Say trong hương rừng

'Rừng chiều nghe lao xao tiếng lá non gọi gió/ Tôi đứng giữa ngàn xanh mà say trong hương rừng'… Nhìn ông Hoàng Văn Chúc ôm đàn hát say sưa tôi lại nhớ điều ông từng tâm đắc: 'Mình gắn bó với rừng nên không chỉ việc làm mà lời ca cũng dành cho rừng và người trồng rừng'. Bây giờ tôi đã hiểu vì sao ông thành công trên cương vị cao nhất của Công ty TNHH hai thành viên Lâm nghiệp Yên Thế (Bắc Giang) hơn 10 năm qua.

Góp phần cho những đổi thay

Đến thăm Công ty TNHH hai thành viên Lâm nghiệp Yên Thế (Công ty Lâm nghiệp Yên Thế), tôi không khỏi ngỡ ngàng vì sự đổi thay của doanh nghiệp (DN). Công ty dành gần 10 tỷ đồng để xây mới các khu: Nhà ở, sinh hoạt cho cán bộ, công nhân cùng nhà xưởng sản xuất rộng hàng nghìn m2 và mua sắm máy móc, thiết bị chế biến gỗ. Khu nhà điều hành dự kiến được xây mới vào đầu năm tới.

Điều mừng hơn là DN đã quy hoạch, xây dựng khu vườn ươm hơn 1 ha, trang bị kỹ thuật đồng bộ để có điều kiện nghiên cứu, sản xuất nhiều dòng, giống cây lâm nghiệp mới.

Ông Hoàng Văn Chúc (bên phải) hướng dẫn kỹ thuật nhân giống cho ông Ngô Văn Nhu (nguyên là công nhân của Công ty đã nghỉ hưu) ở bản Xoan, xã Xuân Lương.

Ông Hoàng Văn Chúc (bên phải) hướng dẫn kỹ thuật nhân giống cho ông Ngô Văn Nhu (nguyên là công nhân của Công ty đã nghỉ hưu) ở bản Xoan, xã Xuân Lương.

Sau khi thăm “đại bản doanh” mới, ông Chúc đưa tôi tới một số khu rừng trồng gỗ lớn của Công ty. Mùa này mưa ẩm, đường trơn nhưng là thời điểm thuận lợi cho cây rừng đâm chồi, nảy lộc. Những cánh rừng keo, bạch đàn bạt ngàn hiện ra trước mắt.

Còn nhớ, nhiều năm trước, đất rừng của DN và người dân trơ cằn sỏi đá. Cây trồng còi cọc do nguồn giống kém chất lượng lại không được chăm sóc tốt. Đường đến các thôn, xã cũng mờ bụi đỏ. Nay, mọi thứ đã đổi thay, ngay cả vườn nhà, người dân cũng trồng keo, bạch đàn hay dùng phấn bởi cho hiệu quả kinh tế cao.

Chủ tịch UBND huyện Yên Thế Nguyễn Ngọc Sơn khẳng định, thành quả ấy có đóng góp không nhỏ của Công ty Lâm nghiệp Yên Thế với người đứng đầu là ông Hoàng Văn Chúc. Ngoài cung ứng giống, chuyển giao kỹ thuật, DN còn đi đầu áp dụng thâm canh các dòng, giống cây lâm nghiệp mới để người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số học tập, làm theo.

Tận tụy, vượt khó

Ông Hoàng Văn Chúc (SN 1967) ở thôn Chấn Sơn, xã Liên Sơn (Tân Yên). Ông được kết nạp Đảng năm 1994; tốt nghiệp Đại học Lâm nghiệp năm 1995; Thạc sĩ chuyên ngành Lâm nghiệp năm 2010; được nhận 5 Bằng khen của: Trường Đại học Lâm nghiệp, Chủ tịch UBND tỉnh, Bộ Nông nghiệp và PTNT và 1 giải A, Giải thưởng KH&CN tỉnh Bắc Giang lần thứ 2 năm 2020.

Rời khu trồng rừng gỗ lớn tại các xã: Đồng Vương, Tiến Thắng, Đồng Hưu, chúng tôi đến khu vực Thác Ngà, xã Xuân Lương. Từ xa đã thấy những vạt dùng phấn, gỗ mỡ thân trắng vươn cao.

