Say trong sắc màu nỗi nhớ của những bông gạo cuối mùa vùng biên

Xưa nay tôi vẫn nghĩ cây gạo gắn liền với làng quê Việt Nam ở vùng đồng bằng Bắc Bộ, hoặc ở đầu làng, triền đê... Còn hình ảnh cây gạo nở đỏ rực trời giữa thời điểm giao mùa Xuân – Hạ trải dài suốt cung đường tôi lại khiến nỗi nhớ bâng khuâng mùa hoa gạo cuối mùa độc đáo… Hà Giang đọng lại mãi...

 Hoa gạo cuối mùa ở Hà Giang vẫn rực màu sắc đỏ (Ảnh: Lê Liệu)

Hoa gạo cuối mùa ở Hà Giang vẫn rực màu sắc đỏ (Ảnh: Lê Liệu)

Từ Sài Gòn, tôi bay ra Bắc để được một lần thỏa khát khao đặt chân lên mảnh đất địa đầu Tổ quốc. Điều bất ngờ đầu tiên suốt dọc đường tôi đi, là những cây gạo mọc trải đều khắp các triền núi, nương ngô, ven sông, ven suối ở vùng cao nguyên đá. Sắc màu hoa đỏ rực đầy tự hào và kiêu hãnh lúc này như tô điểm thêm sắc hương cuối Xuân của Hà Giang khi tiết trời vẫn se se lạnh.

Hoa gạo không chỉ có ở vùng đồng bằng Bắc Bộ (Ảnh: Thanh Nhàn)

Hoa gạo không chỉ có ở vùng đồng bằng Bắc Bộ (Ảnh: Thanh Nhàn)

Ai đã từng đặt chân đến vùng đất "địa đầu" Tổ quốc, chắc hẳn đều ấn tượng về sự hùng vĩ, nên thơ của cảnh sắc nơi này. Cao nguyên đá Đồng Văn núi xếp chồng núi, màu xanh cây rừng đan xen trải dài như có thể chạm tới trời cao. Dưới mỗi thung lũng là vài chục nếp nhà trình tường lợp ngói âm dương xam xám, lúp xúp dưới bóng cây hoa đào. Xa xa, bất ngờ nổi bật lên những cây gạo trơ trụi lá âm thầm tích căng nguồn nhựa sống khiến nơi này càng như rực rỡ hơn.

Màu hoa gạo cuối mùa ở Hà Giang vẫn đỏ tươi, thắm sắc như màu cờ. Suốt dọc đường từ thị trấn Yên Minh sang Đồng Văn, qua Mèo Vạc, đến Vị Xuyên, về thành phố Hà Giang,... vẫn màu hoa đỏ trùng trùng điệp điệp. Bạn tôi - trong câu chuyện về mảnh đất quê hương mình đã khẳng định đó là một thứ "đặc sản" đầy tự hào. Tôi cũng tự hào khi đang có mặt nơi đây, nơi mảnh đất biên cương trải qua chiến tranh biên giới khốc liệt, mảnh đất đã ôm vào lòng hàng ngàn người con ra đi không trở về để giữ bình yên cho Tổ quốc.

Những cây hoa gạo cuối mùa ở Hà Giang vẫn trải dài suốt cung đường lên cao nguyên đá (Ảnh: Thanh Nhàn)

Những cây hoa gạo cuối mùa ở Hà Giang vẫn trải dài suốt cung đường lên cao nguyên đá (Ảnh: Thanh Nhàn)

Đi trong men say cuối Xuân ngây ngất màu hoa gạo phủ đỏ đất trời. Hai bên hẻm vực Tu Sản, càng ngỡ ngàng với hàng cây thắp lên những "ngọn lửa" hoa gạo rực đỏ triền sông. Cây gạo thân to, thẳng vươn cao mạnh mẽ, cành xòe ngang đỡ từng chùm nụ, chùm bông nặng trĩu không còn chỗ cho mầm xanh nhú mắt. Những bụi cây lúp xúp phủ xanh càng làm nền cho màu đỏ chói của hoa gạo bừng lên ấm nồng.

Tôi ngồi trên thuyền gió mơn man mái tóc, cuối Xuân, vẫn vẳng nghe tiếng khèn ai đang dìu dặt gọi bạn tình. Chợt bắt gặp bước chân cô gái H' Mông, Lô Lô... lâng lâng đi trên sóng nhạc. Họ váy áo xúng xính. Ánh mắt, nụ cười say men rượu ngô ấm nồng. Thiên nhiên nơi biên cương giao hòa lòng người đến thế, song sức hút mạnh mẽ nhất với tôi vẫn là được đắm mình trong sắc hoa gạo cuối Xuân, dẫn bước tôi thưởng ngoạn đất trời trên những cung đường quanh co mà bình yên khó tả.

Màu hoa gạo biên cương càng khiến cho tôi một lần "say" khi đặt chân lên mảnh đất địa đầu Tổ Quốc (Ảnh: Lê Liệu)

Màu hoa gạo biên cương càng khiến cho tôi một lần "say" khi đặt chân lên mảnh đất địa đầu Tổ Quốc (Ảnh: Lê Liệu)

Với tôi, chuyến đi lần này bị thu hút nhất là màu hoa gạo biên cương khiến tôi vừa bâng khuâng, vừa xao xuyến cho một lần "say" khi đặt chân lên mảnh đất địa đầu Tổ Quốc - Hà Giang.

Thanh Nhàn

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/say-trong-sac-mau-noi-nho-cua-nhung-bong-gao-cuoi-mua-vung-bien-20210416121501167.htm