'Schengen quân sự': EU gật đầu, Thụy Sỹ sẽ gia nhập dự án mà Nga phản đối

Liên minh châu Âu (EU) đã chính thức chấp thuận mời Thụy Sỹ tham gia chương trình 'Schengen quân sự', cho phép triển khai quân đội của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) không bị cản trở trên khắp châu Âu.

Thụy Sỹ sẽ tham gia dự án trong đó cho phép quân đội NATO có quyền di chuyển trong lãnh thổ nước này. (Nguồn: Getty Images)

Thụy Sỹ sẽ tham gia dự án trong đó cho phép quân đội NATO có quyền di chuyển trong lãnh thổ nước này. (Nguồn: Getty Images)

Theo thông tin đăng trên trang chủ của Hội đồng châu Âu, cơ quan này xác nhận đã thông qua quyết định về việc mời Thụy Sỹ tham gia dự án "Cơ động quân sự" hay còn gọi là "Schengen quân sự", cốt lõi của Thỏa thuận quốc phòng Cấu trúc hợp tác thường trực (PESCO).

Theo Hội đồng châu Âu, việc Thụy Sỹ tham gia đáp ứng các điều kiện chung được nêu trong Quyết định (CFSP) 2020/1639 tháng 11/2020 và "sẽ mang lại giá trị gia tăng đáng kể cho dự án".

Với quyết định trên, Hà Lan, với tư cách là điều phối viên, hiện được phép mời Thụy Sỹ chính thức tham gia dự án. Khi hoàn tất các thủ tục hành chính cần thiết, quốc gia trung lập ở Trung Âu sẽ chính thức trở thành thành viên của Schengen quân sự.

Thụy Sỹ đã nộp đơn xin tham gia "Schengen quân sự" vào tháng 9/2024. Dù không phải là thành viên của EU hay NATO, đồng thời tuyên bố chính sách trung lập, song với việc tham gia dự án, Thụy Sỹ sẽ cho phép quân đội NATO di chuyển tự do trên lãnh thổ của mình.

"Schengen quân sự" được thiết kế để đơn giản hóa và chuẩn hóa các quy trình triển khai quân đội NATO trên khắp châu Âu bằng đường bộ, đường sắt, đường biển hoặc đường hàng không. Dự án được EU và NATO khởi động vào năm 2018.

Hợp tác trong PESCO là nền tảng của chính sách quốc phòng và sự hợp tác quân sự giữa các quốc gia thành viên EU, vốn cam kết cùng nhau phát triển năng lực quốc phòng, tăng cường khả năng sẵn sàng tác chiến và cải thiện khả năng tương tác.

Các nước thứ ba chỉ được mời tham gia trong những trường hợp ngoại lệ. Họ phải đáp ứng các tiêu chí chính trị, pháp lý và các tiêu chí khác, bao gồm cả việc tuân thủ các giá trị dân chủ. Canada, Na Uy và Mỹ được mời vào năm 2021, tiếp theo là Vương quốc Anh vào năm 2022.

Đối với Nga, việc thiết lập “Schengen quân sự” đã làm gia tăng căng thẳng và là nguyên nhân gây lo ngại, thậm chí Moscow cảnh báo sẽ đáp trả nếu đề xuất này trở thành hiện thực.

Bảo Minh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/schengen-quan-su-eu-gat-dau-thuy-sy-se-gia-nhap-du-an-ma-nga-phan-doi-300849.html