kiến sẽ được công bố sớm nhất trong ngày 28.9.

Sáng 27.9, luật sư John Hall của TikTok lập luận trong phiên điều trần rằng lệnh cấm của chính quyền Trump sẽ "rất tàn khốc" và kêu gọi thẩm phán Carl Nichols chặn lệnh này cho đến khi thương vụ được quyết định.

"Làm thế nào để áp dụng lệnh cấm TikTok khỏi cửa hàng ứng dụng vào tối nay khi các cuộc đàm phán đang được tiến hành có thể khiến nó không cần thiết? Đây chỉ là đòn trừng phạt. Đây chỉ là một cách thẳng thừng để đánh công ty... Đơn giản là không có gì khẩn cấp ở đây cả", John Hall nói.

Luật sư này cho biết lệnh cấm là “chưa từng có và không hợp lý”. Thế nhưng, các luật sư chính phủ Mỹ lập luận rằng các tuyên bố về Tu chính án thứ nhất của TikTok không được áp dụng vì chính quyền Trump coi ứng dụng này là rủi ro an ninh quốc gia.

“Lệnh cấm trên cửa hàng ứng dụng là tùy tiện và bất thường", luật sư John Hall nói thêm.

TikTok cũng cho rằng lệnh ngày 6.8 không nên áp dụng vì Đạo luật Quyền hạn Kinh tế Khẩn cấp Quốc tế loại trừ công nghệ thông tin và truyền thông. Ngày 6.8, Tổng thống Trump đã ban hành lệnh hành pháp cấm mọi giao dịch của Mỹ với TikTok và WeChat vì lo ngại về an ninh quốc gia. Ông chủ Nhà Trắng viện dẫn Đạo luật Quyền hạn Kinh tế Khẩn cấp Quốc tế cho phép cấm các giao dịch giữa các thực thể Mỹ với nước ngoài.

“Đây là một trong những ứng dụng phát triển nhanh nhất trên thế giới và những người dùng mới là mạch máu của doanh nghiệp này. Điều đó đúng với bất kỳ nền tảng truyền thông xã hội nào. Nếu TikTok biến mất khỏi các cửa hàng ứng dụng, sẽ ảnh hưởng rất tàn khốc với người dùng, nội dung, người sáng tạo và làm tổn hại danh tiếng của nó với các nhà quảng cáo”, John Hall lập luận.

Các luật sư của Chính phủ Mỹ lập luận rằng việc ngăn chặn người dùng mới trên TikTok sẽ cho phép Bộ Thương mại giải quyết những rủi ro an ninh quốc gia nghiêm trọng nhất. Song, lệnh cấm như vậy cũng sẽ chặn người dùng hiện tại nhận các bản cập nhật bảo mật mới cho TikTok.

Hôm 26.9, một thẩm phán Mỹ khác ở Pennsylvania từ chối đề nghị của ba nhà sáng tạo nội dung TikTok để chặn lệnh cấm. Trước đó, một thẩm phán Mỹ ở California đã chặn lệnh cấm tải xuống WeChat, đáng ra có hiệu lực từ 11 giờ 59 tối 20.9.

Phán quyết từ thẩm phán Carl Nichols giúp TikTok tạm thời chưa bị xóa khỏi cửa hàng ứng dụng của Apple, Google ở Mỹ

Phán quyết từ thẩm phán Carl Nichols giúp TikTok tạm thời chưa bị xóa khỏi cửa hàng ứng dụng của Apple, Google ở Mỹ

Ngày 14.8, Tổng thống Trump ban hành lệnh hành pháp cho ByteDance 90 ngày thoát vốn khỏi hoạt động kinh doanh của TikTok ở Mỹ hoặc bán ứng dụng cho công ty nước này. Lệnh đó sẽ có hiệu lực vào ngày 12.11 và TikTok sẽ bị tạm dừng hoạt động ở Mỹ nếu chưa đạt thỏa thuận để tồn tại.

Ngày 18.9, Bộ Thương mại Mỹ ban hành lệnh chặn giao dịch với ByteDance (công ty mẹ của TikTok) và WeChat, có hiệu lực từ ngày 20.9.

Đến ngày 19.9, ByteDance cho biết đạt được thỏa thuận với Oracle và Walmart về việc tạo ra một công ty mới tên TikTok Global có trụ sở tại Mỹ. Trong đó, Oracle sẽ trở thành đối tác bảo mật đáng tin cậy của TikTok theo các điều khoản thỏa thuận, làm nhiệm vụ xử lý và lưu trữ dữ liệu tất cả người dùng TikTok tại Mỹ. Tổng thống Trump ban đầu chấp nhận thỏa thuận này nên Bộ trưởng Thương mại Mỹ - Wilbur Ross đã trì hoãn lệnh cấm tải xuống TikTok từ 11 giờ 59 tối tối 20.9 đến 27.9.