Ông Chúc cho hay: “Khu này rộng hơn 50 ha. Chúng tôi không thâm canh theo chu kỳ mà gây trồng các loại cây bản địa như: Chò nâu, vạng trứng, mỡ, dùng phấn và các cây dược liệu dưới tán rừng để tái tạo thành rừng tự nhiên, phục vụ du khách tới tham quan, góp phần bảo vệ nguồn sinh thủy cho suối Thác Ngà”.

Ướm tay đo cây mỡ hơn 10 năm tuổi, ông Chúc tâm sự: Có rừng gỗ lớn với năng suất vượt trội như hôm nay, chúng tôi phải trải qua bao khó khăn. Ông kể, tháng 4/2010 được bổ nhiệm Giám đốc (khi đó DN mới chuyển đổi sang Công ty TNHH một thành viên, năm 2019 chuyển sang Công ty TNHH hai thành viên và ông được bầu làm Chủ tịch HĐTV), trong bối cảnh DN hết sức khó khăn, nợ ngân hàng 8,3 tỷ đồng, nhiều diện tích rừng và đất bị lấn chiếm. Hàng trăm ha bạch đàn bị sâu bệnh nặng; thu nhập của lao động chỉ đạt 4,5 triệu đồng/người/tháng. Tình trạng tranh chấp đất rừng giữa người dân với DN diễn ra phức tạp.

Có trình độ thạc sĩ chuyên ngành lâm nghiệp, lại trải qua nhiều chức vụ, như: Phó Giám đốc Dự án di dân Trường bắn Quốc gia TB1, Phó Giám đốc Chi cục Lâm nghiệp Bắc Giang… nhưng ông Chúc chưa khi nào thấy khó khăn như vậy.

Nhiều đêm thức trắng để tìm lời giải cho hai câu hỏi: Giải pháp nào khắc phục dịch bệnh hại để đưa năng suất, chất lượng rừng trồng lên cao? Làm thế nào để giải quyết dứt điểm tranh chấp, lấn chiếm đất rừng của DN? “Những đêm trắng, tôi lại bầu bạn với cây đàn và hát. Khi hát tôi thấy mình trẻ lại, tăng thêm nhiệt huyết hoàn thành công việc”, ông Chúc nói.

Ông Hoàng Văn Chúc đưa đoàn chuyên gia của Công ty hợp tác liên bang lâm nghiệp Hàn Quốc (TP Hồ Chí Minh) đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm trồng rừng tại Công ty.

Ông Hoàng Văn Chúc đưa đoàn chuyên gia của Công ty hợp tác liên bang lâm nghiệp Hàn Quốc (TP Hồ Chí Minh) đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm trồng rừng tại Công ty.

Để vượt qua khó khăn, ông Chúc dành thời gian làm việc, ăn ở cùng cán bộ, công nhân; trực tiếp xuống địa bàn tìm hiểu nguyên nhân, giải quyết các vụ việc. “Tôi luôn có niềm tin với hơn 2,3 nghìn ha đất rừng sản xuất được Nhà nước giao, dứt khoát DN phải phát triển và làm giàu từ rừng”.

Sau thời gian ngắn ông đã tìm ra nguyên nhân rừng bị dịch bệnh, suy giảm năng suất, chất lượng là do một số giống bạch đàn: PN14, U6 và các dòng keo lai BV10, BV16 đã sử dụng quá lâu (từ 2-3 chu kỳ) dẫn đến thoái hóa.

Để khắc phục, DN phối hợp với các nhà khoa học tiến hành thử nghiệm và đã tìm ra các dòng giống keo, bạch đàn có năng suất chất lượng cao như các dòng bạch đàn lai, keo lai tam bội, keo lai kháng bệnh để thay thế. Đồng thời ứng dụng phân vi sinh, phân hữu cơ bón cho rừng.

Sau một chu kỳ thâm canh, các giống mới đã cho hiệu quả vượt trội, năng suất đạt từ 25-30m3/ha/năm. Thành công này góp phần cho Công ty trả hết nợ, dư vốn tái đầu tư sản xuất. Cán bộ, công nhân tin tưởng hơn vào những quyết sách của lãnh đạo Công ty.

