Saudi Arabia nêu sáng kiến chấm dứt xung đột tại Yemen
Ngày 22-3, Saudi Arabia đề xuất một sáng kiến hòa bình mới nhằm chấm dứt cuộc chiến ở Yemen, bao gồm lệnh ngừng bắn trên phạm vi toàn quốc. Tuy nhiên, lực lượng Houthi cho rằng đề nghị này là chưa đủ để giải quyết những bất đồng.
Hình ảnh vụ không kích do liên quân Saudi Arabia thực hiện tại thủ đô Sanaa của Yemen ngày 30-3-2020. Ảnh: Reuters
Sáng kiến do Bộ trưởng Ngoại giao Saudi Arabia, Hoàng tử Faisal bin Farhan Al Saud công bố, sẽ bao gồm việc mở lại sân bay Sanaa và cho phép nhập khẩu nhiên liệu, thực phẩm qua cảng Hodeidah. Các cuộc đàm phán chính trị giữa Chính phủ Yemen do Saudi Arabia hậu thuẫn và lực lượng Houthi do Iran ủng hộ cũng sẽ được khôi phục.
Đối với vấn đề này, Houthi tuyên bố, sáng kiến không mang lại điều gì mới vì vẫn không đáp ứng được yêu cầu của lực lượng này về việc dỡ bỏ phong tỏa hoàn toàn sân bay Sanaa và cảng Hodeidah.
Dù vậy, trưởng phái đoàn đàm phán Houthi Mohammed Abdulsalam cho biết sẽ tiếp tục đối thoại với Saudi Arabia, Mỹ và quốc gia đóng vai trò hòa giải Oman nhằm đạt được một thỏa thuận hòa bình.
Mỹ đã hoan nghênh cam kết của Saudi Arabia và Chính phủ Yemen được quốc tế công nhận trong việc ngừng bắn và đàm phán. Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Jalina Porter cho biết, “các cuộc đàm phán đang diễn ra” và tuyên bố của Saudi Arabia là “một bước đi đúng hướng”.
Liên hợp quốc (UN) cũng đưa ra động thái tương tự. Phát ngôn viên UN Farhan Haq tuyên bố, đề xuất của Saudi Arabia phù hợp với sáng kiến của UN và đặc phái viên Martin Griffiths sẽ theo dõi động thái của các bên liên quan.
Theo Reuters, nội chiến Yemen đã khiến hơn 100.000 người thiệt mạng, trong đó có nhiều thường dân. Xung đột tại Yemen được nhìn nhận là cuộc chiến kéo dài nhiều năm giữa Saudi Arabia và Iran, khiến 80% dân số quốc gia này phải phụ thuộc vào viện trợ.
Saudi Arabia, quốc gia dẫn đầu liên minh quân sự can thiệp vào Yemen, đang chịu áp lực ngày càng tăng về việc chấm dứt xung đột kéo dài 6 năm, kể từ khi Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố Washington sẽ không tiếp tục hỗ trợ các hoạt động quân sự.