SCIC nộp ngân sách nhà nước 2.500 tỷ đồng

Tính đến hết tháng 6/2022, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) có tổng doanh thu ước đạt 4.915 tỷ đồng, bằng 62,26% so với kế hoạch năm 2022; lợi nhuận trước thuế lũy kế ước đạt 3.511 tỷ đồng; nộp ngân sách nhà nước là 2.508 tỷ đồng.

Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Hồ Sỹ Hùng làm việc với SCIC.

Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Hồ Sỹ Hùng làm việc với SCIC.

Theo báo cáo của SCIC, những tháng đầu năm 2022, trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước biến động khó lường, lạm phát tăng cao và tăng trưởng kinh tế sụt giảm, hoạt động đầu tư kinh doanh vốn còn gặp nhiều khó khăn, SCIC đã nỗ lực triển khai kế hoạch kinh doanh năm 2022 và đạt được kết quả tích cực, các chỉ tiêu kinh doanh chủ yếu đều đạt mức cao trên 60% kế hoạch cả năm.

Tổng doanh thu của SCIC đến 30/6/2022 ước đạt 4.915 tỷ đồng, bằng 62,26% so với kế hoạch năm 2022 do Ủy ban phê duyệt. Trong đó, doanh thu cổ tức ước đạt 3.667 tỷ đồng, bằng 63% kế hoạch; doanh thu bán vốn ước đạt 716 tỷ đồng, bằng 53% so với kế hoạch. Lợi nhuận trước thuế lũy kế ước đạt 3.511 tỷ đồng, tương ứng 98% kế hoạch năm. Lợi nhuận sau thuế ước đạt 3.310 tỷ đồng, tương ứng 92% kế hoạch năm. Nộp ngân sách nhà nước là 2.508 tỷ đồng đạt tỷ lệ gần 70% kế hoạch đề ra.

Trong công tác quản trị, thông qua vai trò cổ đông nhà nước, SCIC thực hiện tái cơ cấu để nâng cao hiệu quả hoạt động, xử lý tồn tại phát sinh tại các doanh nghiệp trong danh mục, đặc biệt là các Tập đoàn, Tổng công ty có có vốn nhà nước chi phối, có vai trò quan trọng trong danh mục của SCIC như: Công ty cổ phần Dược Hậu Giang, Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk), Công ty cổ phần Bảo Minh...

Tại Tổng công ty Thép Việt Nam (VnSteel), SCIC đã kiện toàn nhân sự lãnh đạo, chỉ đạo Người đại diện SCIC tại VnSteel có ý kiến với các nội dung thuộc thẩm quyền Hội đồng quản trị như: công tác nhân sự Người đại diện của VnSteel tại các đơn vị, quy trình đầu tư xây dựng của VnSteel, và tổ chức thành công Đại hội cổ đông thường niên năm 2022.

Bên cạnh đó, SCIC đã tham mưu cho Ban Chỉ đạo xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án và doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương tái cơ cấu tại Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên (Tisco) và Công ty TNHH Khoáng sản và Luyện kim Việt - Trung (VTM).

Tại buổi làm việc với SCIC, Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Hồ Sỹ Hùng đề nghị Ban Lãnh đạo SCIC tập trung chỉ đạo, thực hiện một số nội dung quan trọng. Trong đó, SCIC cần nỗ lực hoàn thiện Chiến lược và Kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển 5 năm; mô hình hoạt động, phương án vốn điều lệ của Tổng công ty và đề án tái cơ cấu lại SCIC trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt. SCIC cần tăng cường quản trị doanh nghiệp, đổi mới quản trị, nâng cao hiệu quả hoạt động doanh nghiệp nhằm đẩy nhanh tiến độ thoái vốn tại doanh nghiệp nhà nước.

Ngoài ra, SCIC cần ưu tiên tập trung xử lý 2 dự án, doanh nghiệp yếu kém, khó khăn là Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên (Tisco) và Công ty TNHH Khoáng sản và Luyện kim Việt - Trung (VTM); đồng thời, tiếp tục rà soát và hoàn thiện thể chế, khuôn khổ pháp lý cho tổ chức và hoạt động của SCIC.

Ngoài ra, SCIC cần thúc đẩy hoạt động đầu tư, nghiên cứu tìm kiếm các cơ hội đầu tư, phát huy vai trò của Công ty TNHH MTV Đầu tư SCIC (SIC); đẩy mạnh nghiên cứu mô hình Quỹ đầu tư Chính phủ để xứng đáng với vai trò, vị trí và sứ mệnh là nhà đầu tư của Chính phủ để thu hút thêm nguồn lực tài chính vào các doanh nghiệp, dự án lớn, quan trọng, dẫn dắt nền kinh tế.

Theo SCIC

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/tai-chinh-kinh-doanh/scic-nop-ngan-sach-nha-nuoc-2500-ty-dong-351966.html