SCO mở rộng sang châu Âu

Việc Belarus gia nhập SCO cho thấy nhóm khu vực thuần túy - ban đầu gồm Trung Quốc, Nga, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan và Uzbekistan - đang dần mở rộng phạm vi địa lý và chính trị của mình. Sau Ấn Độ và Pakistan vào năm 2017 và Iran năm 2023, Belarus là quốc gia châu Âu đặc quyền tham gia.

Từ một diễn đàn thuần túy ở Trung Á tập trung vào hợp tác an ninh khu vực, SCO trở thành một tổ chức gồm 10 thành viên ngày càng đa dạng với tham vọng mở rộng toàn cầu.

Gia tăng ảnh hưởng

Trọng tâm đang thay đổi của SCO rõ ràng là phù hợp với lợi ích ngày càng tăng của Trung Quốc và Nga trong tổ chức. Với tư cách là thành viên sáng lập, 2 nước này là nguồn lực tạo ra một nền tảng để tăng cường hợp tác kinh tế và an ninh khu vực và giờ đây tiếp tục vai trò đó để tăng sức ảnh hưởng quốc tế của SCO. Các thành viên của nhóm chiếm khoảng 25% sản lượng kinh tế thế giới và một nửa dân số thế giới, khiến cho nhóm này không ngừng gia tăng về uy tín và tiềm lực nội sinh.

SCO đang ngày càng mở rộng phạm vi ảnh hưởng toàn cầu.

SCO đang ngày càng mở rộng phạm vi ảnh hưởng toàn cầu.

Kể từ những năm 2010, Trung Quốc đã củng cố vị thế cường quốc trong hệ thống quốc tế, mang lại cho SCO một giá trị mang tính biểu tượng vượt xa hiệu quả thực tế của tổ chức. Bắc Kinh sử dụng diễn đàn này để thể hiện khả năng đưa ra các lựa chọn thay thế cho các thể chế hiện có do Mỹ lãnh đạo, khiến việc mở rộng của tổ chức để bao gồm nhiều quốc gia hơn ngoài Trung Á mang lại lợi ích - ngay cả khi điều này có ý nghĩa làm giảm đi tính ảnh hưởng của tổ chức này trong khu vực.

So với việc Ấn Độ và Pakistan gia nhập, việc mời Iran tham gia tổ chức an ninh khu vực này vào tháng 7/2023 có ý nghĩa hợp lý hơn về mặt hiệu quả của tổ chức. Với việc Tehran cũng lo ngại như các thành viên SCO khác về nạn buôn bán ma túy và bất ổn chính trị ở Afghanistan, Iran là một “lựa chọn trời sinh” để giúp ngăn chặn những tệ nạn từ nước láng giềng này lan ra khu vực. Nước này có nhiều kinh nghiệm chống tệ nạn, điều mà giờ đây họ có thể chia sẻ thông qua Cơ chế chống khủng bố khu vực của SCO. Trên hết, tư cách thành viên của Iran có thể giúp thúc đẩy các liên kết thương mại của SCO, đặc biệt thông qua cảng Chabahar do Ấn Độ điều hành trên vịnh Oman.

Việc Belarus gia nhập SCO tại hội nghị thượng đỉnh của tổ chức này ở Astana (Kazakhstan) vào đầu tháng 7 vừa qua đánh dấu sự chuyển đổi của SCO từ một nhóm nước gồm các quốc gia Trung Á có ý định cải thiện tình hình an ninh khu vực thành một khối địa chính trị ở trung tâm của cuộc đối đầu toàn cầu gay gắt hiện nay. Là quốc gia hoàn toàn thuộc châu Âu đầu tiên tham gia, Belarus mở rộng phạm vi hoạt động của SCO ra ngoài Trung Á, Nam Á và Tây Á; thêm một đồng minh quan trọng của Nga và một “đối tác chiến lược” của Trung Quốc; cho phép củng cố chiến lược của SCO là tạo đối trọng với các tổ chức và liên minh phương Tây.