Điều đáng chú ý là ByteDance và Oracle lại nêu ra nội dung thỏa thuận khác nhau. ByteDance cho biết TikTok Global là công ty con của họ và sẽ sở hữu 80% cổ phần. Còn Oracle cho biết quyền sở hữu của ByteDance sẽ được phân phối cho các nhà đầu tư vào tập đoàn Trung Quốc này, nhiều trong số đó có trụ sở tại Mỹ.

Đồng ý nắm giữ cổ phần lần lượt là 12,5% và 7,5% trong TikTok Global, Oracle và Walmart tiết lộ rằng phần lớn quyền sở hữu TikTok sẽ nằm trong tay người Mỹ. Song, ByteDance khẳng định “các nhà đầu tư Mỹ sở hữu phần lớn cổ phần TikTok Global chỉ là tin đồn”.

Hôm 21.9, Tổng thống Donald Trump cho biết chính quyền của ông sẽ không chấp thuận thỏa thuận giữa TikTok, Oracle và Walmart nếu ByteDance duy trì quyền kiểm soát ứng dụng.

"Nếu chúng tôi nhận thấy rằng họ (Oracle và Walmart - PV) không có toàn quyền kiểm soát thì chúng tôi sẽ không thông qua thỏa thuận... Chúng tôi sẽ theo dõi nó rất chặt chẽ", ông Trump nói với Fox News trong một cuộc phỏng vấn.

Thỏa thuận này cần có sự chấp thuận của các cơ quan quản lý ở cả Bắc Kinh và Washington.

Theo Thời báo Hoàn Cầu, ấn phẩm phụ của Nhân Dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận của của đảng Cộng sản Trung Quốc, Bắc Kinh sẽ không chấp thuận thỏa thuận này.

“Rõ ràng là những điều khoản này thể hiện rõ phong cách bắt nạt và logic côn đồ của Washington. Chúng làm tổn hại đến an ninh quốc gia, lợi ích và phẩm giá của Trung Quốc”, trích nội dung bài xã luận cuối ngày 21.9 trên Thời báo Hoàn Cầu.

Tác giả bài xã luận phản đối yêu cầu rằng 4 trong số 5 ghế hội đồng quản trị của TikTok Global do người Mỹ nắm giữ và chỉ một ghế dành cho công dân Trung Quốc, cũng như việc bao gồm một giám đốc an ninh được Mỹ phê duyệt.

Ngoài ra, người này cũng chỉ trích việc Mỹ yêu cầu ByteDance tiết lộ mã nguồn của TikTok cho Oracle như một phần của việc mua cổ phần, cũng như việc quản lý riêng biệt TikTok với Douyin, ứng dụng bảo sao ở Trung Quốc.

“Vì TikTok và Douyin nên có cùng một mã nguồn, điều này có nghĩa là Mỹ có thể biết các hoạt động của Douyin”, trích thêm từ bài xã luận.

“Nếu việc tổ chức lại TikTok dưới sự thao túng của Mỹ trở thành một mô hình, điều đó có nghĩa là mỗi khi bất kỳ công ty Trung Quốc thành công nào mở rộng hoạt động kinh doanh sang Mỹ và trở nên cạnh tranh, nó sẽ bị Mỹ nhắm đến và biến thành công ty do Mỹ kiểm soát thông qua thủ đoạn và ép buộc, mà cuối cùng chỉ phục vụ lợi ích của Mỹ”, tác giả này nhấn mạnh.

Hôm 24.9 vừa qua, ByteDance đã đăng ký xin giấy phép ở Trung Quốc theo yêu cầu xuất khẩu công nghệ của quốc gia này, khi cố gắng ký thỏa thuận với Oracle và Walmart cho các hoạt động của TikTok tại Mỹ để ngăn lệnh cấm với ứng dụng chia sẻ video ngắn này.

Đơn đăng ký đã được gửi đến văn phòng thương mại thành phố Bắc Kinh và ByteDance đang chờ quyết định. ByteDance tiết lộ thông tin này trên tài khoản Toutiao của mình, song không nói liệu đơn đăng ký có liên quan đến thỏa thuận đang diễn ra về các hoạt động của TikTok ở Mỹ không.

Các nhà chức trách Trung Quốc dự kiến sẽ đưa ra phản hồi trong vòng 15 ngày, theo các quy định liên quan.

Hôm 24.8, Trung Quốc đã sửa đổi danh sách các công nghệ bị cấm hoặc hạn chế xuất khẩu lần đầu tiên sau 12 năm, điều mà các chuyên gia cho rằng giúp Bắc Kinh có tiếng nói với bất kỳ thỏa thuận TikTok nào.

Nhân Hoàng

Nguồn Một Thế Giới: https://motthegioi.vn/khoa-hoc-cong-nghe-c-180/sau-wechat-tiktok-thoat-hiem-phut-chot-nho-tham-phan-my-144636.html