Lo cho tương lai

Nắm được quy luật sử dụng cùng một loại giống, dù tốt cũng chỉ sau khoảng 2 chu kỳ (từ 8-10 năm) là cây sẽ bị thoái hóa. Vì thế năm 2011, Công ty phối hợp với Viện nghiên cứu giống và Công nghệ sinh học lâm nghiệp thực hiện 2 mô hình thử nghiệm và đã chọn được bộ giống có năng suất chất lượng cao, thích ứng với nhiều vùng thâm canh rừng.

Ông Hoàng Văn Chúc nhận Giải thưởng KH&CN tỉnh Bắc Giang lần thứ 2, năm 2020.

Ông Hoàng Văn Chúc nhận Giải thưởng KH&CN tỉnh Bắc Giang lần thứ 2, năm 2020.

Để bộ giống sớm được nhân rộng, ông Chúc đã đề xuất dự án ứng dụng khoa học và công nghệ (KH&CN) cấp Nhà nước: “Xây dựng mô hình trồng rừng thâm canh bạch đàn và keo tai tượng tại Bắc Giang” do chính ông làm chủ công trình, thời gian thực hiện từ tháng 1/2013-12/2017.

Các dòng keo, bạch đàn đã cho năng suất bình quân 30 m3/ha/năm. Các giống này đã nhanh chóng được nhân rộng, nâng cao năng suất chất lượng rừng, rút ngắn chu kỳ kinh doanh từ 7-8 năm còn 4-5 năm. Hằng năm, các dòng/giống mới được DN sản xuất hàng triệu cây cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh... Công trình đã đoạt giải A, Giải thưởng KH&CN tỉnh Bắc Giang lần thứ 2, năm 2020.

Từ năm 2013 đến nay, Công ty Lâm nghiệp Yên Thế đã được Bộ Nông nghiệp và PTNT, UBND tỉnh, Liên đoàn Lao động tỉnh tặng 8 Bằng khen và Cờ thi đua vì các thành tích đạt được trong sản xuất - kinh doanh.

Cùng với tạo nguồn giống mới, ông Chúc mời luật sư giỏi tư vấn, hỗ trợ pháp lý, giúp Công ty giải quyết các vụ việc tranh chiếm đất rừng. Để giải quyết dứt điểm tình trạng tái lấn chiếm đất rừng, Công ty đã ký hợp đồng giao khoán trồng rừng với gần 800 người dân, tạo việc làm, thu nhập cho họ.

Năm 2015, Công ty đầu tư gần 1 tỷ đồng, thuê đơn vị tư vấn đo đạc lại bản đồ địa chính, cắm mốc ranh giới. Đồng thời lập hồ sơ trình Hội đồng quản trị rừng thế giới để xét duyệt. Hiện hơn 2 nghìn ha rừng của DN đã được cấp Chứng chỉ rừng Quốc tế FSC. Vì thế đã gắn kết, nâng cao chuỗi giá trị từ sản xuất đến chế biến và tiêu thụ gỗ ổn định hằng năm, góp phần nâng doanh thu lên hơn 30 tỷ đồng/năm. Thu nhập bình quân của người lao động đạt 8,5 triệu đồng/người/tháng; nộp ngân sách hơn 3 tỷ đồng/năm.

Những lúc khó khăn, ông Chúc thường ôm đàn hát để xốc lại tinh thần.

Những lúc khó khăn, ông Chúc thường ôm đàn hát để xốc lại tinh thần.

Ngoài ra, ông Chúc còn đào tạo được nguồn nhân lực để quản trị DN, quản lý đất đai, quản lý rừng bền vững, giúp Công ty từ đơn vị gặp nhiều khó khăn trở thành điểm sáng của các DN lâm nghiệp nhà nước. Công ty được nhiều DN trồng rừng trong nước và quốc tế, như: Công ty hợp tác liên bang lâm nghiệp Hàn Quốc; các tập đoàn trồng rừng của Tây Phi, Nam Phi… đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm.

Chia tay những người trồng rừng ở Công ty Lâm nghiệp Yên Thế, trong tôi vẫn vang lời ca trong bài "Nhạc rừng" của nhạc sĩ Vũ Thanh mà ông Chúc đã hát: "Từng hàng cây thân thương bao tháng năm đã cùng tôi/ Trải bao gió sương buồn vui rừng ơi"... Với tâm huyết và trí lực, những thành tựu của ông Chúc và đồng nghiệp đã đạt được sẽ còn vang mãi.

Bài, ảnh: Thế Đại

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/phong-su/356709/say-trong-huong-rung.html