Belarus là một trong 2 quốc gia đầu tiên đạt được tư cách đối tác đối thoại vào năm 2009 và được cấp tư cách quan sát viên của SCO vào năm 2015. Nước này là thành viên của Tổ chức Hiệp ước an ninh tập thể (CSTO) và Cộng đồng Các quốc gia độc lập (CIS). Lợi ích của Minsk trong SCO có thể vượt xa các tham vọng địa chiến lược. Đối với Belarus, thương mại với các nước SCO là một giải pháp thay thế đáng hoan nghênh cho các mối quan hệ kinh tế với châu Âu, trong khi liên minh châu Âu (EU) đang áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Belarus vì ủng hộ Nga trong cuộc chiến với Ukraine.

Cơ hội cho EU

Hiện SCO dường như đang trên đường trở thành một tổ chức quốc tế - chứ không phải khu vực - bao gồm nhiều quốc gia hơn so với trọng tâm khu vực dự kiến ban đầu. Các đối tác đối thoại của tổ chức hiện bao gồm Bahrain, Campuchia, Ai Cập, Kuwait, Maldives, Nepal và Qatar - không hẳn là các nước Trung Á có những thách thức an ninh hay kinh tế tương tự. Nếu việc mở rộng được tiếp tục, tổ chức này có thể chuyển từ hợp tác an ninh khu vực hữu hình sang giải quyết các vấn đề kinh tế và chính trị toàn cầu trừu tượng hơn.

Giai đoạn chuyển tiếp hiện tại của SCO mang đến cơ hội cho EU trong tăng cường sự can dự với Trung Á. Các mối quan hệ ngoại giao và kinh tế đã phát triển trong những năm gần đây - EU chiếm 42% tổng đầu tư trực tiếp nước ngoài lũy kế trong khu vực - và châu Âu nên sử dụng vị thế này để đưa ra những quan hệ đối tác đáng tin cậy và hấp dẫn hơn so với những mối quan hệ được cung cấp thông qua SCO.

Ví dụ như Kazakhstan đối tác Trung Á chính của EU, muốn đa dạng hóa các tuyến xuất khẩu dầu của mình, điều này rõ ràng được EU quan tâm. Astana và Brussels đã ký một biên bản ghi nhớ về quan hệ đối tác nguyên liệu thô, pin và hydro tái tạo, phù hợp với chiến lược của Brussels nhằm đa dạng hóa nguồn cung cấp nguyên liệu thô quan trọng như lithium. Các lĩnh vực khác cần hợp tác chặt chẽ với các nước trong khu vực bao gồm nước, năng lượng và ứng phó với biến đổi khí hậu. Học giả người Kazakhstan Zhanibek Arynov lưu ý, EU có thể thành lập một trường đại học châu  ở Trung Á để kết nối với giới trẻ trong khu vực.

Hay, chẳng hạn như nếu nghĩ đến việc thiếu sáng kiến rõ ràng về quản lý nguồn nước trong khuôn khổ SCO, thì rõ ràng EU có thể thể hiện mình là một đối tác đáng tin cậy hơn đối với Trung Á và đưa ra nhiều mối quan hệ đối tác hấp dẫn hơn là thông qua SCO. Tất nhiên, tất cả những điều này sẽ được thực hiện ở quy mô nhỏ hơn nhiều, vì SCO là một tổ chức khu vực chính thức và sự tham gia của EU với các nước Trung Á khác nhau vẫn còn hạn chế. Tuy nhiên, xét đến lợi ích của các nước trong mối quan hệ đa dạng, EU có thể dễ dàng thực hiện một số bước đi đúng hướng, bắt đầu từ những bước nhỏ.

Khi SCO mở rộng lần 3, tổ chức này phải đối mặt với thách thức duy trì tính hiệu quả trong khu vực, đồng thời tăng cường ảnh hưởng quốc tế. Điều này mang lại cơ hội chiến lược để EU tham gia sâu hơn với Trung Á và cung cấp một giải pháp thay thế cho khuôn khổ do Trung Quốc - Nga lèo lái trong SCO mà ngày càng được coi là một giải pháp thay thế cho các tổ chức phương Tây.

Huy Thông (Tổng hợp)

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/su-kien-binh-luan-antg/sco-mo-rong-sang-chau-au-i740950/