Saudi Arabia thời Vua Salman: Thanh trừng và thay đổi
Gần ba năm sau khi Vua Salman lên ngôi, người ta biết đến Saudi Arabia nhiều hơn với hàng loạt thay đổi về mặt xã hội và những màn tranh đấu, thanh trừng đậm chất hoàng gia.
Ngày 5/11, hàng loạt hoàng tử và bộ trưởng trong nội các Saudi Arabia bất ngờ bị bắt giữ trong một cuộc điều tra chống tham nhũng quy mô nhất từ trước tới nay.
Đây chỉ là một trong nhiều dấu hiệu cho thấy sự thay đổi của đất nước Hồi giáo này dưới thời Vua Salman.
Phế cháu, lập con trai
Ngày 23/1/2015, Vua Salman bin Abdulaziz Al Saud lên ngôi ở tuổi 79, sau khi người anh trai Abdullah đột ngột qua đời.
Ông từng chọn cháu trai Muhammad bin Nayef làm người kế vị và đưa con trai Mohammed bin Salman lên làm bộ trưởng quốc phòng.
Thái tử bin Salman. Ảnh: Reuters.
Tháng 6 vừa qua, người đứng đầu Saudi Arabia gây chấn động khi bất ngờ phế truất cháu trai và chọn con trai bin Salman làm chủ nhân của ngai vàng trong tương lai.
Đây được coi là kết quả của một quá trình lâu dài trong nhiều năm, khi tân thái tử từng được giao phó nhiều trọng trách đối nội và đối ngoại quan trong của đất nước. Truyền thông quốc tế khi đó đưa tin hai về "cuộc đổi ngôi" này như một màn thâm cung nội chiến với đủ mọi âm mưu và quyền lực.
Trước đó, bin Salman, 31 tuổi, là phó thái tử đồng thời là bộ trưởng quốc phòng Saudi Arabia. Đây là nhân vật đóng vai trò trung tâm trong những nỗ lực của quốc gia Vùng Vịnh nhằm xây dựng nền kinh tế vươn xa khuôn khổ của công nghiệp dầu khí. Bin Salman chịu trách nhiệm chính đối với lĩnh vực quân sự và năng lượng của quốc gia.
Bin Salman được cho là "ngôi sao sáng" trên bầu trời Trung Đông và đóng vai trò quan trọng trong hàng loạt diễn biến chính trị ở Saudi Arabia cũng như trong khu vực.
Cuộc thanh trừng
Vụ bắt giữ hàng loạt thành viên hoàng gia và quan chức hôm 5/11 gây nên cú sốc mạnh mẽ đối với nền kinh tế của Saudi Arabia.
Giá cổ phiếu của công ty Kingdom Holding, do Hoàng tử Al-Waleed sở hữu 95% cổ phần, đã tụt dốc thảm hại sau khi có thông tin hoàng tử bị bắt giữ.
Theo truyền thông Saudi Arabia, vụ bắt giữ này có thể mở ra một giai đoạn mới, nơi tính minh bạch, rõ ràng và trách nhiệm của người cầm quyền là nhân tố thiết yếu.
Saudi Arabia đang dần thay đổi dưới thời Vua Salman. Ảnh: Getty.
Trong khi một hoàng tử đứng đầu Lực lượng Cảnh vệ Quốc gia bị hạ bệ, bộ trưởng tài chính bị thay thế..., Thái tử bin Salman tuyên bố thành lập một ủy ban phòng chống tham nhũng do chính ông đứng đầu.
"Cú sốc" này xuất hiện đúng thời điểm hàng loạt cải cách kinh tế xã hội ở Saudi Arabia bắt đầu nhen nhóm, và tân thái tử đang ngày càng cứng rắn nhằm củng cố địa vị và ngai vàng trong tương lai.
Các nhà nghiên cứu cho biết đa phần những nghi phạm bị giam giữ trong cuộc "truy quét" hôm 5/11 là những người không đồng tình với chính sách cứng rắn của Thái tử bin Salman với Qatar trong nhiều tháng qua.
Mối thâm thù ở Trung Đông
Saudi Arabia từng tử hình 47 tù nhân bị buộc tội "khủng bố", chủ yếu là các tín đồ Hồi giáo theo dòng Sunni. Những người này đa phần có liên quan tới tổ chức khủng bố al-Qaeda.
Đặc biệt, trong số những người bị Saudi Arabia xử tử có giáo sĩ Sheikh Nimr al-Nimr. Vụ việc này từng gây chấn động thế giới Hồi giáo, đẩy căng thẳng trong quan hệ giữa Iran và Saudi Arabia vào ngõ cụt.
Quan hệ giữa Iran và Saudi Arabia vẫn bế tắc. Đồ họa: IB Times.
Lãnh tụ tối cao của Iran, Ayatollah Ali Khamenei, từng cho biết Saudi Arabia sẽ phải đối mặt với sự “trả thù của Imam” cho việc giết hại giáo sĩ Sheikh Nimr al-Nimr và 46 người còn lại. Iran là nước có số lượng người đạo Hồi dòng Shia chiếm đa số.
Ngày 3/1/2016, Riyadh tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Tehran và trục xuất các nhà ngoại giao của Iran về nước. Trước đó, hàng nghìn người quá khích bao vây, đập phá, ném bom xăng vào Đại sứ quán Saudi Arabia ở Tehran để phản đối vụ xử tử.
Hiện tại, mối quan hệ giữa Saudi Arabia và Iran vẫn trong tình trạng căng thẳng. Hai nước cáo buộc lẫn nhau là bên gây bất ổn với an ninh khu vực và ủng hộ hai phe đối đầu nhau trong cuộc nội chiến Syria.
VIDEO: Trung Đông: 3 cuộc chiến và 4 quốc gia thất bại
Dù không bao giờ tuyên bố chiến tranh, Iran và Saudi Arabia gián tiếp đối đầu nhau qua hàng loạt cuộc xung đột khu vực với mục đích trở thành thế lực chi phối ở Trung Đông.
Thế Long