Say mê tôn vinh những tài hoa văn chương
Theo thời gian, càng rõ hơn một đường đi trong nghiệp văn Vũ Từ Trang bên cạnh thơ và khảo cứu nghề truyền thống. Đó là chân dung văn học. Từng cuốn sách ra mắt những năm qua: Phía sau con chữ, Nhà văn độc hành độc bộ, Vì ai ta mãi phong trần, Phận người trôi nổi và mới nhất là Tơ trời chùng chình đón đợi (NXB Hội Nhà văn).
Hàng trăm gương mặt tiêu biểu và nổi bật trên văn đàn nước nhà trong các tập chân dung văn học, đang khắc nét sâu hơn một nhà thơ Vũ Từ Trang say mê tôn vinh những tài hoa.
Quý, và độc đáo, và cuốn hút qua nhiều những bài chân dung ấy, tác giả không viết như một nhà nghiên cứu, phê bình, mà viết bằng sự đa cảm của chính nhà thơ, với tư thế người trong cuộc, viết về ai đó mà có trải nghiệm đau đáu của mình. Đặc biệt, với nhiều chân dung là chính những bạn văn thân thiết, trân trọng, có với nhau nhiều kỷ niệm đằm thắm, Vũ Từ Trang viết bằng những yêu thương sâu nặng. Vì thế, cùng với tính chân thực của câu chuyện, chi tiết để vẽ nên hình ảnh, phong cách, cuộc đời nhân vật, còn là không khí đầy xao động một thời trẻ trung, sôi nổi, thác ghềnh. Còn cả những bứt rứt, tiếc nuối và cảm phận bè bạn không thể nguôi ngoai dù đã qua nhiều tháng năm.
Cuốn sách mới nhất, Tơ trời chùng chình đón đợi, càng khiến người đọc thấy rõ điều này. Nhà thơ nhớ thương những người bạn, người anh, bậc tiền bối đã ra đi, hoặc đang ở xa nhau, đang cùng chung cái cảnh bước sâu hơn về phía tuổi già mòn mỏi, để dường như phả tất cả nỗi niềm ấy vào từng trang hoài niệm, ngẫm nghiệp văn, nghĩ rộng đến cuộc đời, phận người.
Nhiều nhân vật là những đồng môn tham gia lớp bồi dưỡng những người viết văn trẻ khóa 6 (1973 - 1974) do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức ở Quảng Bá (Hà Nội) mấy chục năm trước. Những người khác, là các gương mặt nổi lên trong phong trào sáng tác ở các vùng mỏ, khu công nghiệp, miền đất cảng những năm 1960, 1970, bởi nghe tiếng nhau, trân trọng mà tìm gặp, gắn bó. Những người khác nữa, là các nhà văn, nhà thơ đàn anh mà Vũ Từ Trang từ thời trẻ đã ngưỡng mộ, rồi có dịp gặp gỡ, cộng tác, gần gũi mà nên tình nghĩa.
Các nhà văn, nhà thơ Hoàng Trung Thủy, Đào Cảng, Phạm Gia Bình, Tô Hải Vân, Nguyễn Phan Hách, Nam Ninh, Phan Quế, Nguyễn Văn Toại, Phạm Đình Ân, Nguyễn Việt Bắc, Võ Văn Trực, Vũ Châu Phối, Tô Thi Vân, Hoài Anh, Nguyễn Đức Mậu, Chu Hồng Hải, Nguyễn Xuân Khánh, Hoàng Trung Thông..., mỗi tác giả ấy đều được kể bằng sự trân quý, nhiệt thành, đều hiện lên nét văn, tính người trong bối cảnh cuộc sống không chỉ của riêng họ, mà của chung thế hệ, chung cộng đồng.
Nhờ thế, mỗi chân dung là một câu chuyện đời sinh động với những diễn biến có bóng dáng thời cuộc. Có không khí hăng hái của những thanh niên Thủ đô đi khai hoang trồng rừng ở Quảng Ninh cuối những năm 1970. Có khí thế gấp gáp, hối hả của những người công nhân ở cảng Hải Phòng, ở khu gang thép Thái Nguyên trong những năm chống Mỹ. Có đời sống lam lũ những người làm văn, viết báo những năm gian khó vì chiến tranh, bao cấp. Có nỗi chật vật nghề chữ nghĩa mà người văn người thơ phải bôn ba, lang bạt đằng đẵng. Có cuộc biến đổi chóng mặt bởi đô thị hóa nông thôn và những giá trị truyền thống lung lay, rạn vỡ thời mở cửa. Có cả một số biểu hiện quan liêu, ấu trĩ một thời.
Nhưng ở đó, sáng lên sự đắm đuối với nghề viết, bạn viết của những người trẻ trong không khí sáng tác, sinh hoạt đơn sơ, thiếu thốn nhưng cuồng nhiệt và vô tư những năm 60, 70, 80 thế kỷ trước. Có cái tình chân thật, gắn bó lâu bền của người văn với bạn hữu, đồng nghiệp. Có sự dấn thân vào nghiệp viết bằng niềm say mê lên đường, rong ruổi, bằng sự dám chấp nhận vất vả, thiệt thòi để sống cùng văn chương. Đọc những đoạn viết, bài viết như thế, người ta thêm hiểu động lực và xúc tác cho đời viết của những con người góp phần vào diện mạo văn chương, vào đời sống văn nghệ của đất nước, của nhiều địa phương, vùng đất một thời.
Và đọc, có thể đọng chút u hoài, buồn thương về những người viết, đời viết một thời. Nhưng ngưỡng mộ họ, những tâm hồn lấp lánh. Và yêu quý họ, như thấm một phần yêu thương day dứt của tác giả nhà thơ Vũ Từ Trang đã gửi vào trang sách.